Giáo hoàng Francis: Thông điệp “khổ hạnh” đến từ đâu?

Thứ Ba, 19/03/2013 07:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi đắc cử để trở thành Giáo hoàng, Jorge Mario Bergoglio đã chọn Francis làm tên của mình. Đây là sự tưởng nhớ tới Thánh Francis vùng Assisi, một tu sĩ đã nổi tiếng vì sống khổ hạnh và khiêm tốn, đại diện cho người nghèo mà Giáo hội thời đó không thể bỏ qua. Vậy Thánh Francis là con người như thế nào?

Bối cảnh nằm ở thế kỷ 13 tại thị trấn Assisi ở miền Trung Italia. Trong một đêm giống nhiều đêm khác, các thanh niên ồn ào huyên náo kéo nhau qua các con phố của thị trấn. Sau khi đã ăn uống no say, họ nhảy múa và hát hò ầm ĩ khi tìm đường về nhà.

Từ bỏ giàu sang sống đời khất thực

Không phải cư dân nào của Assisi cũng hài lòng với chuyện đó. Một người còn lớn tiếng nói rằng thanh niên "giờ chỉ biết chén cho đầy bụng để rồi chiếm lấy quảng trường của thị trấn và ngồi đó hát hò khi say".

Dẫn đầu nhóm thanh niên ham vui ở trên là Giovanni di Pietro di Bernardone, tên thường gọi là Francesco, một thanh niên mới 22 tuổi. Là con trai của một gia đình buôn vải giàu có và được trọng vọng, Francesco đã sớm thích ăn tiêu hoang phí. Như một dấu hiệu cho thấy mình ở vị trí cao hơn các thanh niên còn lại, Francesco luôn bước đi với một cây gậy vung vẩy trong tay và anh được yêu mến chủ yếu vì thường thanh toán hóa đơn của cả nhóm sau những chầu nhậu túy lúy.

Truyền thuyết nói rằng thánh Francis vùng Assisi là người có khả năng giao tiếp với động vật

Những người bạn của Francesco không nhận ra điều bất thường khi thủ lĩnh của họ cứ tụt dần lại phía sau trong buổi tối đó. Khi họ nhận ra và quay lại, họ thấy Francesco đang đứng ngây ra, như bị sét đánh, ở giữa phố. "Đột nhiên linh hồn của Chúa đã viếng thăm ngài và trái tim ngài đã tràn đầy niềm vui, khiến ngài không thể nói hoặc cử động" - một người viết sử về sau kể lại.

Từ thời điểm đó, Francesco đã từ bỏ mọi sự giàu có vật chất tầm thường, cắt quan hệ với gia đình giàu có của mình và bắt đầu lang thang trên khắp đất nước để truyền giáo, theo cách thức giản dị, nghèo khổ và khiêm tốn, như Chúa Jesus từng làm.

Ông sống nhờ việc xin ăn từ các tín đồ và chỉ lấy đủ dùng. Chỗ còn lại, ông chia cho người nghèo và người ốm. Ông xem toàn thể nhân loại như anh chị em mình và tin rằng không có ai đứng cao hơn người khác. Ông truyền giáo về hòa bình, sự an lành và ngay cả những con vật cũng lắng nghe lời ông nói.

Những điều này, ít nhất là truyền thuyết về sự giác ngộ tôn giáo của Francesco, con người về sau đã nổi tiếng toàn cầu với tên Thánh Francis vùng Assisi. Theo Helmut Feld, một học giả nổi tiếng về Thánh Francis, vô số các câu chuyện đã hình thành xung quanh vị thánh này, hiển nhiên ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Thiên Chúa giáo.

Sống khổ hạnh và vì người nghèo

Cho tới nay, người Công giáo vẫn rất hứng thú với những ý tưởng và lý tưởng mà Francis truyền giáo trong thế kỷ 13 và nhất là từ tấm gương cuộc đời ông.

Trong thời kỳ Thánh Francis còn sống, chuyện về cuộc sống khổ hạnh của ông đã vượt qua biên giới của vùng Umbria. Dòng tu của ông đã thu hút ngày càng nhiều tín đồ và còn giúp phát triển các dòng tu khác có các đặc điểm tương tự.

Một phong trào cải cách mạnh đã xuất hiện, hình thành từ các tu sĩ sống cuộc sống của những người ăn xin và sự tồn tại giản dị, hòa bình của họ đã khiến người ta đặt dấu hỏi về quyền lực khổng lồ của cả nhà nước và Giáo hội khi đó.

Giáo hoàng Francis

Cần biết rằng trong khoảng thời gian này, không chỉ xã hội Italia mà cả nhiều nơi khác đã có những biến động lớn. Lối sống nông thôn dần nhường chỗ khi đô thị thi nhau mọc lên. Sự dịch chuyển này dẫn tới sự thay đổi lớn về mọi khía cạnh của xã hội và kinh tế.

Các nhà máy đã có khả năng sản xuất hàng trên quy mô lớn. Thương mại bùng nổ, kinh tế đi lên và một lớp thị dân thượng lưu được giáo dục tốt, giàu có, nhận thức tốt về bản ngã đã xuất hiện.

Người ta bắt đầu cảm thấy tự do hơn trước. Những điều răn và điều cấm kị của Giáo hội từng được tạc vào đá nay lại bị người ta quay ra chất vấn. Những gì từng được xem là rất chắc chắn, giờ đang tan vỡ. Một xã hội tiêu thụ phục vụ những người lắm tiền nhiều của, đã mang tới lời hứa về những lạc thú có thể được tận hưởng ngay trong kiếp này, chứ không phải chờ tới tương lai xa xôi.

Tuy nhiên với nhiều người khác vẫn đang phải chật vật kiếm sống ở bên lề của xã hội, hoạt động của giới thượng lưu giống như một sự khiêu khích đáng ghê tởm. Đặc biệt là tại các đô thị, sự đối lập giữa giàu và nghèo đang ngày càng tăng lên. Những chỉ trích cũng vì thế mà tăng lên nhắm vào lối sống xa xỉ, thừa mứa quá mức của những người giàu.

Bối cảnh xã hội như thế là mảnh đất màu mỡ cho các phong trào vì người nghèo và các dòng tu giống Francisco như Dominica, Augustine, Servite và Carmelite. Được truyền cảm hứng và dẫn dắt bởi các nhân vật có sức lôi cuốn như Francesco, các dòng tu này đã phát tán rộng lý tưởng về cuộc sống từ bỏ vật chất, sự ăn năn và mộ đạo.

Giúp đỡ người nghèo, người bị bệnh hủi được xem là yếu tố quan trọng không thua gì sự khiêm nhường của một người. Ngoài ra, các dòng tu này còn chống lại nỗi khao khát trần tục của con người. Ví dụ như Francis đã trộn lẫn nước lạnh và tro vào trong đồ ăn của ông để phá hủy vị của thức ăn. Để giữ ham muốn nhục dục nằm trong tầm kiểm soát, ông khuyên các tín đồ nên hành hạ thân thể họ bằng nước lạnh, dây thừng hoặc gai cho tới khi phần "xác thịt tha hóa" của họ đã bị khuất phục.

Sáp nhập vào Giáo hội

Sự tồn tại của các dòng tu như thế là một thách thức lớn với Giáo hội, vốn nổi tiếng giàu có. Roma đã rất nỗ lực để kiểm soát các dòng tu như của Francesco. Trong trường hợp không kiểm soát được, Giáo hội sẽ xem những người theo các dòng tu này là bội giáo và dùng các phương pháp tàn độc để trấn áp họ.

Nhưng cùng thời điểm, Giáo hội cũng thấy rằng họ không thể phớt lờ các phong trào tôn giáo lớn này. Ngay trong Giáo hội, những tiếng gọi đòi cải cách cũng đã ngày càng lớn, với những lời phê bình về tình trạng sống xa xỉ, phóng đãng và các hành vi phi đạo đức khác trong nhà thờ ngày càng công khai hơn.

Khi Giáo hoàng Innocent III tổ chức Đệ tứ Hội đồng Lateran, với sự tham gia của 1.200 người gồm nhiều giám mục và cha xứ, các đại biểu đã thẳng thừng chỉ trích các hành vi phi đạo đức trong nhóm lãnh đạo cấp cao của Giáo hội: "Họ lãng phí gần nửa số đêm trong các bữa tiệc vô bổ và các cuộc trò chuyện bất lịch sự, chưa kể tới những vấn đề khác"

Tình hình đó đã khiến Giáo hội muốn đưa các tu sĩ với đời sống hành khất và các dòng tu đề cao người nghèo vào trong hàng ngũ, nhằm giúp nâng cao hình ảnh của nhà thờ. Giáo hoàng Gregory IX đã có động thái khôn ngoan khi phong Thánh cho Francis vào năm 1228, chỉ chưa đầy 2 năm sau khi ông qua đời. Đồng thời ông còn cho xây một nhà thờ lớn để tôn vinh Francis vùng Assisi. Theo cách này, Giáo hội đã có thể chiến thắng một lực lượng từng thách thức sự tồn tại của mình, qua đó thêm một lần nữa thu hút các tín đồ về gần hơn với Giáo hội.

Tường Linh (Theo Spiegel)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›