Ngày 14/9, hai nhà khoa học Nhật Bản đã giành giải Ig Nobel Dinh dưỡng nhờ nghiên cứu về cách dòng điện trong các đồ dùng như ống hút có thể thay đổi nhận thức về vị giác như thế nào.
Ig Nobel là một giải thưởng châm biếm được tạp chí khoa học Annals of Improbable Research của Mỹ trao thường niên kể từ năm 1991 để "tôn vinh" 10 thành tựu bất thường hoặc tầm thường trong nghiên cứu khoa học.
Đây là năm thứ 17 liên tiếp công dân Nhật Bản giành được giải thưởng này.
Ban tổ chức giải thưởng cho biết Giáo sư Homei Miyashita, 47 tuổi, thuộc Đại học Meiji và Phó Giáo sư Hiromi Nakamura, 37 tuổi, thuộc Đại học Tokyo, là hai chủ nhân của giải thưởng này.
Hãng tin Kyodo dẫn bức thư điện tử của ông Miyashita gửi trước buổi lễ cho biết nghiên cứu trên được xuất bản vào năm 2011 và kể từ đó nhiều tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực này, bao gồm cả việc phát triển các dụng cụ có thể giúp mọi người nếm muối trong thực phẩm với sự hỗ trợ của điện ngay cả khi nguồn điện thấp.
Về phần mình, ông Nakamura cũng chia sẻ rất vui mừng vì nghiên cứu đánh dấu sự khởi đầu công cuộc nghiên cứu của ông về mối liên quan giữa vị giác và điện.
Trong bài báo đồng tác giả có tiêu đề "Tăng cường vị giác bằng cách sử dụng điện", các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cách con người có thể tăng cường vị giác nhờ kích thích điện thông qua hai ống hút dẫn điện. Họ cũng chế tạo các mẫu đũa và nĩa có kích điện làm tăng vị giác.
Theo bài báo, con người cảm nhận được một kích thích điện có "vị chua hoặc vị kim loại". Các tác giả cho biết: “Mục tiêu của hệ thống này là có được một lớp lưỡi mới có thể phát hiện những mùi vị mà trước đây chúng ta không thể cảm nhận được”.
Tags