(Thethaovanhoa.vn) - 2017 được coi là một năm thành công của dòng phim hoạt hình khi có rất nhiều bộ phim hay ra mắt trước công chúng như Despicable Me 3, Coco, Loving Vincent...
- 25 năm ra mắt phim hoạt hình 'X-Men': Siêu phẩm suýt bị công ty lương thực Australia 'nuốt chửng'
- ĐỒ HỌA: Những phim hoạt hình được đề cử giải Oscar
- VIDEO: Phim hoạt hình đầu tiên sản xuất bằng 100% tranh sơn dầu của Van Gogh
Cùng điểm qua 10 bộ phim hoạt hình nổi bật trong năm 2017:
Despicable Me 3 (Kẻ cắp mặt trăng 3)
Kẻ cắp mặt trăng 3 là bộ phim hoạt hình 3D của Mỹ. Các phần trước của phim đã ra mắt và gây bão lớn tại nhiều nước trong đó có Việt Nam. Kẻ cắp mặt trăng 3 xoay quanh Gru – một tiến sĩ làm việc cho chính phủ để đối đầu với những kẻ xấu trên toàn thế giới, trong đó có Balthazar Bratt – một kẻ nguy hiểm, gây đảo lộn thế giới.
Trong phần 3, Gru đã hoàn lương và cùng người vợ Lucy làm việc cho Liên minh Chống Ác nhân (AVL). Sau thất bại trong việc bắt tên trộm Balthazar Bratt, đôi vợ chồng bị tổ chức sa thải, gặp khó khăn trong việc chăm sóc ba cô con gái nuôi. Tên trộm phải hợp tác với Dru - người em song sinh thất lạc nhiều năm qua - để thực hiện một phi vụ cuối cùng.
Phim đạt doanh thu khổng lồ 1,03 tỷ USD toàn cầu, tạm xếp thứ ba trong năm 2017, chỉ sau Beauty and the Beast và The Fate of the Furious. Tác phẩm có nét hoạt họa sinh động và duy trì chất hài hước vốn có từ hai phần trước.
Ra mắt vào tháng 11, phim hoạt hình mới của xưởng Pixar (thuộc Disney) là một trong những tác phẩm được khen ngợi nhất năm. Câu chuyện xoay quanh một cậu bé người Mexico yêu âm nhạc dù bị gia đình cấm đoán. Do lấy trộm một cây đàn, cậu bị đưa đến thế giới người chết và dần phát hiện những bí mật gia đình. Coco ca ngợi tình cảm gia đình, nêu bật cảm xúc chân thành của tình phụ tử, mẫu tử. Nhiều khán giả ở Việt Nam và trên thế giới cho biết đã khóc khi xem bộ phim này.
Coco được các nhà phê bình ngợi khen với 96% đánh giá tích cực trên chuyên trang Rotten Tomatoes, đồng thời được dự đoán là ứng viên hàng đầu giải Oscar "Phim hoạt hình xuất sắc" năm 2018. Tác phẩm cũng đứng đầu phòng vé Mỹ và Trung Quốc hai tuần liên tiếp. Ở thị trường tỷ dân, doanh thu tuần hai của phim thậm chí cao hơn tuần đầu bởi khán giả đổ xô đi xem do hiệu ứng truyền miệng tích cực.
Phim hoạt hình Nhật do Hiromasa Yonebayashi thực hiện được một số chuyên gia xem là đối thủ của Coco trên đường đua Oscar. Yonebayashi là đạo diễn hoạt hình sáng giá, xuất thân từ xưởng Ghibli lừng danh của Nhật. Anh từng làm When Marnie Was There - tác phẩm được đề cử Oscar "Phim hoạt hình xuất sắc" năm 2015.
Mary and the Witch’s Flower dựa trên cuốn sách The Little Broomstick của Mary Stewart, kể về một cô gái trẻ tìm được một bông hoa bí ẩn, trao cho cô quyền năng của phù thủy trong một đêm. Cây bút Ray Greene của The Wrap khen ngợi cách dẫn chuyện và các bài học của phim, còn Justin Chang của Los Angeles Times nói tác phẩm như có một dòng chảy tự do, vô hạn của phép màu.
Loving Vincent xoay quanh những ngày cuối đời của Van Gogh, gây chú ý bởi lối thể hiện kỳ công để tôn vinh danh họa Hà Lan. Tác phẩm do Dorota Kobiela và Hugh Welchman viết kịch bản và đạo diễn, là phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới làm hoàn toàn từ tranh sơn dầu. Phim sử dụng 65.000 bức tranh trên vải để tạo nên chuyển động trong phim với tốc độ xuất hiện là 12 bức mỗi giây.
Đầu tiên, các cảnh được quay bằng người thật sau đó 125 họa sĩ khắp thế giới vẽ lại từng khung hình bằng sơn dầu. Thành quả cuối cùng là sự kết hợp giữa diễn xuất của các diễn viên và sự thể hiện của các họa sĩ. Câu chuyện trong phim mang màu sắc trinh thám về cái chết bí ẩn của Van Gogh, đồng thời khéo léo đan cài các triết lý nghệ thuật của ông. Khi chiếu ở Việt Nam, phim thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng yêu phim ảnh và hội họa.
Tác phẩm của hãng Cartoon Saloon gây chú ý vì đi ngược lại phong cách vui nhộn, rực rỡ quen thuộc của phim hoạt hình. Thay vào đó, đạo diễn Nora Twomey kể một câu chuyện nhiều chất hiện thực xã hội, lấy bối cảnh một vùng ở Afghanistan bị quân Taliban chiếm đóng. Nhân vật chính của phim là Parvana - một cô gái có cha bị bắt oan. Cô bé phải cải trang thành con trai để làm việc giúp đỡ gia đình. Siêu sao Angelina Jolie là một trong những giám đốc điều hành của dự án.
The Breadwinner ra mắt ở Liên hoan phim Toronto (Canada) hồi tháng 9 và nhận nhiều đánh giá tích cực. Phim nhận 92% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes và trở thành đối thủ đáng gờm ở hạng mục Oscar "Phim hoạt hình xuất sắc" năm 2018. Trước mắt, tác phẩm sẽ so kè với Coco, Loving Vincent... ở giải Critics' Choice Award.
The Boss Baby (Nhóc Trùm)
Nhóc Trùm xoay quanh câu chuyện về Tim, một cậu nhóc 7 tuổi được bố mẹ yêu thương, chiều chuộng. Tuy nhiên, cuộc sống của cậu đã đảo lộn khi có một cậu em trai xuất hiện trong nhà. Mọi tình yêu thương của bố mẹ dành cho Tim giờ đây đã bị san sẻ, không chỉ có vậy Tim còn phát hiện em mình thật ra có đầu óc của một người trưởng thành, là thành viên của một tổ chức bí mật được phái đến.
Với tạo hình em bé cực đáng yêu, lém lỉnh trong bộ đồ vest chỉn chu xuất hiện cùng hàng loạt các tình huống chơi khăm anh trai mình, nhóc trùm đã chiếm trọn trái tim người xem. Bên cạnh đó, yếu tố hài hước, đánh trúng tâm lý đối tượng khán giả nhí khiến phim ăn khách ở nhiều thị trường. Điều này đã bộ phim hoạt hình của hãng Dreamworks lập cú hit phòng vé hồi tháng 3 với doanh thu gần 500 triệu USD toàn cầu.
Năm 2014, phim hoạt hình The Lego movie phát hành và thu được doanh thu lớn trên toàn thế giới, từ thành công đó mà nhà sản xuất quyết định phát hành phần mới mang tên The Lego Batman movie. Nội dung phần này là câu chuyện kể về siêu anh hùng Batman vụng về và ngộ nghĩnh đang đi tìm lại bản thân, tìm hiểu tầm quan trọng của tinh thần tập thể và tình bạn trong sứ mệnh cứu thành phố Gotham thoát khỏi kẻ thù truyền kiếp - The Joker.
The LEGO Batman Movie được khen ngợi bởi chất vui nhộn, không ngại giễu cợt những chi tiết trong truyện tranh, đồng thời khắc họa mối ân oán hàng chục năm trong truyện tranh giữa Batman và Joker theo hướng trào phúng. Phim cũng được rất nhiều nhà phê bình phim khen ngợi và đã thu về 311 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí sản xuất 80 triệu USD.
Tác phẩm được xem là lời giã biệt của xưởng Pixar dành cho thế giới xe hơi mà họ tạo dựng từ giữa thập niên 2000. Khắc phục lỗi phát triển sai hướng khi đan cài các yếu tố của dòng phim điệp viên trong Car2, phần ba được các nhà phê bình đánh giá có chất lượng vượt trội hơn phần trước. Cars 3 quay lại với các giá trị nguyên bản của phần đầu là tình đồng đội, nỗ lực vượt qua các giới hạn của bản thân.
Câu chuyện xoay quanh tay đua McQueen những ngày cuối sự nghiệp. Anh bị các lính mới cạnh tranh dữ dội, gặp tai nạn nghiêm trọng và bị xem là hết thời. Cùng với huấn luyện viên mới Cruz, McQueen phải chiến đấu để khẳng định tên tuổi mình một lần cuối. Cars 3 ăn khách với 383 triệu USD toàn cầu.
Dự án được xây dựng dựa trên câu chuyện thiếu nhi The Story of Ferdinand của Munro Leaf và Robert Lawson. Nhân vật chính trong phim là một chú bò vạm vỡ có tên Fedinand, không thích những trò thi đấu đẫm máu mà lành tính, trẻ con. Một ngày nọ, Ferdinand bị bọn xấu bắt cóc. Cậu phải phối hợp cùng các con thú khác để tìm đường thoát về với cô chủ.
Phim gây chú ý khi mời võ sĩ đấu vật John Cena lồng tiếng cho vai chính. Ra mắt dịp cuối năm, Ferdinand nhận nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình. Peter Debruge của Variety nhận xét rằng phim hài hước bất ngờ, dễ thương và trung thành với nguyên tác. Alonso Duralde khen phim có chất hài bằng hình thể và ngôn từ, cùng nhịp điệu ổn định.
Captain Underpants: The First Epic Movie (Siêu nhân quần chíp)
Tác phẩm của hãng Dreamworks được xây dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Dav Pilkey. Cuốn sách này không được biết đến nhiều ở Việt Nam, nhưng là hiện tượng xuất bản ở Mỹ với hơn 50 triệu bản. Cốt truyện phim hoạt hình xoay quanh việc hai cậu học sinh tiểu học ưa chơi khăm thôi miên thầy hiệu trưởng Krupp, khiến ông nghĩ mình là Captain Underpants - một siêu anh hùng chỉ mặc quần lót chiến đấu với kẻ xấu. 86% đánh giá về phim trên Rotten Tomatoes là tích cực, chủ yếu khen ngợi nét hoạt họa và hài hước của tác phẩm.
Nhật Vi (tổng hợp)
Tags