(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay 19/3 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
Giá vàng trong nước
Dù giá vàng thế giới đảo chiều, nhưng các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá, đưa giá vàng trong nước rạng sáng 19/3 đã vượt ngưỡng 69 triệu đồng/lượng.
Tăng mạnh nhất tiếp tục là vàng thương hiệu DOJI, giá vàng DOJI ở khu vực TP HCM đã tăng 1 triệu đồng ở chiều mua vào và 400.000 đồng ở chiều bán ra lên lần lượt là 68 triệu đồng/lượng và 69 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Hà Nội, DOJI đang thu mua với mức 67,8 triệu đồng/lượng và bán ra với mức 69 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng ở chiều mua và 300.000 đồng ở chiều bán so với ngày trước đó.
Giá vàng Phú Quý SJC đã điều chỉnh tăng 400.000 đồng ở cả hai chiều so với ngày trước đó. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,1 triệu đồng/lượng mua vào và 69,12 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, vàng SJC đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Giá vàng Maritime Bank điều chỉnh tăng 400.000 đồng ở cả hai chiều đang là 67,3 triệu đồng/lượng và 69,1 triệu đồng/lượng.
Với giá vàng trong nước tăng và giá vàng thế giới neo ở mức 1.921,9 USD/ounce, tương đương 53,4 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank chưa tính thuế phí, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 15 triệu đồng/lượng.
Nhu cầu trú ẩn hạ nhiệt đẩy giá vàng châu Á đi xuống
Giá vàng châu Á đi xuống trong chiều 18/3 và đang hướng tới tuần tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 11/2021, khi nhu cầu trú ẩn an toàn liên quan tới xung đột Nga – Ukraine dần “hạ nhiệt”.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên chiều 18/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,10 - 69,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.935,59 USD/ounce, vào lúc 14 giờ 27 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,5% xuống 1.933,80 USD/ounce.
Tính đến thời điểm này của tuần giá vàng đã giảm khoảng 2,5%.
Ông Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty chuyên về giao dịch ngoại hối City Index, cho biết tình hình Ukraine hiện không còn căng thẳng như trước. Vì vậy tâm lý lo lắng không còn đủ mạnh để có nâng đỡ giá vàng, cũng như kim loại quý này không còn hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn.
- Giá vàng hôm nay 18/3: Cập nhật diễn biến mới trên thị trường
- Giá vàng hôm nay 17/3: Cập nhật diễn biến mới trên thị trường
- Giá vàng hôm nay 16/3: Cập nhật diễn biến mới trên thị trường
Giá vàng đã giảm mạnh sau khi giới đầu tư định giá vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed) sẽ “mạnh tay” tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách hôm 16/3. Sau đó, kim loại này phục hồi một chút khi Fed cho biết họ sẽ điều chỉnh lãi suất theo lộ trình dự kiến, song đồng thời thừa nhận những thách thức do lạm phát tăng cao gây ra.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 25,29 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,4% lên 1.024,50 USD/ounce.
Giá palladium giao ngay tăng tới 4,1% lên 2.614,18 USD/ounce, nhưng vẫn đang trên đà kết thúc tuần với mức giảm 7,2% do lo ngại về khả năng nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu là Nga sẽ nhanh chóng “bốc hơi”.
Nhiều nhóm cổ phiếu hàng hoá tăng trở lại
Chốt phiên giao dịch hôm nay 18/3, VN-Index chưa thể vượt mốc 1.470 điểm dù nhiều nhóm cổ phiếu hàng hoá tăng trở lại nhờ diễn biến tích cực từ giá dầu thế giới.
Cụ thể, VN-Index tăng 7,76 điểm lên 1.469,1 điểm. Toàn sàn có 228 mã tăng, 95 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,05 điểm lên 451,21 điểm. Toàn sàn có 127 mã tăng, 110 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,1 điểm xuống 116,04 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng 17% so với phiên giao dịch hôm qua, với tổng giá trị khớp lệnh đạt 29.662 tỷ đồng. Riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 13% đạt 24.227 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng gần 230 tỷ đồng sàn HoSE, tập trung vào MSN, VNM, VIC… cùng phần nào giảm đà bứt phá của chỉ số hôm nay.
Thị trường hôm nay ghi nhận diễn biến tích cực ngay từ những phút đầu mở cửa. Đáng chú ý, sắc xanh đến từ nhóm hàng hóa cơ bản đóng góp không nhỏ vào đà tăng chung của thị trường.
Nhóm dầu khí sau những phiên giảm điểm khá mạnh thì đã có những tín hiệu tích cực trở lại. Theo đó, bối cảnh giá dầu thế giới dần phục hồi khiến dòng tiền tham gia đẩy giá cổ phiếu lên ngay từ những phút đầu, các cổ phiếu như PVD, PVS, PVC, BSR, GAS, PGC, ASP… đồng loạt tăng hơn 2%.
Tương tự, nhóm phân bón như DCM, DPM, BFC, SFG, DDV, LAS…; nhóm than như TVD, TDN, NBC… và nhóm thép với HPG, HSG, NKG, POM, SMC, TVN, TLH… cũng cho những diễn biến tích cực. Hầu hết các cổ phiếu đều tăng điểm tốt và duy trì sắc xanh đến cuối phiên.
Sắc xanh tiếp tục lan tỏa đến nhóm bất động sản, xây dựng khi các cổ phiếu tiếp tục thu hút được dòng tiền quan tâm, phần lớn đều tăng mạnh như LCG, FLC, ROS, LDG, CEO, CII, NBB, DIG…
Cùng với đó, nhóm vốn hóa cũng cho thấy diễn biến giao dịch khả quan, số cổ phiếu tăng điểm áp đảo so với bên giảm, nổi bật như FPT, PNJ, VHM, VRE, VJC…., từ đó nâng đỡ các chỉ số trên thị trường.
Ở chiều ngược lại, nhóm chứng khoán cho diễn biến có phần kém tích cực hơn với nhiều mã giảm điểm như VND, SHS, FTS, MBS, VDS, BSI… trong khi VCI, HCM, SSI, CTS, VIX, ART là những cổ phiếu ngược dòng tăng điểm.
Ở diễn biến khác, hôm nay là thời điểm các quỹ ETF ngoại thực hiện hoàn thành cơ cấu danh mục đầu tư quý I nên như thường lệ, thị trường sẽ có biến động ở phiên ATC. Tuy nhiên, lượng hàng cân đối với lượng cổ phiếu được tung ra thuộc danh mục các quỹ V.N.M ETF và FTSE ETF nên thị trường không dao động mạnh.
Fed tăng lãi suất tác động thế nào đến xu hướng lãi suất của Việt Nam?
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa chính thức thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm %, lên quanh mức 0,25 - 0,5%; đồng thời phát tín hiệu có thể thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ đây đến cuối năm 2022. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất kể từ năm 2018, do lo ngại lạm phát tăng cao kỷ lục. Giới phân tích nhận định, dù sự kiện này có thể khiến dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi, nhưng mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam là không lớn, ít tác động đến xu hướng lãi suất trong năm nay.
Trong báo cáo dành cho nhà đầu tư mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, tiếp tục giữ quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 để không bị nhiều tác động lớn đối với việc Fed tăng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ xu hướng tiếp tục mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là Fed sẽ chỉ tăng lãi suất với tổng mức tăng cao nhất là 2% và Fed chưa bắt đầu chương trình Thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening - tức là rút tiền ra khỏi hệ thống). Đồng thời, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế chính của đất nước.
Theo các chuyên gia của ABCS, tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
“Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và lạm phát được duy trì ở mức dưới 4% sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất”, báo cáo của ACBS nhận định.
Về phía các ngân hàng thương mại, tại đại hội cổ đông mới đây, trả lời câu hỏi của cổ đông khi đánh giá tác động của việc Fed tăng lãi suất đến lợi nhuận ngân hàng, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho rằng, về cơ bản điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn trên thị trường quốc tế. Hiện VIB là một trong số các ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn quốc tế, với mức lãi suất được cho là hấp dẫn hơn và ổn định hơn so với thị trường tiền gửi dân cư trong nước.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực về chi phí vốn cũng đang đè lên một số ngân hàng khi lãi suất huy động trên thị trường đang có dấu hiệu tăng.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, SSI cho rằng mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.
Dưới góc độ của chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất huy động nhích lên không phải là xu hướng mà tùy thuộc vào mức độ thanh khoản từng ngân hàng thương mại, cộng thêm yếu tố lạm phát, tâm lý.
Tuy nhiên, với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định của Ngân hàng Nhà nước và chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp thì nếu lãi suất cho vay tăng, việc hỗ trợ sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
“Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên điều hành lãi suất ổn định, không để các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất cho vay, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn. Đồng thời, sớm triển khai cụ thể hóa hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp tiếp cận với gói tài khóa hỗ trợ 2% lãi suất, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức và giữ nguyên mặt bằng giá bán”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Vẫn biết trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng do chi phí đầu vào tăng, đang gây nhiều áp lực đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Cộng thêm ảnh hưởng dây chuyền từ giá xăng dầu tăng, kéo theo hầu hết chi phí nguyên liệu sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng cao đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, bất kể ảnh hưởng dây chuyền của việc Fed tăng lãi suất thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay vẫn thực hiện theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi. Họ có thể sẽ sử dụng các công cụ thông qua thị trường mở, như mua ngoại hối và bơm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ trợ thanh khoản hoặc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
ACBS ước tính lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2022 và tối đa là 0,5 điểm %. Đây cũng là mức tăng lãi suất tối đa trong năm nay được nhiều nhóm phân tích nhận định. Giới phân tích cho rằng, bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ (nếu có) sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là từ quý 3/2022 và mức độ tăng lãi suất khi đó sẽ rất hạn chế, ở mức từ 0,25 - 0,5 điểm %.
Thực tế, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông điệp về việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nược hiện đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 – 1 điểm % trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh…
Nhóm P.V
Tags