Làm thế nào để phát triển công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam là câu hỏi được thảo luận tại cuộc hội thảo quốc tế do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng Unesco tại Việt Nam tổ chức chiều qua (14/3) ở Hà Nội.
Hội thảo "Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á" do TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - chủ trì được chia làm 3 phiên thảo luận theo các chủ đề: "Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim", "Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim" và "Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia".
TS. Ngô Phương Lan cho rằng, điện ảnh Việt Nam là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử từ đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đến thống nhất và tái thiết đất nước, rồi bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập. Trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Đề cập đến Luật Điện ảnh mới được Quốc hội thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh, Luật Điện ảnh mới đã tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật Điện ảnh xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.
Khung pháp lý đã có nhưng để hiện thực hóa, đưa luật vào đời sống cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp của Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của các nhà làm phim; thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh; khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dần lớn mạnh. Bởi vậy, theo TS. Ngô Phương Lan, việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam cùng với các chuyên gia từ những nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ (như Anh, Đan Mạch) và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á (như Thái Lan, Indonesia) là rất bổ ích và thiết thực.
Trong phiên thảo luận quanh chủ đề về "Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim", đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ quan điểm: Ở khâu sản xuất, ngoài đầu tư tiền thì nhà nước nên quan tâm đến khâu kịch bản và ekip sản xuất. Phải chặt chẽ từ khâu kịch bản cũng như giao đúng người đúng việc thì mới có phim hay. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, nhà nước nên quan tâm đến khâu phát hành, để những phim hay, có giá trị nghệ thuật đến được với đông đảo dân chúng.
"Tôi ví dụ trên thế giới có nhiều rạp chỉ chuyên chiếu phim nghệ thuật và lỗ, nhà nước sẽ bù cho phần đó, để phim có giá trị đến với đông đảo người xem" - ông nói thêm.
Trong khi đó, bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục điện ảnh cũng chia sẻ về Luật Điện ảnh sửa đổi đã có nhiều thay đổi, ví dụ như cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội cũng có tác động lớn tới sự phát triển của điện ảnh.
Ông Jacob Neiiendam - Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch, diễn giả tham gia phiên thảo luận - cung cấp cho khách mời tại Hội thảo một cái nhìn khá rõ nét từ Đan Mạch với sự hỗ trợ từ chính phủ.
Ông cho biết: Để phát triển điện ảnh, Chính phủ Đan Mạch đã xây dựng lại luật từ năm 1972 và cấp tiền để phát triển điện ảnh với nhiều hạng mục phân bổ từ viện phim, trường học đào tạo, hoạt động xúc tiến, triển lãm, liên hoan phim… Ông cũng cho rằng, nhà nước nên tài trợ 1 phần thôi, để phim đó phục vụ được nhiều đối tượng. Ngoài ra, hãy cho nhà làm phim được sáng tạo và hợp tác, cùng sản xuất với người khác, điều này không chỉ tốt cho nhà nước mà còn cả những người làm phim.
"Hỗ trợ không chỉ là việc cấp tiền mà phải tạo ra hệ thống mạng lưới phát hành, giúp cho bộ phim hay nền điện ảnh đó phát triển. Phải có chiến lược maketing, tiếp cận thế giới. Điện ảnh cần được nuôi dưỡng và phát triển chứ không phải chỉ chi tiền là xong", ông nói thêm.
Cuộc trao đổi giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc nhiều thế hệ của điện ảnh Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp góp tiếng nói phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam.