Đờn ca tài tử 'trẩy về' Bạc Liêu

Thứ Năm, 24/04/2014 08:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần I - Bạc Liêu 2014 với chủ đề Tình người, tình đất phương Nam sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Bạc Liêu từ ngày 24 đến 29/4. Với 21 hoạt động lớn nhỏ diễn ra liên tục, đây là lễ hội có quy mô lớn bậc nhất từ trước đến nay của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung.

Nhiều tháng qua, chính quyền và người dân Bạc Liêu đã ra sức chuẩn bị cho Festival này nhằm tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử - vừa được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại vào cuối năm 2013 - mà Bạc Liêu là một trong những “cái nôi” hình thành và phát triển mạnh mẽ nhất đồng thời cũng tạo “cú hích” cho du lịch Bạc Liêu.

Những công trình in đậm dấu ấn đờn ca

Chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần I và chào mừng sự kiện Bạc Liêu được công nhận là thành phố loại II, nhiều công trình văn hóa quy mô lớn đã được gấp rút xây dựng từ cuối năm 2013.

Trong đó, nổi bật nhất là công trình Quảng trường Hùng Vương nằm tại trung tâm thành phố Bạc Liêu – nơi diễn ra lễ khai mạc (tối 25/4) và nhiều hoạt động của Festival Đờn ca tài tử. Công trình có diện tích trên 85000m2 với tổng kinh phí đầu tư là 160 tỷ đồng, bao gồm: 40000m2 mặt bằng sân quảng trường (dài 366m, rộng 111m) được lát đá tự nhiên; đài tưởng niệm liệt sĩ; sàn phun nước nghệ thuật; biểu tượng của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa là cư dân chủ thể vùng đất Bạc Liêu; biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình… Đặc biệt nhất là biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu: cây đờn kìm cách điệu - tổng chiều cao công trình là 18,6m với bệ đỡ là 5 cánh sen được đặt trên hồ nước hình ngôi sao 5 cánh.


Phối cảnh công trình Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu

Đồng thời, công trình Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu cũng thu hút nhiều sự chú ý với kiến trúc độc đáo hình 3 chiếc nón lá khổng lồ hướng mái vào nhau. Với tổng diện tích 2262 m2, chiều cao nón lớn nhất là 24,25m, đường kính nón lớn nhất là 45,15m, mái lợp composite màu nón lá…, công trình này hợp với Quảng trường Hùng Vương thành chỉnh thể công trình văn hóa hoành tráng bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cả “đờn kìm” và “nhà hát nón lá” này đều đã được công nhận kỷ lục quốc gia Việt Nam. Ngoài ra công trình Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu – vừa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - cũng được trùng tu tôn tạo, mở rộng và sẽ được khánh thành trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử (25/4).


Phác thảo biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu: cây đờn kìm cách điệu tại Quảng trường Hùng Vương

Hội tụ những nghệ nhân “có nghề nhất” của 21 tỉnh

Được đón đợi nhất có lẽ là hai chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc Festival Đờn ca tài tử.

 Được chủ trì bởi “ông vua lễ hội” Lê Quý Dương cùng sự cố vấn của những nghệ nhân am tường nghệ thuật đờn ca tài tử, chương trình hứa hẹn những màn trình diễn hoành tráng, đẹp mắt, hấp dẫn mà vẫn đậm chất tài tử.

 Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, chương trình sẽ tái hiện sinh động “dòng chảy” nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống người dân Nam Bộ từ xưa đến nay. Đồng thời khắc họa vẻ đẹp, sức sống của đất và người Bạc Liêu.

Điểm nhấn của Festival là Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc (25 - 29/4) và Không gian đờn ca tài tử (24/4) quy tụ sự tham gia 21 ban đờn ca tài tử đến từ 21 tỉnh thành chủ nhân của Di sản Đờn ca tài tử. Chuẩn bị cho Festival này, nhiều tỉnh không đưa những câu lạc bộ mạnh có sẵn mà tuyển chọn lại những cây đờn và giọng ca “có nghề” nhất đại diện tranh tài. Đêm chung kết cuối cùng của giải thưởng Trần Hữu Trang 2014 (26/4) cũng thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và công chúng.

Có thể kể thêm những chương trình tiêu biểu của Festival như: Đêm nghệ thuật tôn vinh hai soạn giả Yên Lang và Trọng Nguyễn (24/4) - hai người con đất Bạc Liêu đã có nhiều cống hiến cho sân khấu cải lương; Họp mặt doanh nhân và nghệ nhân, nghệ sĩ và ra mắt Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu (26/4); Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ (27/4)…

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›