(TT&VH Cuối tuần) - Sân khấu ca nhạc ngày Quốc khánh năm nay, nhiều người bỗng thấy nhớ giọng nam trung khỏe khoắn, vững chãi của NSND Quang Thọ. Tin đồn loang ra khiến bạn bè, người quen, những người ái mộ giật mình: ông gặp cơn bạo bệnh…
1. Tôi đã từng xem ông hát ở nhiều chương trình, cả lúc sau cánh gà, ở phòng hóa trang Nhà hát Lớn. Bố tôi (đạo diễn Vi Hòa) từng kể nhiều kỷ niệm khó quên với ông khi làm phim ca nhạc. Nhưng đây là lần đầu tôi tìm đến nhà ông, đầy bồn chồn. Xác nhận tin đồn không phải là mục đích, mà muốn cởi bỏ âu lo…Sáng Chủ nhật, gia đình Quang Thọ có nhà. Căn hộ số 10 khu tập thể Nhạc viện Hà Nội rất dễ nhận ra. Ngay mặt tiền, bên trái là bảng tên cả nhà: Thọ - Thanh - Tú - Tùng; bên phải là biển: Công ty cổ phần nghệ thuật Quang Thọ. Hôm nay Quang Thọ bận áo cộc tay hoa văn trẻ trung, quần soóc, ông tươi cười dẫn tôi vào phòng làm việc đồng thời cũng là phòng thu, trên tầng hai. Đối diện là bếp, nơi vợ ông, cô Vũ Ngọc Thanh đang bận rộn. Trên tường lối đi giữa hai phòng là tủ thuốc, treo bảng trắng bút dạ ghi lịch làm việc kín mít. Căn phòng có đầu đĩa, ti-vi, dàn âm thanh Sony và nhiều băng đĩa nhạc, sách làm nhạc. Trên nóc đàn piano, tôi thấy bằng khen “Nguyễn Quang Tú, sinh viên giỏi Khoa Thanh nhạc năm thứ nhất, Học viện Âm nhạc Quốc gia 2011). Quang Tú (sinh năm 1985) cao hơn bố, 1m75, đang học năm thứ hai, còn Quang Tùng (1987), còn cao hơn, như người mẫu, tới 1m85, đã tốt nghiệp guitar hệ đại học, đang học cao học và dự tính sẽ ở lại học viện giảng dạy.
NSND Quang Thọ. Ảnh Nguyễn Đình Toán
Ngồi trước tôi, là một Quang Thọ bình dị, trẻ hơn tuổi 64. Bây giờ tôi mới thấy tay phải ông bó bột (nghe nói phải nẹp 3 đinh vít vì gãy cổ xương quay từ hôm 10/7). Ông kể: “Tối hôm ấy, tôi hát xong tiết mục của mình, bài Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (nhạc Chu Minh, thơ Hoàng Trung Thông) tại sân khấu dã chiến ngoài trời phục vụ chiến sĩ và nhân dân Côn Đảo, gần Khu tưởng niệm nghĩa trang Hàng Dương. Phần kết, tất cả ca sĩ ra chào, xong thì tôi bước hụt, ngã xuống sàn xi măng, tôi lấy tay đỡ, cổ tay gãy, mặt bị xước. Ngay sau đó, các chiến sĩ đưa tôi đến quân y viện chụp phim rồi bó bột. Về Hà Nội, tôi tiếp tục đến Bệnh viện Việt Đức khám, bó lại rồi sốt một tuần. Chưa khi nào sốt nặng. Đó là khởi sự của tin đồn bị K”.
Theo Quang Thọ, đời ông đến giờ có 2 lần tai nạn nghề nghiệp, đều hút chết. “Lần đầu, năm 1983, đoàn Ca nhạc nhẹ diễn ở Thái Bình. Lệ các đoàn phương Nam đi diễn, kiêng cho đàn bà có thai đi cùng. Đoàn có Thúy Hà, khi ấy mang bầu cháu thứ hai. Tôi có bộ âm thanh cho đoàn thuê lại, ngồi bên dưới điều khiển, kiêm giới thiệu tiết mục, giờ gọi là “MC” đấy. MC Quang Thọ giới thiệu (cười), Thúy Hà hát xong thì cả mảng nóc sân khấu tôn xi măng đổ sụp, vỡ luôn cả cái ghế ngay cạnh chỗ tôi ngồi, may tôi tránh kịp. Cùng lúc mảng nóc sụp là hai thằng bé rơi theo. Hóa ra, chúng leo lên xem ca nhạc qua lỗ thủng của trần hội trường, cái trần quá cũ nát. Thằng bé chết tại chỗ, đứa kia đi cấp cứu, hôm sau cũng chết. Lúc đó mới thấm, tục kiêng cữ kia quả là có nguyên do…”.
Ngay sau khi bị tai nạn ở Côn Đảo, ông phải dừng chuyến biểu diễn ở Lào, dù đã tập bài Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn của Hoàng Hà. Trọng Tấn xung phong thay thầy, vé do Bộ VH,TT&DL mua, bảo chỉ đi 2 ngày, rồi phát sinh và phạm lỗi…
2. Thị xã (TX) Cẩm Phả có trong ký ức tuổi thơ tôi, khi về thăm ông bà ngoại. TX chứa đựng cả tuổi thơ và một phần đời thanh niên của Quang Thọ. Mỗi lần về đấy, Quang Thọ thích chạy xe khắp mọi ngóc ngách, không đội mũ bảo hiểm mà không công an nào phạt. Ông là niềm tự hào của Quảng Ninh, ai nỡ phạt một nghệ sĩ xa quê, muốn gió từ vịnh Bái Tử Long lùa tóc, bụi than và mùi biển ùa vào da thịt.
Tôi thích gọi Quang Thọ là “chàng trai Cẩm Phả”. Ông sung sướng nhận danh hiệu này. Chàng trai vẫn về hát phục vụ quê nhà những dịp lễ lạt, gần nhất là ngày hội Cẩm Phả đón nhận quyết định lên TP. Thực ra, chàng không phải sinh ở đây, mà ở chân núi Bài Thơ, TX.Hòn Gai, năm 1948.
Ông nội Quang Thọ từ Kim Động, Hưng Yên lấy bà nội người Thủy Nguyên, Hải Phòng, ra Hòn Gai lập nghiệp. Bố Quang Thọ - cụ Nguyễn Văn Huân (1920 - 2000) là thợ điện của nhà máy cơ khí Cẩm Phả. “Người ta hay hiểu thợ mỏ là thợ chui xuống hầm lò, nhớ tên bài hát của Hoàng Vân bằng câu hát đầu “Tôi là người thợ lò”, sau nhạc sĩ đổi thành “thợ mỏ” cho rộng hơn. Cha và tôi chính là người thợ mỏ”.
Năm 1953, cha mẹ Quang Thọ dắt đàn con sang Cẩm Phả định cư. Ngôi nhà đầu tiên mua ở đường Lý Bôn, cách Cửa Ông 10km. Tới 1966, nhà chuyển sang phường Cẩm Bình Tây, sát biển, mua 3 sào đất, đào ao lấy đất làm nhà, năm 1969 thì xây lên ba gian… Quang Thọ vào đời là thợ điện mỏ than Cọc 6. Dân Hải Phòng, Quảng Ninh yêu văn nghệ, phong trào ca hát phát triển mạnh, 17 tuổi ông bắt đầu là ca sĩ bán chuyên nghiệp. Năm 1971, đoàn Văn công Xung kích của tỉnh Quảng Ninh vào chiến trường, hát suốt Tây Trường Sơn theo đường 559 qua Lào, Campuchia tới cuối 1972 ông mới về Hà Nội, vào học nhạc viện.
Đi đâu ông cũng nhớ về Cẩm Phả. Giờ người mẹ già 87 tuổi đang ở ngôi nhà cũ và con gái ông, Thu Hoài vẫn gắn bó với Cẩm Phả. Thu Hoài thuở nhỏ sống cùng mẹ ở Hà Tu (người vợ đầu đã chia tay 1984), hết phổ thông lên Hà Nội học nghề, rồi về Cẩm Phả sống với bà nội.
3. Thấy biển, Quang Thọ vẫn ham bơi, quên tuổi. Thời trẻ, ông đã bơi 4km vượt sông Hồng, bơi gần chục km qua vịnh Bái Tử Long, nghỉ quãng bằng cách bám vào các vách đảo, ngâm 3-4 giờ dưới nước là thường. Thích bơi, ông lại ngại đến bể bơi, sợ nước bẩn gây viêm tai. “Người làm âm nhạc phải có đôi tai nhạy cảm”. “Còn cổ họng thì phải giữ, tránh nicotin và etylic chứ!”, tôi trêu ông. “Thuốc lá thì có hại thật, tôi không hút. Còn rượu không sao đâu, nếu biết tiết chế. Tôi thích rượu Tây, tửu lượng tương đối”.
Nhưng không men rượu, mà men nghề đã giúp Quang Thọ “bơi” qua được những ngày “treo ngàn cân” trong hồi hộp, sợ hãi. Đã từng hát dưới bom rơi đạn nổ, lẽ nào lại gục ngã trong thời bình, ông tự nhủ. Sau cơn sốt, ông thử máu theo định kỳ, phát hiện bạch cầu lên cao, biểu hiện lâm sàng của căn bệnh nan y. Tại bệnh viện Việt Đức, đã có chỉ định mổ để nạo u tiền liệt tuyến. May sao, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ bệnh án, các bác sĩ quyết định điều trị nội khoa bằng thuốc đặc trị của Pháp. Sau một tháng rưỡi uống thuốc, khối u chỉ còn 1/3 trọng lượng so với trước và các chỉ số khác đã về vị trí an toàn. Vậy là thoát K!
Ít người biết, ngoài tài năng ca hát, NSND Quang Thọ còn có niềm say mê viết. Ông đã viết kịch bản phim Âm vang lá đỏ, phim truyện - ca nhạc như một tự truyện về cuộc đời mình, đồng nghiệp của mình, sự nghiệp ca hát với các lớp học trò. Nhân vật chính là nghệ sĩ Quang Thi, người thầy dạy nhạc mà ông sẽ thủ vai. Ấp ủ 4 năm, ông mong kịch bản được làm phim, “dựng lên thời Trường Sơn, thời tuổi trẻ…”.
4. Từ thuở đeo ba lô với cây đàn guitar, hết đại học thanh nhạc đến năm 1980 về đoàn Ca múa nhạc Việt Nam. Quang Thọ đã lưu diễn ở mấy chục quốc gia trên thế giới: Bắc Âu, Canada, Mỹ (3 lần), Mông Cổ (3 lần), Triều Tiên, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Trung Phi… Ông đã biểu diễn ở hầu hết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), hát tiếng Nga rất sõi. “Điều đáng tiếc là tôi đến Pháp 3 lần, đã dự định mà toàn hụt sang Ý, cái nôi của Opera” - Quang Thọ thổ lộ. Vẫn xem các kênh âm nhạc, xem băng, đọc sách nhạc nhiều năm nay, tu bổ nâng cao nghề biểu diễn và kiến thức giảng dạy, ông cho rằng: “Một giọng hát chuyên nghiệp nhất thiết phải qua đào tạo bài bản. Ca hát là một nghề, ca sĩ là người làm nghề ca hát. Muốn làm nghề tốt thì phải học mới có được sự lâu bền của giọng hát. NSND Trần Hiếu, Trung Kiên vẫn hát tốt ở tuổi ngoài 70, do các ông vẫn dạy, luyện thanh hàng ngày. Đòi hỏi cơ bản về hơi thở, biết điều tiết xử lý âm thanh, có thể mới tồn tại được lâu dài. Như các hình tháp nón, đế rộng thì đỉnh cao càng vững. Học 8 năm thanh nhạc chưa đủ đâu, huống hồ không chịu học ngày nào”.
Quang Thọ là Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc từ 2000 đến 2008 nghỉ hưu. Ông là thầy của Đăng Dương, Tùng Dương, Khánh Linh từ lúc vào học trung cấp và bây giờ vẫn là thầy. Năm 2007, ông đã mở trung tâm đào tạo âm nhạc Quang Thọ. Hiện trung tâm có 50 học trò, từ bé 5 tuổi mầm non muốn theo đuổi âm nhạc đến các vị ngoài 60 đi học hát “cho biết”.
Niềm vui của Quang Thọ là tự tay nấu ăn thết đãi bạn bè tại nhà. Ông sở trường các món xào, thịt bò, bê; nhất là mực tươi mà vào tay ông thì chao ôi, tuyệt! Những người bạn ông đã kể nhiều về hoa tay này. Bàn tay không chỉ chơi piano dạy học trò, cầm micro 40 năm. Quang Thọ có đôi mắt rất tình, lúc nào cũng như đang yêu thì cũng đâu khó hiểu!
Thoát nạn trong gang tấc, hiện tại ông không dám ước nhiều. Ông thành thật: “Chỉ dám xin trời cho hát từng chặng 5 năm. Xin có sức khỏe để hát, để phục vụ nhân dân 5 năm nữa. Qua 5 năm thì lại xin tiếp. Trước khi bị nạn, đầu tháng 6, ông đã du diễn phục vụ kiều bào ở Đức, Czech, Ba Lan. Và giờ lại đã sẵn sàng, về Công ty Than Hòn Gai, Công ty Hóa chất dạy hát, dựng chương trình cho công nhân. Lại về Cẩm Phả thân thương, nơi nhân dân luôn nhớ ông và ông cũng nhớ họ