Một cuộc triển lãm thú vị vừa khai mạc giữa tuần này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với 100 tác phẩm hội họa lọt vào chung khảo của cuộc thi Di sản văn hoá Việt Nam qua hội hoạ lần thứ I - năm 2023. Trước đó, từ tháng 5/2023, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã phát động cuộc thi này.
Đây gần như là lần đầu tiên, một cuộc thi sáng tác mỹ thuật gắn với chủ đề di sản được tổ chức ở quy mô lớn trên toàn quốc. Đáng nói, cuộc thi diễn ra theo hình thức xã hội hóa, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng cho hơn 30 giải thưởng.
Ở thời điểm phát động cuộc thi, chia sẻ với người viết, PGS Đỗ Văn Trụ (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho biết: Đây là ý tưởng đã được Hội nghiên cứu từ khá lâu, nhưng phải đợi tới thời điểm có sự đồng hành của phía tài trợ mới có thể thực hiện.
Thực tế, với một cuộc thi không thuộc lĩnh vực showbiz, số tiền hơn 1 tỷ đồng cho các giải thưởng có thể coi là khá cao (trong đó giải Xuất sắc được 100 triệu đồng, giải Nhất được 75 triệu đồng). Nhưng đáng nói hơn, việc một cuộc thi "mỹ thuật - di sản" được tổ chức cũng mở ra những cảm hứng mới cho người sáng tác - khi ngoài khả năng về hội họa, họ cần hiểu sâu, hiểu rõ về di sản để thể hiện một cách hợp lý.
Có thể lấy trường hợp của giải Xuất sắc - tác giả Lại Lâm Tùng với tranh Lễ hội Khmer ở Cà Mau - là ví dụ điển hình. Không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng Tùng lại có thời gian dài sống, làm việc tại Cà Mau và ấp ủ ý tưởng vẽ một bức tranh về văn hóa của vùng đất này. Để rồi, khi biết tin về cuộc thi, Tùng bỏ ra hơn nửa năm sưu tầm, tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Khmer tại đây và hoàn thành tác phẩm.
Tương tự, những tác phẩm khác cũng đều cho thấy sự tìm hiểu khá sâu của người sáng tác về các di sản văn hóa được thể hiện. Chẳng hạn, với giải Nhất của Lê Thị Thanh, tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" được ghép lại từ 55 bức tranh nhỏ về các kiến trúc và họa tiết tôn giáo, tín ngưỡng khá đa dạng. Hoặc, giải Ba "Tiên nữ, cánh diều và mái đình" của Phạm Hùng Anh là 22 hộp nhựa, bên trong là các bản in bằng cao su gắn với hình ảnh của hệ thống nhân vật trong đình làng kết hợp với ánh đèn led - để rồi khi xoay nhẹ, các chi tiết thay đổi và tạo thành những chuỗi hình ảnh khác nhau...
Như tổng kết của Hội đồng giám khảo, các tác phẩm dự thi có nội dung trải rộng ở cả 2 lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tại đó, người xem có thể chiêm ngưỡng từ các Di sản Thế giới như Vịnh Hạ Long, Huế, Hội An cho tới các kiến trúc đình, đền, chùa, miếu; từ Nhã nhạc cung đình Huế, múa hoa đăng, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cho tới hò khoan Lệ Thủy, múa Chăm, rối nước, tuồng chèo hay nhiều tập quán, lễ hội khác.
Ở góc độ khác, việc có tới gần 500 tác giả dự thi (người cao tuổi nhất là 84 tuổi, tác giả trẻ nhất là 9 tuổi) đến từ 55 tỉnh, thành phố - cũng như việc các tác phẩm trải rộng thể loại, chất liệu như sơn dầu, acrylic, sơn mài, khắc gỗ, tổng hợp - cũng cho thấy sự đa dạng và phong phú của cuộc thi này.
Như thế, những gì diễn ra cho thấy khái niệm "di sản văn hóa" hoàn toàn có thể gần gũi và đi vào mọi góc độ của đời sống - cũng như mọi loại hình sáng tạo - nếu chúng ta biết "đánh thức" nguồn cảm hứng và cả sự tự hào từ cộng đồng…
Tags