Góc nhìn 365: Bạo lực là biểu hiện của kẻ yếu

Thứ Tư, 13/03/2019 07:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Pha kê gầm giầy của Quế Ngọc Hải nhằm thẳng vào đầu gối của Trần Văn Kiên trong trận derby Thủ đô giữa CLB Hà Nội và Viettel (lượt trận thứ 3, trên sân Hàng Đẫy) khiến cho trung vệ người Nghệ An phải nhận án phạt nguội: Cấm thi đấu 4 trận và nộp phạt 20 triệu đồng.

Quế Ngọc Hải bị Ban kỷ luật treo giò 4 trận, phạt 20 triệu đồng

Quế Ngọc Hải bị Ban kỷ luật treo giò 4 trận, phạt 20 triệu đồng

Chiều 11/3, Ban kỷ luật VFF đã thông báo mức án phạt nguội dành cho trung vệ Quế Ngọc Hải đối với Trần Văn Kiên trong trận đấu giữa Viettel và Hà Nội FC tại vòng 3 V-League 2019 ngày 6/3 vừa qua.

Có phần chua chát cho đội trưởng đội tuyển Việt Nam, bởi chỉ sau 3 lượt trận đầu tiên của Wake-up 247 V-League 2019, Quế Ngọc Hải đã phải nhận 1 thẻ đỏ (2 thẻ vàng ngay trong ngày khai mạc) và tiếp theo sẽ là 4 trận đấu ngồi chơi xơi nước.

Đó là một pha tranh chấp rất đỗi bình thường trong bóng đá và cả Văn Kiên lẫn Quế Ngọc Hải đều "quăng chân" theo nốt tình huống bóng ở gần biên dọc. Nhưng thật không may cho hậu vệ Viettel, khi gầm giầy không tìm bóng mà lại tìm vào... chân đối thủ!

Văn Kiên có bức hình chụp lại những vết xước sau đó gây xôn xao dư luận, và được xem là một hành động "mách khéo" BTC giải, cũng như Ban Kỷ luật thuộc VFF, buộc người trong cuộc phải hành động.

Quế Ngọc Hải có cố ý không, hay chỉ vô tình? Xem đi xem lại pha bóng ấy, có vẻ như "tình ngay lý gian". Nếu bạo lực là biểu hiện của kẻ yếu, thì Quế Ngọc Hải đâu có yếu, thậm chí anh còn là người mạnh nhất. Nó đơn thuần là phong cách chơi của Quế Ngọc Hải.

Anh thoát thẻ đỏ trực tiếp của trọng tài, nhưng không thể thoát án phạt nguội sau đó, bởi bóng đá thời đại công nghệ rồi chứ không "khuất mắt trông coi" như trước nữa, với cả sự thỏa hiệp của chính những người cầm cân nảy mực, với một số đội bóng và một số các cầu thủ ngôi sao.

Sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của Quế Ngọc Hải mới già nửa thập niên, nhưng lại dính quá nhiều "phốt" liên quan đến bạo lực sân cỏ và một trong số đó là "cú táp" nhằm thẳng vào gối hậu vệ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng cách đây vài năm, tiễn cầu thủ này rời sân theo phương song song với mặt đất.

Mặc dù chi phí chữa trị bên Singapore được kê lên gần tỷ đồng, nhưng Anh Khoa không bao giờ quay lại sân cỏ được nữa. Quế Ngọc Hải đã rất ân hận sau pha bóng ấy và một thời gian, anh quyết định mặc chính số áo của nạn nhân.

Gần 10 năm trước, tiền đạo trẻ đang lên của HAGL là Tạ Thái Học cũng phải lên bàn mổ, sau tiếng rắc vang lên ở sân Pleiku ở trận đấu giữa đội bóng phố Núi và Khánh Hòa. Pha va chạm rợn người giữa Thanh Hùng và Thái Học, khiến ai có mặt trên sân ngày hôm đó chỉ biết ôm đầu, khi nhìn cái ống quyển của Thái Học gãy làm đôi. Thái Học đã cố gắng trở lại, thậm chí chuyển xuống chơi tiền vệ, nhưng rồi cũng giải nghệ sớm vì không tìm được vị trí.

Cho đến thời điểm này, Anh Hùng có lẽ là trường hợp may mắn nhất khi không mất đi sự nghiệp, sau pha vào bóng của đồng nghiệp - đồng hương Trần Đình Đồng ở trận đấu giữa HV An Giang và SLNA. Anh Hùng sau đó đã chuyển ra Hải Phòng, rồi Quảng Nam lúc này và chơi cực hay ở hành lang cánh, với những pha leo biên, lật cánh thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam.

Trong quá khứ và cả hiện tại, bóng đá xứ Nghệ luôn sản sinh ra những hậu vệ chơi cực rắn, như thể phải rắn mới là Nghệ An, mới là "dân choa". Từ Quang Hải đến Hữu Thắng, Văn Sỹ Sơn, Huy Hoàng, Cao Xuân Thắng, Trần Đình Đồng, Quế Ngọc Hải…, nó như ăn vào máu và trở thành phong cách, một trường phái không nhầm lẫn vào đâu được. Tệ hơn, một vài tình huống nó còn được khuyến khích. Nhưng, SLNA đã thay đổi, có lẽ kể từ sau khi Quế Ngọc Hải rời chảo lửa Vinh, đầu quân cho Viettel từ mùa giải 2019, với chữ ký trị giá gần 9 tỷ đồng.

Trận đấu mới nhất giữa SLNA và B.Bình Dương cũng lượt trận thứ 3, Wake-up 247 V-League 2019, người xem dù có dùng kính hiển vi cũng không thể soi thấy một pha bóng nhuốm màu bạo lực nào ở chảo lửa Vinh. Đấy là trận đấu mà SLNA đã trình diễn một thứ bóng đá đẹp mắt, "fair play" và giành chiến thắng xứng đáng. Olaha và nhạc trưởng Khắc Ngọc, thêm Xuân Thắng người tung, kẻ hứng với rất nhiều pha bóng trình diễn, gây tiếng ồ trên khán đài. Hai trong số này chuyển thành bàn thắng, giúp SLNA thắng 2-1.

Trong “Chí Phèo”, Nam Cao đã viết thế này: "Người ta chỉ trở nên lương thiện khi không còn sức để ác nữa", xem ra nó cũng ứng trong bóng đá. Hậu vệ thép một thời Nguyễn Hữu Thắng sau khi chuyển qua làm công tác quản lý bóng đá, đã thay đổi rất nhiều, với quy định sẽ phạt rất nặng, thậm chí thanh lý hợp đồng luôn với những hành vi bạo lực, phi thể thao và đánh nhau trên sân, với các cầu thủ của CLB TP.HCM. Bóng đá sinh ra từ đường phố, nhưng dần dần nó đã chuyển mình, văn minh hơn từ ngay thái độ của người chơi, bởi bạo lực muôn đời là biểu hiện của kẻ yếu.

Tùy Phong

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›