(Thethaovanhoa.vn) - Ông Đoàn Phú Tấn, người đảm nhiệm cương vị giám sát trọng tài trận FLC Thanh Hóa - SLNA chiều 8/5 xác nhận với Thể thao&Văn hóa về những sai sót nghiêm trọng của vị Vua sân cỏ này.
- Trưởng Ban Trọng tài QG Nguyễn Văn Mùi: 'Trọng tài Chiến đã sai và sẽ bị xử lý nghiêm'
- Ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban Trọng tài VFF: 'Tôi không thấy sự bất thường nào cả'
- Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi: 'Xâm phạm thân thể trọng tài cần phạt nặng'
- Về nguyên tắc, tôi không thể tiết lộ nội dung bản báo cáo nhưng rõ ràng, Hà Anh Chiến đã mắc sai sót nghiêm trọng. Chính Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng kết luận như thế và sẽ có hình thức xử lý thích đáng. Trong trách nhiệm của mình, tôi đã có báo cáo trung thực, rõ ràng và về sai sót của Chiến.
Với tư cách khán giả, tôi thấy đau lòng khi quyết định sai dẫn đến kết quả thay đổi như thế. Cuối trận, họp rút kinh nghiệm, trọng tài Hà Anh Chiến cũng nhận ra sai lầm, cậu ấy hối hận và mong được lượng thứ.
CLB SLNA đã phản ứng khiến trận đấu bị gián đoạn, đó là thời gian để trọng tài chính, trợ lý và giám sát hội ý để sửa sai nếu có. Nhưng, đã không có bất cứ điều chỉnh nào?
- Đó là một tình huống tấn công nhanh. Trợ lý cũng khó can thiệp và có góc nhìn chuẩn xác. Quan trọng là trọng tài chính phải nhạy cảm và tập trung cao độ, nhất là tình huống đã cuối trận đấu, không thể phán bừa, thổi ẩu.
Quyết định sai lầm của trọng tài Hà Anh Chiến không chỉ khiến BHL, các cầu thủ SLNA bức xúc.Ảnh: V.S.I
Trách nhiệm của giám sát không thể can thiệp vào quyết định của trọng tài, kể cả lúc Giám sát chủ quan nhận định là trọng tài đã sai. Chúng tôi chỉ tham gia ngăn chặn trường hợp đội bóng, cầu thủ xâm hại trọng tài.
Chúng ta còn nhớ bài học năm 2008 trên sân Chi Lăng, trận đấu giữa Đà Nẵng- ĐTLA, giám sát cũng bị cho rằng đã tác động quyết định ban đầu của trọng tài Nguyễn Xuân Hòa, khiến Hòa bối rối và “bẻ còi”. Sau đó, giám sát cũng bị kỷ luật, vì không làm đúng chức năng, nhiệm vụ.
Dư luận có quyền hoài nghi động cơ thiếu trong sáng của trọng tài Hà Anh Chiến. Trước, trong và sau trận đấu, trong vai trò quản lý tổ trọng tài, ông có thấy vấn đề gì bất thường hay không?
- Tôi thấy họ giữ sinh hoạt đúng mực còn tư tưởng trọng tài Chiến có vấn đề gì hay không tôi không thể biết được. Quản lý trọng tài quá khó. Tổ 6 người thì 2 người/ phòng, chẳng lẽ quản lý điện thoại mà mỗi người có thể có dăm chiếc điện thoại. Khi họ có cuộc gọi, chẳng lẽ giám sát đi theo và bắt buộc bật loa ngoài lên?
Hiện nay, không chỉ giới trọng tài và giới nào cũng thế, đã cố ý tiêu cực thì rất khó để hóa giải. Và nếu đội bóng có ý không tốt, tác động trọng tài để bắt có lợi thì họ cũng có trăm phương, nghìn kế. Cho nên, tạo ra môi trường tử tế để trọng tài có ý thức, có đạo đức với nghề mới là chuyện khó.
Vậy làm sao tạo được “môi trường tử tế” để trọng tài tốt lên?
- Tất nhiên, yếu tố đầu tiên là cách ứng xử với trọng tài. Từ phía đội bóng, cầu thủ, khán giả phải chuyên nghiệp thật sự. Phải tôn trọng, tin tưởng và có động cơ trong sáng, công bằng.
Về phía trọng tài, họ cần được Ban Trọng tài tạo điều kiện phát triển một cách công bằng, dân chủ. Tôi thấy trọng tài Việt Nam chưa có được điều đó.
Nếu trọng tài giỏi, bản lĩnh mà cô độc thì cũng không thể phát triển, Nếu anh ta chỉ sai vài trận, sẽ bị nâng quan điểm làm to chuyện lên, ngưng trệ sự nghiệp, đấy là chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Mà ai không mắc phải sai sót.
Ngược lại, cần phải chấm dứt chuyện nếu trọng tài quan hệ tốt, sai sót vẫn có thể được xí xóa, làm nhẹ hóa với đủ phương pháp.
Xin cảm ơn ông!
Nam Giao (hực hiện)
Tags