(Thethaovanhoa.vn) - Bụi đời Chợ Lớn từ khi khởi quay đã gây chú ý, nên thông tin phim chưa được cấp phép phổ biến và phải dời ngày phát hành càng thu hút dư luận. Những ngày qua có rất nhiều thông tin xung quanh vụ việc này. Và tới chiều qua (11/3), Cục Điện ảnh đã có thông tin chính thức xung quanh những ồn ào về bộ phim Bụi đời Chợ Lớn.
Trước đó những thông tin nam diễn viên Johnny Trí Nguyễn viết trên mạng xã hội đã tạo nên một diễn đàn thảo luận sôi nổi. Trong đó chủ yếu là ý kiến ủng hộ Bụi đời Chợ Lớn, và phản đối “cây kéo kiểm duyệt” của Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện.Bụi đời Chợ Lớn vi phạm Luật Điện ảnh
Tuy nhiên qua những thông tin phía Cục Điện ảnh cung cấp cho báo chí chiều qua, có thể thấy Bụi đời Chợ Lớn đã mắc nhiều sai phạm.
Bụi đời Chợ Lớn là sản phẩm hợp tác của Công ty TNHH Chánh Phương và Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân. Sau khi xem xét hồ sơ của bộ phim này và kiểm định kịch bản, Cục Điện ảnh đã yêu cầu hãng phim “sửa chữa kịch bản, tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm; loại bỏ một số lời thoại thô tục hoặc có tính chất kích động bạo lực để tránh vi phạm Luật Điện ảnh”.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan tại buổi họp báo |
Ngày 19/3 Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện đã thẩm định phim theo đề nghị của nhà sản xuất Bụi đời Chợ Lớn. Sau khi xem Hội đồng khẳng định “bộ phim có nhiều cảnh băng nhóm xã hội đen gồm hàng trăm người “dàn trận” ngang nhiên chém giết… mà không hề có sự can thiệp của chính quyền, người dân hay bất kỳ lực lượng xã hội nào. Hội đồng đánh giá những hình ảnh này không phản ánh trung thực hiện thực xã hội Việt Nam nói chung, hiện thực của khu Chợ Lớn (TP.HCM) nói riêng”. Cộng với những hình ảnh, âm thanh gây kích động bạo lực đối với người xem, bộ phim đã vi phạm những điều cấm trong Luật Điện ảnh.
Ngoài sai phạm nói trên Bụi đời Chợ Lớn còn vi phạm Luật Quảng cáo và Luật Điện ảnh vì công bố ngày phát hành (19/4/2013) trước khi phim được cấp phép phổ biến.
Ngày 10/4 vừa qua, Công ty TNHH Chánh Phương và Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân đã gửi công văn cho Cục Điện ảnh với nội dung cầu thị, tiếp thu, giải trình, nhận sai sót vì không chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất và quảng bá. Hiện các công ty này đang tích cực lên phương án sửa chữa bộ phim.
Phim Bụi đời Chợ Lớn |
“Cứu” Bụi đời Chợ Lớn Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện gồm 9 người. Trong đó có 4 người đồng ý cho Bụi đời Chợ Lớn có cơ hội sửa chữa, 4 ý kiến yêu cầu cấm phát hành (1 người vắng mặt). Sau khi nghiên cứu Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đã quyết định chỉ tạm ngừng cấp phép và cho nhà sản xuất cơ hội sửa chữa phim. |
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định phim truyện khẳng định Hội đồng đang giải quyết đúng trình tự, có lý, có tình với Bụi đời Chợ Lớn.
“Chúng tôi rất ưu ái phim Việt, nếu cần chỉnh sửa để cứu một bộ phim thì Hội đồng rất chân thành góp ý. Công việc của Hội đồng là duyệt những phim thành phẩm. Nhưng trên thực tế có nhiều nhà sản xuất chỉ đem bản phim “bán thành phẩm” tới cho chúng tôi duyệt, có bản phim chưa kịp hòa âm, chưa có thoại, nhạc... Chủ tịch Hội đồng cũng buồn rầu lắm, nhưng chúng tôi biết làm một bộ phim ở Việt Nam khó khăn vô cùng. Nếu làm xong xuôi rồi, đến khi có gì cần sửa chữa thì sẽ rất tốn kém nên đều châm chước cho các nhà sản xuất. Phải nói là Hội đồng rất yêu quý trân trọng các nhà làm phim và càng trân trọng hơn các nghệ sĩ Việt kiều về nước làm nhiều phim hay” - bà Ngát nói.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết trong vụ việc lần này Cục Điện ảnh đã làm mọi cách để giúp đỡ cơ sở sản xuất khắc phục hậu quả. Nhưng bà cũng nhắc nhở các hãng phim cần nắm chắc các thủ tục và hiểu Luật Điện ảnh mà Cục đã nhiều lần phổ biến. Những trường hợp bị cắt gọt như Bi! Đừng sợ, Hotboy nổi loạn là vì có nhiều cảnh quay vi phạm Luật Điện ảnh. Hay như Bẫy cấp 3 bị cấm chiếu vì đơn vị sản xuất đã lờ đi những quy định của luật pháp.
Việt Nam có thực hiện phân loại phim? Trước câu hỏi Việt Nam có nên lập hệ thống phân loại phim như nước ngoài, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan trả lời: “Hệ thống phân loại phim ở các nước rất khác nhau, chúng ta không thể bê nguyên xi cách phân loại của nước ngoài. Điện ảnh Việt Nam hiện đang áp dụng duyệt phim theo đúng Luật Điện ảnh và quy định của Nghị định 54, đồng thời trong kiểm duyệt đó có phân loại khán giả trên và dưới 16 tuổi. Còn xây dựng hệ thông phân loại phim chi tiết hơn cần có thời gian lấy ý kiến của các cơ quan tổ chức liên quan, giới làm nghề, và xã hội. Cục cũng cần thời gian lập kế hoạch soạn thảo Luật sửa đổi Luật Điện ảnh và trình Quốc hội. Còn khi chưa có hệ thống phân loại mới thì phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. |
Linh Lan
Thể thao & Văn hóa