(Thethaovanhoa.vn) - Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, sáng 15/5, một góc mái phía Đông Bắc của công trình Phu Văn Lâu đã bị sập.
Nguyên nhân chính sập lần này là do những chân cột gỗ được tái sử dụng đã quá mục nát, mất hết tác dụng nâng đỡ và bị gãy sập.
Theo ông Hải, hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phong toả hiện trường để tránh gây nguy hiểm cho du khách, người dân và tập trung cho việc khắc phục. Đồng thời sẽ xử lý nhanh tình hình của công trình để khắc phục hiện trường trước mắt. Về lâu dài, Trung tâm sẽ lập dự án đại trùng tu tổng thể Phu Văn Lâu, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân, và quan trọng hơn là giữ lại nguyên trạng một tác phẩm tạo hình xinh đẹp của triều Nguyễn, một di sản đặc sắc trong quần thể kiến trúc Cố đô.
Phu Văn Lâu là công trình di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, nằm gần bờ Bắc sông Hương và ở ngay trên trục chính của quần thể kiến trúc Cố đô Huế: Điện Thái Hòa - Ngọ Môn - Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình - Hương Giang - Ngự Bình; là một tòa nhà lầu cao khoảng 12m, mái lợp ngói ống tráng men vàng, có hệ thống lan can bao xung quanh, không gian tầng dưới hoàn toàn để trống.Đây là nơi niêm yết các văn bản mà triều đình nhà Nguyễn cần bố cáo cho thần dân được biết. Đồng thời, cũng là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ mang tính quốc gia có sự hiện diện của nhà vua, triều thần và dân chúng. Đầu thời Gia Long, Phu Văn Lâu nguyên là một công trình kiến trúc tương đối nhỏ, mang tên Bảng Đình (Đình treo bảng). Đến năm 1819 thì được thay thế bằng một tòa nhà hai tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu.
Trong gần 200 năm tồn tại, Phu Văn Lâu được trùng tu khoảng 10 lần, lần sớm nhất vào năm 1905 (sau cơn bão năm Thìn, 1904, Phu Văn Lâu bị hư hỏng nặng). Trước đó, trong lần tu sửa vào khoảng những năm 1957-1960, người ta đã sử dụng nguyên vật liệu không đồng bộ gồm bê tông và gỗ để trùng tu Phu Văn Lâu. Từ đó đến nay, Phu Văn Lâu chưa được trải qua cuộc đại trùng tu nào. Lần tu sửa gần đây là vào những năm 1993-1995, nhưng cũng do kinh phí hạn chế nên công trình chỉ được làm lại phần mái và thay thế số chân cột gỗ được tái sử dụng, còn kết cấu kiến trúc chính gồm gỗ và bê tông thì vẫn giữ nguyên.Trần Ngọc
Tags