(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin thú vị vừa được công bố: Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nghiên cứu phương án mời "thần đèn" di dời tòa biệt thự Pháp cổ ở số 26 Lê Lợi (TP.Huế) để bảo tồn kiến trúc có giá trị này.
Trước đó, trong vài năm qua, số phận tòa biệt thự hơn trăm tuổi này là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận và phản biện, khi nó không được xếp vào danh mục kiến trúc Pháp cần được bảo tồn tại Huế và từng gắn với thông tin sẽ “bị đập bỏ” để nhượng đất phục vụ phát triển đô thị.
Còn bây giờ, nếu ý tưởng mời “thần đèn” được chọn, công trình này đang đứng trước một giải pháp rất đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và bảo tồn.
Cần nhắc lại, “thần đèn” là cách gọi vui về những chuyên gia tổ chức di dời “nguyên khối” một số công trình kiến trúc để giữ được trọn vẹn hình dáng ban đầu. Cách làm này cơ bản dựa trên việc xây dựng một hệ thống móng mới, sau đó “cắt rời” công trình ra khỏi phần móng cũ và di chuyển nó sang vị trí mới bằng các thiết bị chuyên dụng như pa lăng, cọc chống, con lăn... rồi tiếp tục hoàn thiện và tôn tạo. Cũng có trường hợp, công trình không di dời theo phương nằm ngang mà được nâng bổng lên theo chiều thẳng đứng.
Rải rác trong vài chục năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng hình thức di dời độc đáo trên.Và, với việc giữ được hình dáng ban đầu, không có gì lạ khi bên cạnh các công trình dân dụng, một số kiến trúc liên quan tới văn hóa và tâm linh cũng áp dụng cách làm này.
Đơn cử, chỉ nhìn vào thành tích của chuyên gia Nguyễn Văn Cư - người được đề xuất đứng ra tổ chức di dời tòa nhà 26 Lê Lợi - chúng ta cũng có thể hiểu vị “thần đèn” này đắt hàng như thế nào. Ông từng nâng một khách sạn nặng 4.000 tấn ở Campuchia lên cao nửa mét, nâng một ngôi miếu cổ ở Tiền Giang lên cao 1,5 mét, di dời một cổng chùa ở TP.HCM đi xa 5 mét, đồng thời nâng cao và xoay chỉnh 90 độ...
Với trường hợp của tòa biệt thự Pháp tại 26 Lê Lợi, công trình này không chỉ được đánh giá cao bởi kết cấu tinh xảo và vẻ cổ kính mà độ tuổi trên 100 năm mang lại. Xa hơn, như những thông tin hiện có, nơi đây còn từng là trụ sở tuần báo “Sông Hương” do học giả Phan Khôi tổ chức trong thập niên 1930, đồng thời là trụ sở của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn sau 1975 - với sự lui tới thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi.
Bởi thế, trong 5 năm qua, kể từ khi khu vực này (và không gian liền kề) được nghiên cứu để quy hoạch phát triển thành khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại, nhiều văn nghệ sĩ đã lên tiếng đề nghị bảo tồn công trình vào mục đích văn hóa.
- Đi tìm giải pháp hát huy giá trị không gian văn hóa - kiến trúc Pháp tại núi Ba Vì
- Kiến trúc Pháp cổ ở Việt Nam chia năm sẻ bảy
- Tham quan các khu phố có kiến trúc Pháp bằng xe điện
Để rồi, hiện tại, theo tinh thần của lãnh đạo địa phương, công trình này không bị đập bỏ mà dự kiến sẽ được di dời sang một khu đất trống đối diện (nằm ven sông Hương) để bảo tồn. Đáng nói hơn, kinh phí dự kiến cho dự án này sẽ được thực hiện bằng nguồn lực xã hội hóa.
Thẳng thắn, đây là một giải pháp cho thấy rõ sự cầu thị của tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng như nỗ lực của cộng đồng địa phương trong việc gìn giữ một kiến trúc cổ nằm tại phần “đất vàng” của đô thị. Và ở hướng ngược lại, nếu ý tưởng này thành hiện thực, hẳn chúng ta sẽ có thêm một ví dụ để tham khảo trong kế hoạch lưu giữ những di sản kiến trúc trong cơn lốc đô thị hóa hiện nay.
Cuối cùng, vẫn phải nhắc tới một thực tế: Việc nhờ “thần đèn” di dời những di sản kiến trúc chỉ là một giải pháp “cực chẳng đã” so với phương án bảo tồn nguyên trạng di sản. Và ở trường hợp của biệt thự Lê Lợi, cũng như một số trường hợp khác của tương lai, những bên liên quan vẫn nên nỗ lực tối đa để hướng tới lựa chọn bảo tồn nguyên trạng này. Bởi thần đèn chỉ có thể di dời một công trình, nhưng không thể di dời cả phần lịch sử và không gian đặc thù từng có trong quá khứ.
Trí Uẩn
Tags