Phim 'Thái sư Trần Thủ Độ': 'Đừng nói làm phim lịch sử thiếu tư liệu'

Thứ Ba, 24/12/2013 13:31 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Phải mất hơn 2 năm sau Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, công chúng mới được xem bộ phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ, dù trước đó đã có kế hoạch chiếu dịp này. Phim nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều, khán giả “soi” rất nhiệt tình, tranh cãi rôm rả cả trên mạng.

Khán giả “soi” rất kỹ từ bối cảnh, nhân vật tới trang phục của họ trong phim. Đặc biệt, là lời ăn tiếng nói của nhân vật, những cảnh nóng bỏng giữa nhân vật nam và nữ... Những chi tiết như: việc Trần Thị Dung xưng “anh - em” với Trần Thủ Độ, xưng “mày - tao” với đầy tớ gái... Đặc biệt là những cảnh “nóng”, đặt trong hoàn cảnh bộ phim lịch sử này có cần thiết hay không?


Trao đổi với phóng viên Thể thao & Văn hóa, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học, cho biết:


- Cách xưng hô của thế kỷ 13 không có “anh - em”, “mày - tao”, vì dân tộc ta hồi đó toàn dùng chữ Hán. Trong các tác phẩm chữ viết thời xưa cũng không thấy có cách xưng hô này. Phiên âm ra “anh - em” mãi sau này theo Quốc ngữ mới có.


PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi

Cảnh nóng mang “chất” thị trường


* Nhiều khán giả tỏ ra ngạc nhiên vì phim có cảnh Trần Thị Dung - Trần Thủ Độ và cặp đầy tớ trai - gái rủ nhau đi qua đêm, cảnh vũ nữ bán khỏa thân múa quyến rũ Thái tử. Là người nghiên cứu sử, quan điểm của chị về vấn đề này thế nào?


- Tôi nghĩ cảnh nóng ở đây hơi mang tính chất thị trường, chứ không phù hợp với phim lịch sử. Dù nhà Trần có quy định hôn nhân nội tộc nhưng quy định ngặt ngèo lắm. Ví dụ loạn luân, thông dâm trị tội rất nặng.


Cứ xem những bộ phim, tiểu thuyết trước Cách mạng, người ta không đề cập nhiều đến chuyện quan hệ nam nữ. Đến sau năm 1975, thế hệ bọn tôi yêu còn không được cầm tay nhau như bây giờ đâu. Thế kỷ 20 còn như thế, thì không thể áp đặt thế kỷ 21 vào thế kỷ 13 được. Đưa hoàn cảnh ngày hôm nay vào bộ phim như thế là quá mức cần thiết cho một bộ phim lịch sử.


* Có ý kiến cho rằng tình yêu nồng cháy của cặp tình nhân Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung chính là biểu hiện sức sống của vương triều Trần non trẻ sau này. Mà chuyện nam nữ đời nào chẳng có, chúng ta cũng có Thị Mầu đấy chứ. Đời sống dân gian chắc hẳn khoáng đạt hơn hẳn đời sống cung đình mà sử sách ghi chép, vậy tại sao người hiện đại lại cảm thấy khó chấp nhận khi chứng kiến cảnh nam nữ trong phim lịch sử?


- Các cụ ngày xưa có những quy tắc rất nghiêm ngặt, nếu có chuyện nam nữ trước hôn nhân, người phụ nữ có thể bị gọt đầu bôi vôi, có người xấu hổ còn phải tự tử. Thị Mầu cũng bị Mõ rao con gái Phú ông chưa chồng đã chửa, bị đưa ra đình để bị tổng sỉ vả đấy thôi.


Tôi đồng ý cách xây dựng mối tình giữa Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ phải nồng nàn, thắm thiết. Tuy nhiên xử lý ở mức độ nào để người xem thấy đúng là cả nghệ thuật cộng với hiểu biết và kiến thức lịch sử, chứ không chỉ đơn giản là anh cứ hư cấu theo cách của mình.


Gần đây tôi có xem Trò đời, phim vào thời kỳ Pháp thuộc, phụ nữ Việt lúc đó tân thời lắm rồi, dù kịch bản đẫm chất nhục dục nhưng đạo diễn rất tiết chế.


Cảnh 'nóng' trong phim Thái sư Trần Thủ Độ

Chất Đại Việt quá ít


* Chị nhận xét thế nào về bối cảnh, trang phục trong phim Thái sư Trần Thủ Độ?


- Không phù hợp. Tôi thấy đội múa trong cung có người còn đi giày vải, quai bắt chéo qua chân như diễn viên trường múa bây giờ. Dân thời Trần chỉ mặc quần áo thâm, đi chân đất, đàn ông để đầu trọc. Trong cung đình có quy định từng chức vụ, cấp bậc có mũ, áo khác nhau.


* Đạo diễn có phân trần rằng sử liệu quá ít, có nhiều cái cần đối chiếu nhưng các sử gia cũng không trả lời được.


- Cũng không thể trách được đạo diễn chưa tìm được người nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng phải hỏi lại đạo diễn là đã hỏi ai?


Về sử liệu, đúng là thiếu thật, vì quốc sử, chính sử chỉ chép theo thể biên niên, đại khái ngày này diễn ra cái gì (hạn hán mất mùa), vua đi đâu làm gì, quân đội ra làm sao...

Nhưng vẫn có những tư liệu giúp ta hình dung về quá khứ, về cách ăn, ở, mặc của người xưa. Ví dụ, nhà của thời Trần mái chỉ cách mặt đất 1,3-1,7m, nhà vách đất nên tối, phải trổ cửa sổ sát mặt đất để ánh sáng vào, trong nhà độ ẩm cao, nhà nào cũng có một bếp lò để xua đi khí độc. Bối cảnh trong phim, nhà quá cao là không đúng.

Rõ ràng có tư liệu hẳn hoi, chỉ có điều đạo diễn chưa sờ tới. Tôi thấy có rất nhiều vấn đề để góp ý trong bộ phim này.


* Yêu cầu tối thiểu của một người nghiên cứu lịch sử như chị với một bộ phim lịch sử?


- Tôi sẽ quan tâm phim có đúng với thực tế lịch sử lúc đó hay không. Phim là thứ có thể tiếp cận với đông đảo khán giả, nếu làm sai, khán giả lại hiểu đời nhà Trần là như thế, lâu dần ngấm vào nhận thức là rất nguy hiểm.


Thời nhà Trần, quốc sử ghi rõ cấm dân Việt không được ăn mặc kiểu phương Bắc; cấm dân ở Hải Trang, Vân Đồn (tức Quảng Ninh bây giờ) không được đội nón của phương Bắc, nên phải dùng nón ở Ma Lôi, Hồng Lộ (Hưng Yên bây giờ). Ngày xưa cấm như thế, còn bây giờ tôi thấy phim lịch sử của mình ảnh hưởng Trung Quốc nhiều quá, từ trang phục, bối cảnh, trong khi đó chất Đại Việt của mình thể hiện trong phim quá ít.


* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!


Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›