Góc Anh Ngọc: Một favela thu nhỏ, giữa 'rừng' favela khổng lồ

Chủ nhật, 15/06/2014 15:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cậu thanh niên có gương mặt khá dữ dằn và đôi mắt không có vẻ gì hiền lành gật đầu ngay tắp lự khi tôi hỏi cậu đường đến “Projeto Morrinho” (dự án Morrinho, đọc là “Mô-hi-nhô”, nghĩa là “ngọn đồi nhỏ”). Bằng một động tác dứt khoát cứ như của một ông chủ, cậu vẫy tay bảo chúng tôi theo chân cậu, và thế là một hành trình đi lên những con dốc của khu ổ chuột Vila Pereira da Silva bắt đầu.

Người lái xe taxi vui tính bảo rằng Vila Pereira da Silva là một favela “hiền dịu”. Tôi không hiểu thực sự ý anh muốn nói gì với từ ấy, bởi tôi nghĩ ở Rio, thành phố có hơn một nghìn favela và như một chảo lửa lúc nào cũng sôi sục này, chẳng có nơi nào thực sự “hiền dịu” cả. Nhưng trong các tài liệu nói về favela của Rio, không có dòng nào viết rằng, khu ổ chuột trong khu dân cư Laranjeras này nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn hơi rùng mình khi đeo cái ba lô nặng chịch những máy ảnh theo chân cậu thanh niên trông có vẻ quân khu lúc nãy đã đứng với dăm ba cậu xăm trổ đầy mình khác ở nơi vào của favela và nhìn chúng tôi chằm chằm.

Con đường càng lên càng nhỏ dần, và từ lát gạch khấp khểnh giữa những ngôi nhà mọc lên đầy lộn xộn và mái được lợp bởi mọi thứ nào có thể che được, chuyển thành một con đường đất ngoằn ngoèo lên tít phía trên, giữa những lùm cây, nhìn cứ như một khu rừng và lô nhô những nóc nhà. Chẳng có ai trên đó cả. Không có lấy một tiếng chó sủa. Một cái bẫy đang được giăng ra cho những kẻ liều lĩnh có máu lạnh muốn chui vào các khu ổ chuột để tìm kiếm cảm hứng viết bài?

Trò Lego của người nghèo

Không, hóa ra chẳng có cái bẫy nào hết. Cậu thanh niên chỉ đưa chúng tôi đến cổng của “Projeto Morrinho” rồi dừng lại, trao tôi cho một cậu khác và rồi biến mất nhanh như lúc cậu xuất hiện. Người đón tôi không phải ai khác mà chính là Felipe da Souza, một trong những nghệ sĩ đã tạo nên một công trình kiến trúc kì lạ nhằm phản ánh cuộc sống thường nhật cũng như biết bao suy nghĩ và trăn trở của hàng triệu người dân sống trong các favela. 


Felipe da Souza

Đấy là một thanh niên vui tính, nói một thứ tiếng Anh lơ lớ pha tiếng bản địa, và là một trong những người đã đóng góp công sức cho dự án nghệ thuật đường phố đầy sáng tạo về favela, điều gợi nhớ đến những dự án nghệ thuật đã và đang được triển khai ở các khu định cư da đen ở Nam Phi tôi từng có lần ghé qua và thực sự ngưỡng mộ những gì người ta làm ở đó. “Dự án Morrinho”, được một cậu bé 14 tuổi tên Nelcirlan Souza de Oliveira thực hiện từ năm 1998, trên thực tế chính là thế giới của những favela thu nhỏ theo kiểu đồ chơi Lego, với hàng nghìn viên gạch ống được xếp thành hình của những ngôi nhà, những khu phố, những cửa hàng, cột điện, biển hiệu… trên diện tích 350 mét vuông.

Có cả mô hình của sân Maracana được dựng lên ở một góc khu đồi nhỏ của dự án, phản ánh sự thật đau lòng mà nhiều quan chức Brazil muốn giấu đi: nhìn xuống Maracana huyền thoại và được chi biết bao nhiêu tiền để tu sửa cho World Cup này là những ngôi nhà lụp xụp của một favela nghèo như bao favela khác khắp thành phố. 

Điều đó không khác World Cup Nam Phi 2010, khi tôi đã đến và thấy sân Soccer City lộng lẫy và đầy màu sắc nằm ngay bên cạnh Soweto, khu định cư lớn nhất dành cho người da đen ở Johannesburg, chạy dài đến tận chân trời. Ánh sáng của bóng đá, với đôi chân của những triệu phú và chớp flash của khán giả trên khán đài, với những góc lia của truyền hình bao giờ cũng thế, chỉ vươn đến hết tầm của sân vận động mà không thể tới những nơi bóng tối ngự trị vĩnh cửu. World Cup này cũng thế, trái bóng không che được hết những khoảng tối favela.

Văn hào Jorge Amado (1912-2001), tác giả cuốn “Hảo hán nơi trảng cát” bất hủ, tác phẩm đã đưa tôi đến Brazil trước cả Socrates lẫn Pele, có lần viết: “Các người vẫn hay nghĩ rằng Brazil là màu sắc sống động, nhưng trên thực tế Brazil là nỗi đau. Những gì xảy ra bây giờ tác động lên tâm hồn và sẽ kết thúc ngày mai, ngày kia. Chúng tôi phải bận tâm đến những xác người, những nỗi chịu đựng, bất công, những kẻ bị giết. Bóng đá giúp chúng tôi sống, nhưng không thay đổi được cuộc đời chúng tôi”.

Favela, thành phố chết

Ở “Dự án Morrinho”, không có hình bóng con người trong những mô hình, chỉ có bóng dáng những ngôi nhà lô xô trên những ngọn đồi, những tuyên ngôn về cuộc sống ở các favela và trên hết, những thông điệp về Chúa. Nhưng Chúa ở đâu đó xa lắm, không ngự trị ở đây, kể cả khi tượng Chúa Cứu thế ở cách đó không xa ngày ngày chau mày nhìn xuống thành phố. Một thông điệp gợi lên từ sắp đặt của các nghệ sĩ: favela không khác gì một thành phố chết.

Trên những con đường mà các nghệ sĩ tạo nên trong các khu phố nhỏ lô nhô ấy, có những chiếc xe cảnh sát chống bạo động, những khẩu súng AR-15, những hình ảnh tượng trưng cho ma túy. Sự phản kháng của biết bao người muốn giành quyền được sống, nhưng trở thành con tin của “narcos” (những kẻ buôn lậu ma túy) và bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa chúng và cảnh sát, biểu tượng của sự đàn áp, đã trở thành những cuộc bạo loạn. “Chúng tôi yêu cuộc sống, nhưng căm thù cảnh sát”, Felipe bảo. Trong lúc ấy, máy bay trực thăng của cảnh sát vẫn bay vè vè trên đầu. Cuộc sống ở dưới đương nhiên vẫn tiếp tục, nhưng nỗi căm hận kể từ ngày các “biệt đội tử thần” của cảnh sát đã giết chết những đứa trẻ nằm trên hè phố trong các cuộc càn quét nhiều năm về trước vẫn chưa nguôi.

Tạo ra một favela thu nhỏ cũng giống như một trò chơi con trẻ với Nelcirclan khi cậu còn nhỏ, như một cách để thoát khỏi thực tế kinh khủng của một cuộc sống chất chứa bạo lực và tham nhũng vây bủa cuộc sống của cậu và các favela. Nhưng khi cậu lớn lên và dự án được thế giới chú ý, ý nghĩa của dự án trở nên lớn hơn và không còn là một sự trốn chạy khỏi cái chết. Felipe bảo, dự án Morrinho từ lâu đã hướng tới việc thay đổi cuộc sống của cộng đồng khu favela Vila Pereira da Silva nói riêng cũng như thái độ của công chúng đối với Brazil đối với các favela nói chung. 

Các nghệ sĩ muốn tăng cường phát triển về kinh tế và văn hóa-xã hội trong favela, vốn từ trước đến nay luôn bị xã hội khinh rẻ và mang tiếng là nơi mà luật rừng của bọn buôn lậu ma túy và bạo lực ngự trị. Hàng triệu người Rio đang sống trong gần một nghìn khu ổ chuột trên những ngọn đồi bao quanh thành phố và ngày này qua ngày khác, sống một cuộc sống trong bần hàn, tội ác, đĩ điếm, thất học, thất nghiệp và không tương lai cũng muốn thông qua “dự án Morrinho” để tất cả biết đến cuộc đời của họ. Những nghệ sĩ đã tạo nên dự án đầy chân thực này trên thực tế chính là những người đã và đang sống trong các favela ấy, và họ hiểu hơn ai hết cuộc sống và cái chết trong các khu ổ chuột là như thế nào.

Vĩ thanh

Tôi rời favela thu nhỏ của Felipe và các bạn với lòng nặng trĩu. Con đường đi xuống phía dưới Vila Pereira da Silva phải qua những góc đường bê tông đầy phân chó, những đứa trẻ đang đá bóng, những đầu gấu chột mắt và răng vàng khè đang cầm một nắm tiền mà ai đó vừa dúi vào tay hắn sau khi lấy một gói cocaine. Xa kia, giữa những dây điện chằng chịt và các dây phơi quần áo là núi Pao de Acucar (Bánh mì đường).

Favela thực sự là đây, giữa những người như Felipe, như những đứa trẻ đang cười như nắc nẻ, những cô gái trẻ để ngực áo trễ nhìn khách lạ một cách đầy ý nhị, những thanh niên như mấy cậu đã đưa chúng tôi lên đồi, len lỏi giữa các bụi cây và bậc thang đất trơn tuột. Ở phía dưới đường, một trường học mới đang được hoàn thiện. Bọn trẻ ở đây như thế may mắn hơn nhiều favela khác, khi ma túy và bạo lực ngự trị thay cho tri thức. Tôi không được chụp ảnh, Felipe bảo thế, vì có những chỗ “ảnh đồng nghĩa với cái chết”. Tôi bảo Felipe là một ngày tôi muốn trở lại nơi này. Cậu gật đầu sau khi lấy thù lao (tôi tin chắc là cậu cũng sẽ phải chi không ít cho những người khác trong khu). Sau đó, cậu cười, nhưng mắt rất nghiêm trọng, chỉ hai ngón tay về phía mắt mình

Tạm dịch ngôn ngữ cử chỉ: “Đi, nhưng lúc nào cũng phải trông chừng.” Ừ, được rồi, Felipe, tôi hiểu mà…

Favela và nghệ thuật

Nghệ thuật được coi là một trong những phương cách quan trọng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về favela, và cũng là cách để đem đến cho các favela những hy vọng đổi đời.

Kể từ năm 1997, Grupo Cultural Affro Raggae (GCAR) đã mở ở favela Vigerio Geral một trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn, với các lớp dạy nhảy, hát, hip hop và diễn xuất cho trẻ em. GCAR trao cho những đứa trẻ lớn lên ở favela này cơ hội để thoát khỏi đường phố và tội ác bằng nghệ thuật, đồng thời kiếm tìm trong số chúng những tài năng nghệ thuật của người Brazil gốc Phi. Ở Rocinha, favela lớn nhất của Rio, Casa da Cultura đang hoạt động rất hiệu quả. Được Bộ trưởng văn hóa Gilberto Gil thành lập vào năm 2003, trung tâm khai thác được những tiềm năng âm nhạc và văn hóa tại nơi này.

Tại Vidigal, một favela khác nằm ngay cạnh Rocinha, nhóm kịch “Nos do Morro” (Chúng tôi ở favela) trở nên nổi tiếng sau khi một vài thành viên là thanh niên sống trong khu ổ chuột này đóng một số vai trong bộ phim “Cidade de Deus” (Thành phố của Chúa), một bộ phim về Rio de Janeiro. Năm 2006, 10 thành viên khác của nhóm kịch thủ vai trong hài kịch “Hai quý ông của Verona” do Royal Shakespeare Company thuộc Nhà hát hoàng gia Shakespeare của Anh dàn dựng.

Trên thực tế, các favela đóng góp rất nhiều cho danh tiếng của Rio de Janeiro, xét trên khía cạnh tích cực. Carnaval, lễ hội lớn nhất và nổi tiếng nhất của thành phố, được sinh ra chính ở các favela, nơi mà các lễ hội đại chúng đầu tiên được người dân ổ chuột tổ chức và sau đó mới lan xuống phố.

Trương Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›