Góc nhìn 365: Giáo dục địa phương

Thứ Năm, 31/10/2024 07:09 GMT+7

Google News

Tôi đến Rye, một vùng ngoại ô nhỏ, ven biển ở miền Nam Melbourne nước Úc. Bờ cát trắng tinh khiết trải dài. Nắng chói chang, mặt biển ma mị một màu xanh cốm thôi miên du khách.

Một chuyến tham quan, trải nghiệm ngắn ngủi nhưng khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về cách thức "giáo dục địa phương" ở nơi đây, một vấn đề cũng rất đáng được quan tâm trong giáo dục hiện nay.

Trước hết, là ấn tượng của tôi về biển trời nơi đây. Những làn sóng xanh lấp loáng như mắt lưới đan trên mặt nước trong vắt. Biển nhạt muối, gió lộng mà không thấy hơi mặn. Nơi đây có cây cầu vươn ra biển dài đến dăm trăm mét. Cầu gỗ, lan can sắt, rộng chừng 3 mét, đủ cho ba bốn người xếp hàng ngang cùng đi. Hôm ấy là thứ Hai, nhưng rất đông người đến, trong đó nhiều nhất đi chơi thư giãn là chính và những người câu mực cũng là để thư giãn.

Góc nhìn 365: Giáo dục địa phương - Ảnh 1.

Bãi biển Williamstown. Ảnh: Internet

Ven bờ biển xứ này thường không có các làng chài như xứ mình. Nhìn xa tắp biển phẳng lặng bình yên. Dọc bờ cát dài, người tắm nắng phơi mình, trẻ con nô đùa chạy nhảy. Không thấy một cọng rác trôi trên mặt nước. Ven bờ không có gì vương bẩn vào cát trắng. Không bóng công nhân môi trường mà bờ biển vẫn sạch. Vâng, biển thật thơm mát, con người thơm mát, nắng thơm mát, khí trời thơm mát và cuối cùng là tình người thơm mát....

***

Nhưng rồi cái để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất khi thăm vùng đất này lại không phải biển, mà là câu chuyện bên bờ biển.

Trên đường ven biển dẫn lên cầu, có một tấm biển kim loại dựng bên đường chân dung một người phụ nữ có tên Pauline Powell cùng lời thuyết minh. Con tôi cho biết đó là người phụ nữ đã làm việc ở đây từ 1958 đến 2021 bà mất. Bà là một phụ nữ bình thường, nhưng tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội, đóng góp nổi trội. Tấm biển ghi nhận công tích của người đàn bà đương thời gây cho tôi ấn tượng và hiểu rằng lịch sử là cái đang tồn tại được kiểm nghiệm luôn trong tiến trình vận động thật sống động và đẹp như một tấm gương không chút bụi mờ.

Tấm biển thứ 2 đặt ngay ở đầu cầu ra biển. Trên đó có chân dung một người lính. Tấm ảnh đen trắng đã nhạt nhòa. Câu chuyện cho ta biết anh là người con của vùng đất này. Thế chiến thứ Nhất, anh nhập ngũ cùng nhiều chàng trai ra trận, nhưng là người duy nhất ở địa phương này hy sinh trên chiến trường. Trong tấm biển công tích người ta thấy những nơi anh đã đi qua, đã đóng quân... Đặc biệt, những trang nhật kí cuối cùng là những câu chuyện vặt được anh ghi lại... Những dòng chữ rất trang trọng tôn vinh người lính trên chính mảnh đất anh được sinh ra, để không chỉ các thế hệ ở địa phương này được đọc mà cả những du khách xa lạ như tôi cũng phải ngẫm ngợi, dù cách biệt về ngôn ngữ.

Câu chuyện về hai con người gắn với rẻo đất gây cho tôi xúc động và cảm thấy mảnh đất trở nên có hồn, thêm nhiều ý nghĩa sống. Đây là những trang lịch sử của chính địa phương. Con tôi bảo: Họ ghi chép cẩn thận lắm, như gia phả vậy, khi cần thì tư liệu bày ra đến từng chi tiết.

Tôi bước lên cây cầu ra biển lại thấy thêm ngoài những tấm biển cảnh giới cho du khách còn thêm những tấm biển giới thiệu các loài sinh vật biển sống ở đây như giống cua nhện, bạch tuộc, sao biển, mực và một số loài thủy tộc khác. Giới thiệu đến chi tiết từng loài và độ nông, sâu nơi chúng cư trú.

Ngẫm nghĩ, tôi thêm ngộ ra, đó là những trang sách về sử học, sinh học của địa phương, nhưng không phải là giảng trên ghế nhà trường mà là những kiến thức phổ thông cập nhật tại nơi tại chỗ. Nó gắn liền với nền giáo dục, thành một khối thống nhất với nhà trường. Nó làm cho mảnh đất trở nên thiêng liêng. Nếu tôi không tò mò với mấy tấm biển và nhờ con tôi phiên dịch hộ thì buổi đi hôm đó mất đi hẳn một giá trị của vùng đất mà mình vừa đi qua.

Đỗ Đức

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›