Góc nhìn 365: Giãn dân và 'vun dân'

Thứ Ba, 09/11/2021 06:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chắc chắn, với người Hà Nội, sự kiện được quan tâm nhất cuối tuần qua là việc khai trương tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Phòng, chống dịch Covid-19 trên các chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông

Phòng, chống dịch Covid-19 trên các chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông

Vấn đề dư luận đặt ra hiện nay là công tác phòng dịch COVID-19 trên các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông ra sao khi mà dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Nếu không kể tới những tuyến tàu điện mặt đất đã bị xóa bỏ trong thế kỷ trước, đây là lần đầu tiên cộng đồng được trải nghiệm đường sắt đô thị - vốn rất phổ biến tại các đô thị phát triển trên thế giới. Và theo nghĩa ấy, thậm chí 2 ngày cuối tuần vừa qua cũng mở ra cột mốc đầu tiên của loại hình này ở các đô thị Việt Nam, khi mà những tuyến đường sắt tương tự tại TP.HCM chưa kịp hoàn thành.

Người dân Thủ đô đã chờ hơn 10 năm cho cột mốc ấy.

Để rồi, khi tuyến đường sắt trên cao chính thức vận hành, cũng dễ hiểu về sự háo hức của những dòng người đổ tới các nhà ga để thử cảm giác một lần bước lên những toa tàu ấy.

Chú thích ảnh
Xếp hàng chờ lên tàu

Và như những gì được chia sẻ trên mặt báo hay không gian mạng, trải nghiệm mà hơn 50 ngàn người nhận về trong 2 ngày cuối tuần (theo thống kê từ Ban quản lý) là rất tích cực. Bởi, hơn 20 phút trên đoạn đường 13km từ ga Yên Nghĩa tới ga Hà Đông, với sự thông thoáng và tiện lợi của những toa tàu có ghế ngồi, là đủ để chúng ta tự so sánh về cảm giác vô cùng khác biệt trong những lần phải bỏ ra cả tiếng đồng hồ để di chuyển trên quãng đường ấy giữa khói bụi và dòng xe tắc cứng vào lúc tan tầm.

Viễn cảnh đi làm hàng ngày trên tuyến đường không ùn tắc, không khói bụi, cũng như sự thảnh thơi thư thái để đi chơi vào dịp cuối tuần hẳn đã gần hơn với rất nhiều người đang sống xa trung tâm cả chục km như tại quận Hà Đông.

Chú thích ảnh
Tàu chuẩn bị vào ga đón/trả khách

***

Nhưng, cũng cần nói thêm, những gì vừa diễn ra mới chỉ là sự háo hức trong ngày khai trương, với việc miễn phí vé cho những người muốn trải nghiệm tuyến đường sắt này. Sắp tới, khi 15 ngày miễn phí vé kết thúc, chúng ta sẽ có dịp đánh giá những hiệu quả của nó trên thực tế.

Giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi trong việc giãn dân ra ngoại thành - khi những cư dân tại đây có thể dễ dàng ra vào trung tâm thành phố mà không phải lệ thuộc vào phương tiện cá nhân, đó là những cái đích quan trọng nhất mà một tuyến đường sắt đô thị hướng tới.

Và, với bản chất của một phương tiện giao thông công cộng được trợ giá, rõ ràng đường sắt đô thị cần thu hút một lượng khách tương xứng với công suất của mình, mà như trường hợp của tuyến Cát Linh - Hà Đông là khoảng 1 triệu lượt/ngày.

Chú thích ảnh
Mỗi toa đa số đều trong tình trạng chật kín khách. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Thực tế, một tuyến đường sắt đô thị chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi kết hợp cùng những tuyến đường sắt khác tạo thành một mạng lưới trên toàn thành phố. Còn bây giờ, khi các tuyến đường sắt còn lại vẫn nằm ở thì tương lai, chắc chắn rất nhiều du khách sẽ phải tiếp tục sử dụng... xe bus - hoặc đi bộ một vài đoạn đường - ở những ga chuyển tiếp, nếu muốn “trung thành” với nó trong một thời gian dài.

Thậm chí, ở một số góc độ, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng còn đang thiếu khá nhiều tiện ích cần thiết. Đơn cử, như những gì được ghi nhận, hầu hết các ga trên tuyến đường đều thiếu bãi để xe, khiến những người muốn gửi xe tại các ga để lên tàu đi tiếp phải gửi xe tại các bãi vừa mọc lên với mức giá khoảng 10 ngàn đồng. Rồi, hầu hết các ga tàu cũng chỉ đơn thuần làm chức năng kiểm soát khách lên xuống - trong khi trên thế giới, hầu như khu vực xung quanh mỗi ga tàu đều là nơi bố trí những điểm đến siêu thị, công viên, khu văn phòng... tăng cường thu hút người dùng.

Chú thích ảnh

Nhiều trường hợp trong những khiếm khuyết ấy sẽ cần được khắc phục trong thời gian dài, thậm chí rất dài, với những giải pháp về quy hoạch đô thị. Còn trước mắt, rõ ràng những tiện ích nhỏ - như trường hợp các bãi để xe - cần sớm được hoàn thiện để tạo sức hút với người dùng. 

Không phải ngẫu nhiên, nhiều chuyên gia từng khẳng định: Bên cạnh việc giãn dân ra khu vực ngoại thành, các tuyến đường sắt đô thị cũng cần được tạo điều kiện để “vun dân” nhằm tăng cường hiệu suất sử dụng tới mức tối đa. Đó không chỉ là câu chuyện giảm bớt gánh nặng phải bù lỗ cho những loại hình giao thông công cộng, mà còn gắn với việc phát huy tối đa ưu thế của loại hình này trong việc giảm ùn tắc giao thông và tạo dựng thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho các công dân trong thành phố.

Hãy cùng hy vọng, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội sẽ tiếp tục được hoàn thiện về các tiện ích, để chúng ta có được sự ủng hộ tuyệt đối từ cộng đồng cho một loại hình phương tiện giao thông sẽ là chủ lực trong tương lai gần.

Trí Uẩn. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›