(Thethaovanhoa.vn) - Khán giả ngày nay rất tinh tường, đôi khi họ không để ý đến những cảnh xung đột mà lại ấn tượng và cảm xúc với những cảnh quay rất đỗi bình dị, đời thường…
NSND Lan Hương - vai Trưởng phòng Như Ý trong phim Những nhân viên gương mẫu - chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những trăn trở về nghề diễn bên thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21.
- NSND Lan Hương 'Sống chung với mẹ chồng': 'Chạy show nhiều, diễn viên khó kiểm soát cảm xúc'
- NSND Lan Hương: Trong gia đình tôi ngày trước, mẹ chồng tôi luôn đúng
Sự chân thực sẽ “chạm” tới cảm xúc khán giả
* Cảm xúc của chị như thế nào khi tham dự các liên hoan phim và điều chị thích nhất ở sự kiện này là gì?
- Liên hoan phim là bữa tiệc điện ảnh, khán giả được thưởng thức những phim mới, đạo diễn được tiếp cận tác phẩm của bạn bè để biết chỗ đứng của mình. Dự các liên hoan phim, tôi có cảm giác mình không bị lạc hậu.
* Chị đánh giá ra sao về sự phát triển của điện ảnh và truyền hình Việt những năm gần đây?
- Điện ảnh và truyền hình đều đang có những bước tiến nhảy vọt. Hiện có những bộ phim thu hút khán giả đến rạp, đạt doanh thu phòng vé rất lớn. Truyền hình cũng thế, ngày càng có nhiều tác phẩm có sức hút đối với khán giả. Có những phim truyền hình Việt được khán giả xem đi xem lại không chán, chứng tỏ tác phẩm phải có sức hút.
* Hiện có nhiều phương tiện giải trí nhưng khán giả vẫn chọn phim truyền hình, theo chị là do đâu?
- Phim truyền hình đang dần dần thành món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Kịch bản phim ngày càng được chắt lọc về đề tài, cách kể chuyện hiện đại hơn. Máy móc, công nghệ cũng hiện đại hơn trước đây rất nhiều.
Cùng với đó, lối diễn của diễn viên ngày càng gần gũi, chân thực. Tôi cho rằng, sự chân thực là yếu tố quan trọng nhất để tác phẩm truyền hình có thể đi vào trái tim, chạm vào cảm xúc khán giả.
* Chị nghĩ gì về sự xuất hiện của những "ngôi sao truyền hình"?
- Trong vở diễn hay phim đều cần có diễn viên chính, người tạo được sức hút với khán giả. Để có các ngôi sao, tôi thấy vai trò của đạo diễn rất quan trọng, họ mới là những người giỏi. Đạo diễn là người chọn, gửi gắm và dẫn dắt diễn viên.
Về phần diễn viên, khi được giao thì nên toàn tâm toàn ý với vai diễn của mình bởi cơ hội không có nhiều, nếu diễn nhạt nhòa thì sau bạn sẽ khó được mời nữa. Các bạn trẻ không nên nghĩ mình là ngôi sao, bởi có thể mình rất nổi tiếng trong phim này, nhưng vẫn hoàn toàn có thể mờ nhạt ở phim khác.
Thêm nữa, với những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp thì phải hiểu, thành công của mình phụ thuộc vào tập thể, đó là sự đồng bộ về: kịch bản, đạo diễn, ê kíp… Bản thân tôi cũng luôn nghĩ, mình phải học hỏi cả đời chứ không phải qua một hai vai diễn là xong.
* Nghĩ về nghề, điều gì làm chị trăn trở?
- Tuổi tôi thì không có gì phải trăn trở cho bản thân mình nữa. Tôi trăn trở làm sao để các bạn trẻ giữ được lửa nghề, luôn biết đổi mới mình, sáng tạo… để giữ nghề bền bỉ, để có chỗ đứng trong lòng khán giả.
Trong cuộc sống riêng, các bạn có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc thì tôi thấy mừng, còn nếu có điều gì không trọn vẹn, như ý thì tôi cũng cảm thấy chưa yên tâm.
* Chị đánh giá như thế nào về lớp trẻ kế cận hiện nay?
- Các bạn trẻ hiện giờ biết nắm bắt cơ hội, được phân vai là họ làm hết sức mình. Tôi thấy các bạn diễn viên trẻ hiện đang tiến bước rất xa, có thể “lột xác” từ nhân vật này sang nhân vật kia một cách ngoạn mục, kỹ thuật biểu diễn rất tốt. Tôi tin rằng các bạn có khả năng làm tốt hơn thế hệ chúng tôi nhiều.
Chỉ có điều, kiến thức là vô tận, cuộc sống ngày càng thay đổi, muốn vai diễn của mình sâu, đi vào tâm hồn, trái tim khán giả thì các bạn trẻ nên đọc nhiều sách hơn, quan sát cuộc sống, học hỏi nhiều hơn để có chất liệu đưa vào những vai diễn.
* Theo chị thì làm sao để người nghệ sĩ, diễn viên giữ được sự yêu mến của khán giả?
- Cũng không có công thức nào cả, mình cứ suy nghĩ tích cực, làm điều mình cho là đúng. Tôi cho rằng, người diễn viên làm nghề được lâu bền vì giữ được cảm xúc, đôi khi ngô nghê, hồn nhiên chứ không nên tự tin quá vào bản thân mình.
Thêm nữa, diễn viên phải biết trân trọng từng khoảnh khắc xuất hiện trên phim chứ không nên có suy nghĩ: phải phân đoạn nào quan trọng tôi mới diễn!
Có người hỏi tôi cảnh nào khó nhất khi đóng phim? Tôi bảo đôi khi khó nhất lại chính là những cảnh đời thường, những cảnh không có gì để diễn nhưng diễn viên phải thể hiện được sự chân thật nhất.
Mỗi khi gặp gỡ, nghe phản hồi của khán giả, tôi đã rất bất ngờ bởi nhiều vai diễn của tôi ấn tượng với khán giả từ những khoảnh khắc rất giản dị.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Tiểu Phong (thực hiện)
Tags