(Thethaovanhoa.vn) - Mới nhất, Tân Nhàn vừa cho ra mắt album Níu dải lụa đào bao gồm các làn điệu chèo, hát văn, xẩm, quan họ… đậm nét truyền thống. Và nghệ sĩ trẻ này có một quyết định khá… lãng man: sẵn sàng tặng album Níu dải lụa đào những khán giả yêu và muốn thưởng thức nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
1. “Tôi sẵn sàng tặng đĩa khán giả, bao nhiêu khán giả muốn nghe, tôi tặng bấy nhiêu, càng lan toả được nhiều tình yêu nghệ thuật truyền thống càng quý ”, Tân Nhàn cười.
Tân Nhàn được biết đến là một trong nữ nghệ sĩ trẻ nhưng có sức ảnh hưởng lớn đối với dòng nhạc mang âm hưởng dân gian, cách mạng. Bên cạnh sự nghiệp âm nhạc có bề dày khiến nhiều người nể phục, cô hiện là Phó trưởng Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thế nhưng, ở nữ nghệ sĩ sinh năm 1982 này, câu chuyện về việc giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống, cũng như niềm hi vọng về sự phát triển của mảng nghệ thuật này, vẫn ám ảnh cô.
Trong buổi giới thiệu Níu dải lụa đào, Nhàn nói rằng trên thế giới, việc tìm về nguồn cội trong nghệ thuật bằng cách khai thác truyền thống vẫn là xu hướng chung. Vậy nhưng, tại sao khi nói về Trung Quốc người ta nhắc đến ngay Kinh kịch - trong khi Việt Nam thì lại dễ bị bỏ qua vai trò là cái nôi của những hát then, hát xẩm, quan họ, chèo…?
Thực tế, trước Níu dải lụa đào, Tân Nhàn đã mất nhiều năm nghiên cứu, tìm bằng được các nghệ nhân nổi tiếng để học hỏi từ cách hát, nhả chữ, luyến láy cũng như nghe đến mòn tai các làn điệu cổ truyền. Và cô, cũng bỏ ra 2 năm để hoàn thành được các tác phẩm trong Níu dải lụa đào, cũng như để tự tin ra mắt cùng lúc 2 MV Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa và Cô đôi Thượng Ngàn.
- Sao Mai Tân Nhàn: Lôi cuốn giới trẻ bằng 'Yếm đào xuống phố'
- Sao Mai Tân Nhàn - Anh Tuấn kể 'Câu chuyện âm nhạc'
Để nói về sự cầu thị trong âm nhạc của Tân Nhàn, cần quay ngược về thời điểm 5 năm trước, khi cô phát hành Yếm đào xuống phố. Trong sản phẩm ấy, Nhàn là một trong những người tiên phong kết hợp các làn điệu chèo cổ với phần phối khí Jazz (nghệ sĩ Trần Mạnh Hùng đảm nhiệm). Sự thể nghiệm này mang về cho cô đề cử giải thưởng Âm nhạc Cống hiến (do báo Thể thao và Văn hóa – TTXVN tổ chức).
2. Khi trở lại với Níu dải lụa đào, nhiều người bán tín bán nghi, cho rằng Tân Nhàn lại thể nghiệm một cái gì đó trong âm nhạc. Thế nhưng, bản lĩnh nghề nghiệp của Tân Nhàn cũng như cách mà cô trân trọng nghệ thuật dân gian lại mang đến cho khán giả và những ai ái ngại về cô một cách nhìn khác, thậm chí trầm trồ. Bởi, các làn điệu, ca khúc dân gian, giá văn… đều được Tân Nhàn thể hiện trọn vẹn cảm xúc không khác gì mà những nghệ nhân truyền dạy cho cô.
“Tôi sẵn sàng hát miễn phí ở các chương trình âm nhạc truyền thống, sẵn sàng góp sức nhỏ của mình để cùng những người yêu nghệ thuật truyền thống chấn hưng di sản nghệ thuật xưa” - Tân Nhàn khẳng định.
“Tôi không mang tham vọng làm được điều gì lớn cho việc phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam. Điều đó có vẻ xa vời và cần nhiều người làm. Nhưng tôi vẫn cố gắng hết mức có thể trong khả năng của mình, trước hết là để truyền cảm hứng đến những học sinh của tôi và khán giả" - cô nói thêm.
Tự tin rằng đang ở độ tuổi phù hợp để quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống, Nhàn nói, cô muốn xuất hiện với tư cách không phải một ca sĩ dòng dân gian mà là một người có sự tìm tòi và nghiên cứu sâu về âm nhạc truyền thống. Và, Níu dải lụa đào cũng là dự án nằm trong chuỗi chương trình hướng tới liveshow sắp tới vào đầu năm 2019, một cuộc chơi lớn của cô trong lĩnh vực này. Theo đó, liveshow này sẽ có sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với giao hưởng.
Vài nét về Tân Nhàn Tân Nhàn sinh năm 1982, khởi đầu sự nghiệp và gắn bó cô với âm nhạc dân gian, cách mạng là Giải nhất phong cách Dân gian tại Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc 2005 khi thể hiện thành công ca khúc Trăng khuyết (Huy Thục - Phi Tuyết Ba), được ban giám khảo và khán giả truyền hình bình chọn. |
Minh Thư
Tags