* Chị giải thích thế nào về sự im lặng suốt thời gian qua?
- Tôi vẫn ra CD, biểu diễn ở một số phòng trà, đi châu Âu... Nhưng tôi vốn không thích những gì ồn ào...
* Sự im lặng này có liên quan gì tới “cuộc chia tay trong âm nhạc” với nhạc sĩ Lê Minh Sơn?
- Tôi vẫn luôn kết hợp với Sơn trong công việc. Thời gian qua, ra nhiều CD, nên đến giờ tôi muốn dừng lại để tìm cái gì đó mới hơn. Tìm một ê-kíp rất khó. Thật ra, Sơn có nhiều chương trình làm việc, nhiều ca sĩ để hợp tác chứ không phải chỉ một mình tôi... Vì thế tôi tạm tìm một hướng mới.
- Mới nhất sẽ là ê-kíp thực hiện album Hương xưa song ca với Tùng Dương, qua phần phối khí của Trần Mạnh Hùng. Hương xưa kết hợp tác phẩm của các nhạc sĩ Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn - Từ Linh... Chúng tôi sẽ chọn những ca khúc phù hợp với chất giọng. Dự kiến, cuối năm nay, album này sẽ ra mắt. Tôi cũng tin, album sẽ để lại dấu ấn.
* Tùng Dương từng nói rằng, thần tượng của cậu ấy là chị. Chị tìm được điểm gì tương đồng trong giọng hát của Tùng Dương?
- Tôi và Tùng Dương có thẩm mỹ âm nhạc tương đồng. Kích ứng sân khấu rất mạnh. Trong đĩa song ca này, tôi kỳ vọng hai người dung hòa trong những bài hát xưa đã sâu đậm trong lòng công chúng. Hy vọng với kỹ nghệ nghề nghiệp, album sẽ để dấu ấn.
* Như vậy, trong năm nay chị sẽ không có đĩa riêng? Sở dĩ tôi hỏi vậy bởi vì dường như đến giờ, người ta vẫn kỳ vọng ở diva đàn chị Thanh Lam những sản phẩm âm nhạc thực sự chuyên nghiệp, đánh dấu mốc về mặt nghề nghiệp?
- Trước Hương xưa sẽ là một CD sắp ra mắt do Đàm Vĩnh Hưng chọn bài. Đó là những bài nổi tiếng ở dòng nhạc thị trường. Dự án này, tôi hoàn toàn bị động theo yêu cầu của nhà sản xuất. Tôi cũng chưa biết số phận CD này sẽ thế nào.
Tôi biết, sự kỳ vọng của mọi người dành cho tôi cũng chính là một thách thức. Người ta luôn đặt tôi vào cột mốc phải vượt qua. Mà người ta cũng luôn nói tôi tiên phong, nhưng người tiên phong luôn phải “hứng đạn”. Quả thật, thời gian gần đây, tôi chưa có gì đột phá. Để có một sự đột phá không hề dễ vì có bột mới gột nên hồ, và phải có một ê-kíp chuyên nghiệp. Với một nghệ sĩ như tôi, để lại một khoảng trống không phải là chịu thua, mà phải tìm ra một cái gì đó. Sản phẩm mình đưa ra mà không tới, có khi sẽ làm hỏng những gì mình đã gây dựng.
* Và chị có bị áp lực vì điều đó?
- Càng ở trên cao thì gió càng mạnh. Nhiều lúc, tôi ngột ngạt bởi áp lực, nhưng chính hoàn cảnh đó lại khiến tôi phải vượt qua. Tôi vẫn nói với con tôi rằng, khi bị dồn vào chân tường, một là mình chịu thua, hai là mình phải phát tiết điều gì thật hay.
* Chị đã từng phải “hứng đạn”?
- Đó là năm tôi thi nhạc nhẹ lần đầu tiên. Nhạc nhẹ lúc đó ở ta còn rất mới. Tôi lại hát theo một phong cách hoàn toàn mới nên bị... lạc đề và bị loại ra luôn. Lần đó là khoảng năm 1986. Bây giờ dòng nhạc đó lại rất thịnh hành. Người ta nói rằng, người thông minh chỉ trước người khác một nhịp chân, nhưng khi bạn mình mới đi đến đây, mà mình đã đi đến tận kia thì tất nhiên, sự thâm nhập sẽ rất khó. Theo kinh nghiệm làm nghề - tôi hát từ lúc 9 tuổi đến giờ - tôi đã nhận ra điều đó. Mình đi xa quá thì cũng khó đến được với công chúng.
* Thời gian gần đây, hình như Thanh Lam cũng đang Nam tiến như nhiều ca sĩ trẻ khác?
- Khán giả có nhiệt huyết nhất vẫn là ở TP.HCM. Theo tôi, có lẽ nên xem lại gu thưởng thức của một bộ phận khán giả trẻ miền Bắc. Nhiều phòng trà ở Sài Gòn mời ca sĩ miền Bắc vào hát, phải chi trả rất nhiều, trong khi đó, một số tụ điểm ca nhạc ở Hà Nội toàn mời ca sĩ thị trường ra. Gu thưởng thức âm nhạc giống như món ăn, có người thích món này, món kia. Còn truyền thông gần đây chạy theo việc lăng-xê những ngôi sao ảo. Sẽ có tác hại rất lớn với lớp trẻ... Tôi được con bật cho nghe ca khúc của cô người mẫu hát, thấy khủng khiếp quá.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.