(Thethaovanhoa.vn) – Khán giả, nhà báo Nguyễn Mai Hương từng là du học sinh tại nước Nga chia sẻ những nhận xét của mình về bộ phim đang được khán giả tranh luận: Tình khúc Bạch Dương.
- Tranh luận phim ‘Tình khúc Bạch Dương’: Nước Nga quá hiện đại so với những năm 1980?
- Xem ‘Tình khúc Bạch Dương’ tập 1: Hùng khắc khoải nhớ Quyên nơi đất khách quê người
- 'Tình khúc Bạch Dương' bom tấn mới trên VTV 2018
Ngay từ khi VTV1 phát sóng những tập đầu tiên của Tình khúc Bạch Dương, nhà báo Nguyễn Mai Hương đã chia sẻ những dòng trạng thái xúc động của mình trên trang cá nhân cùng những người bạn: “Tuổi trẻ của chúng mình một thuở này. Ôi, nhớ quá nước Nga ơi”.
Trò chuyện với PV báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), chị Mai Hương bày tỏ: “Xét ở khía cạnh những du học sinh từng học ở Liên Xô và Nga sau này thì bộ phim đã và đang khơi gợi lại một quãng đời tuổi trẻ, ai cũng thấy mình trong đó khi xem các phân cảnh ký túc xá, rồi cả chuyện sinh viên đi buôn...”.
Nước Nga đẹp say đắm trong trailer "Tình khúc Bạch Dương"
Tuy nhiên, theo chị Mai Hương, với những người đã học ở Liên Xô hay Nga thì vẫn thấy rõ những hạt sạn. Chị Mai Hương phân tích: “Tôi có thể lấy một vài ví dụ cụ thể, chẳng hạn như chọn bài hát thời thanh niên sôi nổi đầu phim ở tập 1 không hợp lý. Thứ hai, trang phục của các nhân vật trong phim không phù hợp: bà giáo Nga không mặc công sở kiểu thế, cách ăn mặc của Vân cũng không giống thời đó.
Hay cả việc nhân vật để tóc thẳng, chỉnh sửa lông mày, hồi đó làm tóc xoăn thì có chứ đã có kiểu tóc ép đâu. Nhưng tệ nhất là cảnh Vân ở bếp tập thể nấu ăn mà đi giày đen, tại vì chắc chắn sinh viên ra bếp chỉ loẹt quẹt dép lê.
Thứ ba là phát âm tiếng Nga trong phim rất tệ, chẳng hạn từ “Krasnodar” sai ngữ âm, đúng trọng âm phải là “Kras-na-dar”.
Thứ tư là chi tiết có một bạn nữ rất mê Hùng mà “tấn công” dồn dập ấy, tôi nghĩ hồi xưa bọn tôi không tự nhiên thế đâu, dù có tình cảm vẫn phải giấu kín. Tuy nhiên, chi tiết này thì có thể thông cảm, có thể hiểu là đạo diễn làm quá lên để tăng tính giải trí”.
Theo chị Mai Hương, có lẽ chỉ những người đã từng sống và học tập tại Nga mới nhận ra được sự khác biệt và biết phim còn những “hạt sạn”. Dù vậy, chị Mai Hương chia sẻ, xem hai tập đầu chị đã vô cùng xúc động: “Nhất là khi thấy phòng ký túc xá có cái giá sách treo tường hình chữ nhật màu vàng, cách kê giường y hệt hồi xưa - ngày trước giường của tôi cũng ở góc y như của cậu Hùng. Gặp phân cảnh ấy mà tôi… lặng người luôn”.
Chỉ ra một số “hạt sạn” trong phim Tình khúc Bạch Dương, nhưng sau cùng chị Mai Hương lại khẳng định: "Dù biết là có sạn nhưng chúng tôi vẫn thích mê bộ phim, bởi điều chúng tôi mong muốn là được xem lại một bộ phim chứa đựng tuổi trẻ của mình.
Với du học sinh học các thứ tiếng khác tôi không rõ nhưng những người học tiếng Nga như chúng tôi luôn tự coi nước Nga là quê hương thứ 2, và cứ cái gì liên quan tiếng Nga, con người Nga, văn hoá Nga, đất nước Nga là tim đều cùng một nhịp. Có thể khẳng định, dù thế nào bộ phim đã chạm vào trái tim mỗi du học sinh Nga theo từng cung bậc cảm xúc".
"Có lẽ tôi là người dễ tính chăng? Chúng tôi đều nghĩ là kệ sạn, miễn mình được nhìn lại, hồi tưởng lại thời xưa là quý giá lắm rồi. Đó là chưa kể, việc làm một bộ phim y hệt như xưa thì e khó lắm, gần 30 năm rồi, Việt Nam còn thay đổi dữ dội, huống chi Nga còn thay đổi nhiều hơn" - khán giả, nhà báo Nguyễn Mai Hương bày tỏ.
Tiểu Phong
Tags