Giáo dục là hàng hóa hay phúc lợi?

Thứ Ba, 30/08/2016 06:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm học mới đến ngay trước mặt. Và chuyện dạy thêm, học thêm vẫn đang nóng nhất, giữa nỗi lo lắng bất tận của một nền giáo dục thiếu triết lý hiện nay. Điển hình, một bài báo có tên: “Gạt nước mắt thầy hiệu trưởng, TP HCM quyết cấm dạy thêm”.

Đúng là một hiệu trưởng đã bật khóc nghẹn ngào khi nói về việc giáo viên không thể sống bằng đồng lương. Rằng "Giáo viên không dạy trong trường thì người ta đi dạy bên ngoài, bên ngoài mà cũng bị cấm thì họ đi gia sư, vì đồng lương không đủ sống".

Theo lời thầy: “Bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô hát để kiếm tiền mà giáo viên không được sống bằng chính nghề của mình thì còn gì buồn hơn. Tôi không dạy thêm nhưng tâm tư của người thầy không sống được bằng nghề, có nhiều thứ đâu tiện nói ra".


Giáo viên không được sống bằng chính nghề của mình thì còn gì buồn hơn

Nói xong điều ấy, vị hiệu trưởng ấy ngồi xuống ghế thật nhanh, hy vọng mọi người không nhìn thấy mình rớt nước mắt.

Đúng là “nhiều thứ không tiện nói ra” bởi xét cho cùng, nếu thầy có nói thì cả năm cũng không hết chuyện và cả ngành giáo dục của thầy cũng không giải quyết được. Đó là chuyện của cơ chế.

Tiền lương nhà giáo là một bộ phận trong chính sách tổng thể tiền lương của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức. Lương thấp, không đủ sống không phải vấn đề riêng của các nhà giáo mà là câu chuyện chung ở nhiều lĩnh vực. Ngân sách dành một khoản cố định chi cho hoạt động thường xuyên, trong đó có lương.

Đã có lần, lãnh đạo Chính phủ phàn nàn là 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Thế nhưng, nhiều người bảo con số ấy là còn ít. Bởi thực tế, trong nhiều đơn vị chỉ có khoảng 30% là làm việc tích cực, hiệu quả, 30% chỉ đâu đánh đấy và số còn lại chỉ “đút chân gầm bàn” cuối tháng chờ lĩnh lương. Lương thấp do vậy.

Lương thấp nên nhiều cán bộ, công chức không sống được bằng lương. Và cũng không ai phủ nhận được thực tế, nhiều người tìm “nguồn” từ việc sách nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện lương không đủ sống và giáo viên phải làm nghề tay trái đã quá nhàm chán đến độ người trong cuộc không còn dám than thở nữa. Bởi có than cũng chẳng có tác dụng gì. Đơn giản, cũng như nhiều viên chức, lương tối thiểu giáo viên mới ra trường hệ số 2,34, chưa trừ bảo hiểm và các khoản phí phải đóng là khoảng 2,8 triệu đồng. Ở nông thôn may ra “co kéo” đủ, chứ thành phố thì ai sống nổi. Người ta từng đau xót trước những cái Tết giáo viên ngậm ngùi nhận gói mỳ chính, chai nước mắm, thậm chí là không có gì.

Tháp nhu cầu của Maslow chỉ ra rằng khi bị đói thì phải lo tìm cái ăn trước đã. Thầy cô giáo cũng không nằm ngoài quy luật cho dù họ có tự trọng đến đâu. Việc dạy thêm, dạy “phụ đạo” là chuyện tất nhiên.

Quay lại vấn đề mà thầy giáo hiệu trưởng đặt ra từ chất vấn: “Bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô hát để kiếm tiền mà giáo viên không được sống bằng chính nghề của mình thì còn gì buồn hơn”. Vậy giáo dục ở Việt Nam là hàng hóa hay là phúc lợi? Nếu là hàng hóa thị trường thì động lực được đánh đổi bằng tiền là chấp nhận được. Còn nếu là phúc lợi xã hội phục vụ người dân mà phải có động lực kim tiền chính là tiêu cực. Cho dù, thầy cô giáo đi dạy thêm là việc lương thiện nhất để kiếm tiền ngoài lương, bằng chính nghề nghiệp của mình.

Vấn đề vẫn nằm ở câu hỏi ấy: giáo dục là hàng hóa hay phúc lợi? Ai có thể trả lời thấu đáo ngay lúc này?

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›