Đạo diễn Pierre Morel kể chuyện "Cưỡng đoạt"

Thứ Năm, 05/03/2009 02:57 GMT+7

Google News
(TT&VH Online) - James Bond hay Jason Bourne đều là những chàng điệp viên quá nổi tiếng đến từ Hollywood. Giờ đây điện ảnh Pháp lại trình làng thêm một chàng điệp viên vần “B” nữa – Bryan Mills.
 
Nhưng Bryan Mills không phải là Bond hay Bourne. Bryan chỉ đơn giản là một chàng điệp viên đã hết thời, đã giải nghệ và bất đắc dĩ phải ra tay khi con gái của mình bị bắt cóc giữa lòng Paris tráng lệ.

Vốn từng là một điệp viên mật, thời gian đi làm nhiệm vụ đã khiến Bryan Mills không thể ở bên cạnh cô con gái Kim. Vợ anh không thể chịu nổi cảnh cứ phải ngồi chờ chồng đằng đẵng nên đã quyết định ly hôn với anh và tìm đến bến đỗ mới. Giờ đây, khi đã giải nghệ, Bryan muốn bù đắp lại quá khứ cho Kim. Khi Kim tiết lộ ý định muốn tới Paris với cô bạn Amanda, Bryan Mills đã lo ngại những điều xấu xảy tới với con gái mình. Và linh tính của một cựu mật vụ quả không sai! Chỉ vừa mới bước chân xuống tới Paris thôi, cả Kim lẫn Amanda đã bị băng đảng buôn người tới từ Albani bắt cóc.

Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn, nhờ những kỹ năng trui rèn từ suốt cả một sự nghiệp lẫy lừng, Bryan Mills quyết tâm tìm ra con gái mình trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Như các chuyên gia phân tích thì Bryan chỉ có đúng vỏn vẹn 96 tiếng đồng hồ. Và một cuộc săn đuổi kịch tính tới nghẹt thở đã vừa mới bắt đầu!
 
Dưới đây là một cuộc trò chuyện với Pierre Morel - đạo diễn của Taken (Cưỡng đoạt) về bộ phim và những diễn viên tham gia.

* Trước khi bấm máy Taken, anh đã rút ra được những bài học gì từ tác phẩm đầu tay của mình là Banlieue 13?

Nếu có một điểm chung của hai bộ phim vốn được thực hiện theo hai hướng hoàn toàn khác nhau này, thì đó chính là nhịp điệu của những pha hành động. Banlieue 13 hoàn toàn dựa trên những pha hành động nên chúng phải cực kỳ hiệu quả và chính xác. Ngay cả khi lối dẫn truyện của Taken đòi hỏi cần phải có nhiều cảm xúc và nhạy cảm hơn, thì các pha hành động vẫn cần thiết phải có một độ chính xác càng cao càng tốt, để người xem phải cảm thấy nín thở cùng với cuộc săn đuổi của Bryan.

* Có cảm giác như Taken không ngừng “đùa giỡn” với các quy tắc của những bộ phim hành động cùng thể loại, khởi điểm từ nhân vật chính. Bryan giống như một người đã hết thời hơn là một người hùng kiểu James Bond.

Chắc hẳn rồi! Điều thú vị về nhân vật Bryan là anh ta là một người đàn ông rất dễ đổ vỡ. Bất chấp việc có quá khứ là một điệp viên mật vụ - điều sẽ được tiết lộ ở gần cuối của bộ phim – thì Bryan không biết cách tỏ ra làm một người cha là như thế nào, và điểm thiếu sót đó là cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển của bộ phim. Bryan có vẻ như lạc nhịp nhưng khi anh ta đã vào phom, anh ta trở thành một cỗ máy chiến đấu. Nhưng anh ta không bao giờ là một James Bond hết. Anh ta chiến đấu với tất cả năng lực của một người đàn ông ở độ tuổi đó.

* Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với các cảnh hành động?

Liam Neeson đã phải tập luyện và diễn tập rất nhiều, bởi tôi muốn Liam thực hiện các cảnh quay mà không cần tới người đóng thế càng nhiều càng tốt. Dĩ nhiên tôi không bắt anh ta phải nhảy từ trên cầu xuống hay phi thẳng mình vào những chiếc ô tô. Nhưng Liam đã tự mình thực hiện tất cả những cảnh chiến đấu sau nhiều giờ tập luyện đều đặn. Mọi chuyện kể ra cũng khá khắt khe đối với Liam bởi tôi không muốn tăng tốc độ hành động lên quá cao trên những khung hình. Liam thực sự đã học được cách chiến đấu một cách mạnh mẽ.

* Người xem cảm nhận được sự thay đổi trong tâm trí Bryan trong trường cảnh tra tấn vô cùng đáng sợ. Anh muốn đẩy cảnh này đi tới đâu?

Nhìn bề ngoài, đoạn này thực sự vô cùng bạo lực, nhưng nó đến vào một thời điểm rất cụ thể của bộ phim, sau khi Bryan khám phá ra bạn thân của con gái mình chết vì sốc ma túy. Điều đó làm anh ta thay đổi hoàn toàn. Bóng tối đã phủ kín anh ta, bản năng của một người cha đã quét sạch mọi sự suy xét hay kiềm chế. Thế nên tôi muốn trường cảnh đó phải thực sự gây sốc.

* Vụ bắt cóc mà Bryan biết được qua cuộc điện thoại với con gái là khởi điểm cho mọi cao trào hành động sau đó. Anh đã chuẩn bị cho cảnh đó như thế nào vậy?

Chúng tôi bắt đầu quay cảnh Liam Neeson nhận được cú điện thoại tại Los Angeles, bắt anh ấy phải tưởng tượng rằng Kim thực sự đang ở đầu dây bên kia. Maggie Grace sau đó đã tới trường quay và thực hiện thu âm mọi lời thoại cũng như tiếng thét lúc cô ấy bị bắt cóc. Maggie đứng ngay cạnh camera và điều đó giúp cho Liam có thể phản ứng một cách vô cùng tự nhiên. Cảnh quay rất thú vị. Nhờ đó mà lúc ở Paris, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi có thể thoải mái thay đổi chuyển động của các nhân vật trong trường đoạn bắt cóc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải lột tả được tâm lý tình cảm của Liam trong cảnh quay đó. Và Liam đã làm được chỉ sau hai đúp quay mà thôi.

* Liam Neeson thường được người ta nhắc tới với sự tận tụy và khả năng tập trung cao độ. Anh có thấy như vậy không?

Liam hoàn toàn tập trung trong từng cảnh quay. Anh ta không hề để bị phân tâm bởi bất cứ những xáo động gì xung quanh trường quay cả. Chúng tôi không thể tưởng tượng ra được một ai khác bên cạnh Liam có thể vào vai Bryan Mills. Anh ấy hợp với vai diễn tới mức hoàn hảo, với một vẻ bề ngoài khổng lồ - cao tới 1m95 – cùng sự nhạy cảm vô cùng tự nhiên. Khi bạn nhìn Liam, trước mắt bạn không phải là một cỗ máy chiến đấu, mà bạn sẽ cảm nhận thấy rất nhiều khả năng ở dưới vẻ bề ngoài đó.

* Kinh nghiệm từ các series phim truyền hình của Maggie Grace có được cô thể hiện trên trường quay hay không?

Maggie chuyên nghiệp một cách lạ thường. Hẳn là cô ấy từng phải làm việc với một cường độ cao và dầy đặc. Tất cả những gì xoay quanh việc diễn xuất hay mọi chuyện xảy ra trên trường quay cô ấy đều biết cả. Thật không ngoa khi nói cô ấy là một diễn viên dày dạn kinh nghiệm.

* Còn kinh nghiệm làm quay phim của anh có bộc lộ khi anh đang thực hiện bộ phim không?

Có lẽ nên hỏi Michel Abramowicz, đạo diễn hình ảnh của Taken! Dĩ nhiên là cũng có chút ảnh hưởng. Đôi lúc tôi vẫn điều chỉnh camera một chút khi đang đạo diễn. Tuy nhiên tôi đặt trọn niềm tin vào Michel và khối kinh nghiệm khổng lồ của anh ấy. Tôi cùng Michel thường thảo luận rất lâu về những điều mà tôi muốn đạt được trong từng cảnh quay.

* Chẳng hạn như?

Tôi không thích một phiên bản Paris sành điệu hay lộng lẫy. Tôi muốn có một Paris chân thực. Ý tưởng của tôi là phải càng chân thực càng tốt, để có thể bao quát được cái tối tăm của Paris.

* Có lẽ các cảnh quay ban đêm không hề dễ dàng một chút nào?

Thật phức tạp để có thể làm bộ phim được sáng hơn một cách không phô trương. Trong rất nhiều cảnh quay ban đêm, chúng tôi đã phải dùng máy quay kỹ thuật số, khiến cho cảnh quay trở nên nhạy cảm hơn, nhưng không phải lúc nào cũng làm được như vậy. Trường đoạn rượt bắt tại công trường xây dựng được quay bằng máy 35mm bởi máy quay kĩ thuật số không phù hợp với những nơi mấp mô như vậy. Chúng tôi cứ như thể đang nhảy tưng tưng khi quay đoạn đó vậy.

* Điều khó khăn nhất trong cảnh quay cuối cùng trên thuyền là gì vậy?

Cuộc đụng độ cuối cùng phải mất rất nhiều đúp quay bởi mọi thứ cần phải chính xác tuyệt đối cũng như sự an toàn luôn phải được đặt lên trên hết. Chẳng hạn như có nhiều cảnh đòi hỏi dao phải đưa thật nhanh – vô cùng nguy hiểm cho dù những con dao không phải là sắc lắm. Chúng tôi đã phải quay thử rất nhiều.
 
T.S (Theo Megastar)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›