NSND Đặng Thái Sơn: Tôi sợ 'gắn mác' chỉ chơi Chopin

Thứ Hai, 07/03/2016 07:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 35 năm kể từ khi đoạt giải Nhất cuộc thi Chopin, Đặng Thái Sơn trở thành giảng viên đầu tiên có lượng thí sinh lập “hat-trick” về giải thưởng (3/6 giải) tại cuộc thi piano danh giá này. Và trong những niềm vui đến một cách bất ngờ ấy, NSND Đặng Thái Sơn cho biết dấu ấn lớn nhất với ông chính là thành công trong lĩnh vực giảng dạy.

Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với NSND Đặng Thái Sơn.

* Trong lịch sử từ trước đến nay tại cuộc thi danh giá Chopin, đây là lần đầu tiên, có đến 3/6 giải thưởng thuộc về học trò của một nghệ sĩ và vinh dự đó lại thuộc về ông…

- Bản thân tôi cũng thực sự ngỡ ngàng trước kết quả tuyệt vời này! Vậy là sau 35 năm, ở vị trí là người đoạt giải, đến nay, tôi lại được vinh danh một lần nữa ở vai trò giảng dạy. Tôi rất phấn khởi và tự hào vì những gì các học sinh của mình đã đạt được tại cuộc thi này!

* Ông nghĩ sao khi nhiều người Việt “tư duy” chuyện thầy giáo làm giám khảo nên học sinh của mình đoạt giải là chuyện bình thường?

- Cho đến nay, Chopin luôn giữ được uy tín chính bởi sự minh bạch. Năm nay, cuộc thi diễn ra với sự cạnh tranh của 450 thí sinh trên toàn thế giới qua 6 vòng thi. Tại vòng 2, chỉ còn 40 thí sinh, vòng chung kết 10 thí sinh.


NSND Đặng Thái Sơn

Luật chấm thi rất chặt chẽ, học trò của mình thì mình không cho điểm, phải bỏ phiếu trắng. Năm nay, cuộc thi còn được trực tiếp trên kênh YouTube với sự theo dõi của hàng triệu lượt người xem. Vì thế, giám khảo chấm thế nào từ chặng đầu đến cuối, tất cả đều được “phơi bày”, nếu không logic thì cũng dễ nhận ra thôi.

Hơn nữa, trong các thành viên ban giám khảo, có nhiều giảng viên có học trò đi thi, không riêng gì tôi nhưng không hiểu sao, càng vào vòng trong thì học sinh của họ lại càng rơi rụng dần.  

* Vậy theo ông, các học sinh của ông thành công nhờ những yếu tố nào?

- Trước hết, đó là những học sinh rất tài năng, tiếp thu nhanh. Đây đều là những học trò đã theo học tôi lâu dài nên rất hiểu thẩm mỹ của thầy, hấp thu được những gì mình chia sẻ. Song, các học sinh này không theo học tôi trên lớp định kì mà học theo hình thức couching (thụ giáo).

* Những học sinh tài năng của Việt Nam đang theo học ông như Lưu Hồng Quang, Vincent Vũ hay Nguyễn Việt Trung có hy vọng đoạt giải Chopin?

- Đây là một câu chuyện dài! Như đã chia sẻ, thành công của mỗi cá nhân phải dựa trên nhiều yếu tố, ngoài tài năng còn chọn thầy hợp “gu”, chơi đúng tác giả, chọn đúng cuộc thi. Chưa kể ngay trong cuộc thi còn cần đến may mắn.

Song, nhìn chung giới trẻ chơi piano ở Việt Nam còn nhỏ lắm, chưa đông đảo. Và trong số các học sinh theo học tôi, cũng có em hợp với cuộc thi này, có em không. Và theo quan điểm của tôi thì không nhất thiết muốn giỏi là phải thi Chopin khi thế mạnh của mình có thể ở những tác giả khác. Còn nhìn chung, tôi biết các bạn ấy đều đang nhấp nhỏm trông chờ đến mùa Chopin tới.

* Trở lại với hai đêm diễn tại Hà Nội ngày 9, 10/3. Dường như mỗi cuộc trở về của ông, thường không chỉ có Chopin. Như lần này, ông chơi hẳn một đêm nhạc Pháp với Ravel và Fauré...

- Đúng vậy! Thực ra, lưu diễn trên thế giới tôi thường xuyên diễn Chopin nhưng về Việt Nam, tôi thực sự sợ bị mọi người gắn cái mác chỉ chơi Chopin nên phải đổi món thường xuyên.

NSND Đặng Thái Sơn: Người ta cứ tưởng mình mơ mộng…

NSND Đặng Thái Sơn: Người ta cứ tưởng mình mơ mộng…

NSND Đặng Thái Sơn “bật mí”, đây là cuộc phỏng vấn “độc nhất vô nhị” mà ông dành riêng cho TT&VH đầu năm mới.


Lần này, tôi chọn chủ đề tình yêu với cả hai đêm diễn. Trong đêm nhạc Pháp, đó là sẽ cuộc đối thoại đa chiều mà ở đó, khán giả có thể thấy được 2 bộ mặt của người nghệ sĩ: rất nhẹ nhàng nữ tính và rất đàn ông sôi nổi.

Với bản Ballade Op. 19, tôi chọn chơi độc tấu để tâm tình, thân mật, thủ thỉ. Đồng thời tăng sự tương phản khi phần sau, sẽ chơi Concerto viết cho tay trái (Ravel) lộng lẫy với dàn nhạc.

* Vậy còn với đêm Chopin, chơi lại tác phẩm đã đưa mình đến đỉnh vinh quang tại quê nhà sau 35 năm, hẳn là ông sẽ có nhiều xúc cảm?

- Với tôi, chơi lại bản Concerto số 2 cung Fa thứ cũng tại Nhà hát Lớn sau 35 năm với nhiều thăng trầm, chắc sẽ là một cảm giác bùi ngùi.

Ở góc cạnh khác, nay khi trình diễn lại tác phẩm tôi đã U60 rồi. Giờ, không khó để khán giả thấy tôi “lộ thân” hoàn toàn trong tác phẩm này, đặc biệt trong chương 2. Nhất là khi tôi chọn cách trình diễn “nude” với tác phẩm kiểu như không trang điểm, không quần áo. Vì vậy, tôi cũng mong rằng, dù không cần phải nói nhiều về mình thì mọi người cũng sẽ hiểu hết về tôi trong đêm diễn thứ hai này.

* Đại đa số khán giả mộ điệu âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam chỉ thích ông chơi Chopin. Vậy, con đường làm mới bản thân mình khi biểu diễn những tác phẩm của những nhà soạn nhạc khác ở Việt Nam với ông có khó không?

- Ở Việt Nam rất ít người trong giới chuyên nghiệp thấy được sự đổi mới của tôi ở những tác giả khác, vì tôi vẫn bị “gán mác” Chopin nhiều. Còn trên thế giới, mọi người đánh giá nhạc Pháp mà tôi chơi “đứng” song song, kề vai với nhạc Chopin và thậm chí có lúc nhỉnh hơn. Nên tôi chơi nhạc Pháp khá nhiều và tất nhiên, hy vọng ít nhất từ đêm diễn này, công chúng ở Việt Nam sẽ thấy một Đặng Thái Sơn “khác”.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›