(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay 29/9 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường trong nước và quốc tế.
Giá vàng châu Á phiên 29/9 ổn định gần mức 1.880 USD/ounce
Trong phiên giao dịch chiều 29/9, giá vàng tại thị trường châu Á tiếp tục ổn định trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ.
Vào lúc 14 giờ 40 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giữ ở mức 1.881,59 USD/ounce, sau khi tăng 1,1% trong phiên trước đó, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ cuối tháng Tám.
Chỉ số đồng USD phiên này vẫn giữ ổn định so với một giỏ gồm các đồng tiền mạnh khác, sau mức giảm hàng ngày lớn nhất trong một tháng vào phiên 28/9.
Theo các chuyên gia, những thông tin liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và triển vọng về một gói kích thích kinh tế mới của Mỹ là những nhân tố tác động đến thị trường vàng. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mới đây cho biết các nghị sĩ đảng Dân chủ đã nhất trí một dự luật hỗ trợ chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 2.200 tỷ USD. Trong khi đó, dự kiến, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Joe Biden được tổ chức vào ngày 29/9 (theo giờ Mỹ).
Kể từ đầu năm 2020 đến tháng 8/2020, giá vàng tăng hơn 20%, nhờ các biện pháp kích thích quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng trung ương và chính phủ trên toàn cầu.
Trong phiên chiều 29/9, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,05 - 55,57 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sáng 29/9 tăng 600 nghìn đồng/lượng
Sáng 29/9, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, giao dịch ở mức 55,72 triệu đồng/lượng.
Lúc 8 giờ 30 phút, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,2 - 55,72 triệu đồng/lượng, tăng 550 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng SJC tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 350 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua, niêm yết ở mức 55,25 - 55,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng kỳ hạn tăng trong phiên 28/9 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, khi đồng USD xuống giá.
Hợp đồng vàng giao tháng 12/2020 được giao dịch nhiều nhất tăng 16 USD, chốt phiên ở mức 1.882,3 USD/ounce.
Giá vàng nhận được thêm sự hỗ trợ khi các nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng nhanh số ca mắc COVID-19 tại châu Âu trong vài tuần qua.
Trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ sắp tới, các nhà đầu tư cũng lo ngại về những biến động thị trường, yếu tố sẽ thúc đẩy giá vàng đi lên trong trung hạn.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ phiên này tăng, hạn chế phần nào đà tăng của giá vàng.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 29/9
Trong phiên giao dịch chiều 29/9, các thị trường chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh các nhà đầu tư ngóng chờ những tin tức liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,1% lên 23.539,10 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,2% lên 3.224,36 điểm khi đóng cửa. Còn chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) kết thúc phiên giao dịch 29/9 với mức giảm 0,9% xuống 23.271,64 điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mumbai (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore đều trong xu hướng tích cực. Còn các thị trường chứng khoán Sydney và Manila giảm điểm.
Ông Gerry Rice, một quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết số liệu sắp công bố mới đây cho thấy triển vọng kinh tế thế giới phần nào không đáng quan ngại như dự báo đưa ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 6/2020 của IMF.
Còn tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, chỉ số VN – Index giảm 0,93% (tương đương 8,52 điểm) xuống còn 903,98 điểm trong khi chỉ số HNX-Index giảm 1,04% (1,38 điểm) xuống còn 131,74 điểm.
Tỷ giá trung tâm giảm 6 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 29/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.220 VND/USD, giảm 6 đồng so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.917 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.523 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng USD duy trì ổn định, giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động nhẹ.
Lúc 8 giờ 15 phút, giá USD tại Vietcombank giữ nguyên niêm yết so với cùng thời điểm ngày hôm qua, ở mức 23.070 - 23.280 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.331 - 3.470 (mua vào - bán ra), giảm 1 đồng ở chiều mua vào và 2 đồng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 23.100 - 23.280 VND/USD (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với ngày hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV được niêm yết ở mức 3.352 - 3.446 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 1 đồng ở chiều mua vào và giảm 1 đồng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Giá vàng thế giới tăng khi đồng USD xuống giá
Giá vàng kỳ hạn tăng trong phiên 28/9 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, khi đồng USD xuống giá.
Hợp đồng vàng giao tháng 12/2020 được giao dịch nhiều nhất tăng 16 USD, hay 0,86%, lên chốt phiên ở mức 1.882,3 USD/ounce.
Giá vàng nhận được thêm sự hỗ trợ khi các nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng nhanh số ca mắc COVID-19 tại châu Âu trong vài tuần qua.
Trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ sắp tới, các nhà đầu tư cũng lo ngại về những biến động thị trường, yếu tố sẽ thúc đẩy giá vàng đi lên trong trung hạn.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ phiên này tăng, hạn chế phần nào đà tăng của giá vàng.
Trong phiên này, giá bạc giao tháng 12/2020 tăng 51,1 xu Mỹ, hay 2,21%, lên 23,604 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng 1/2021 tăng 42,2 USD, hay 4,97%, lên 891,4 USD/ounce.
Trong phiên chiều 28/9, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 54,75 - 55,42 triệu đồng/lượng.
9 tháng, CPI cả nước tăng 3,85%
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020, sáng 29/9, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường; giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011, là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,01% so với tháng 12/2019, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân quý III năm 2020, CPI tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân 9 tháng cao nhất trong 5 năm gần đây.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, CPI khu vực thành thị tăng 3,4%, khu vực nông thôn tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2019.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 6 nhóm hàng tăng giá: đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,1%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,62%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giáo dục tăng 2,08%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.
Có 5 nhóm hàng giảm giá: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,06%; giao thông giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%.
Theo Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng năm 2020 là do: tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,15%.
Cùng với đó, giá các mặt hàng thực phẩm bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 14,31% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 3,05% chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp Tết nguyên đán, nhất là giá mặt hàng thịt lợn tăng cao do nguồn cung chưa được đảm bảo, giá thịt lợn tăng 70,55% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 2,39%. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 24,58%; mỡ lợn tăng 75,66% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Bình quân 9 tháng năm 2020 giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước.
Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao hơn trong dịp Tết do nhu cầu tăng, bình quân 9 tháng năm 2020 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,58% và 0,73% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI 9 tháng năm 2020 như: đã có 18 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó có 11 đợt điều chỉnh giảm giá xăng E5, 10 đợt điều chỉnh giảm giá đối với xăng A95 và 5 đợt tăng giá đối với cả hai mặt hàng xăng; 12 đợt điều chỉnh giảm, 5 đợt điều chỉnh tăng đối với các mặt hàng dầu diezen. Theo đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng năm 2020 giảm 22,12% so với cùng kỳ năm trước tác động làm CPI chung giảm 0,8%; giá dầu hỏa bình quân 9 tháng năm 2020 giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Bình quân 9 tháng năm 2020, giá gas thế giới đạt mức 393 USD/tấn giảm 19,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong nước, từ đầu năm 2020, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt (các tháng: 1, 5, 7, 8, 9), giảm 3 đợt (các tháng: 2, 3, 4), bình quân 9 tháng năm 2020 giá gas giảm 1,68% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, nhu cầu du lịch giảm trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần 1 và lần 2 nên bình quân 9 tháng năm 2020 giá du lịch trọn gói giảm 2,13% so với cùng kỳ năm trước.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm, so với cùng kỳ năm trước, giá vé máy bay bình quân 9 tháng năm 2020 giảm 33,68%; giá vé tàu hỏa giảm 1,57%.
Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19. Cụ thể, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng với thời gian là từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Theo đó, giá điện tháng 5 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 1/4/2020 đến ngày 30/4/2020) và tháng 6 năm 2020 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 1/5/2020 đến ngày 31/5/2020) giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước.
Trong 9 tháng năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị liên quan khác thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường tái đàn và nhập khẩu thịt lợn từ các nước có quan hệ thương mại bao gồm cả việc nhập khẩu lợn sống của Thái Lan.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định thị trường.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2019.
“Bình quân 9 tháng năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng. Lạm phát cơ bản so cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng 01/2020 về mức 1,97% trong tháng 9/2020. Điều này phản ánh kết quả của điều hành chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm.”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Nhóm P.V
Tags