(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng hôm nay 16/6 trên thị trường thế giới giảm mạnh giữa lúc chứng khoán toàn cầu tụt dốc. Giới đầu tư lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ 2 khi mà Bắc Kinh tái phong tỏa còn số người nhiễm tại Mỹ tăng ở nhiều bang.
Đêm 15/6 giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay lên trên ngưỡng 1.709 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.710 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 33,2% (426 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1,4 triệu đồng so với vàng trong nước.
Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 15/6 đa số các cửa hàng vàng giảm giá vàng 9999 khoảng 100 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên áp cuối tuần trước.
- Giá vàng hôm nay 16/6, vàng giảm nhanh trái với dự đoán đầu tuần
- Giá vàng hôm nay 14/6 cập nhật mới nhất
- Giá vàng hôm nay 13/6 sẽ giảm sau ngày tăng mạnh?
- Giá vàng hôm nay 12/6 tiếp tục tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch 15/6, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 48,45 triệu đồng/lượng mua vào và 48,60 triệu đồng/lượng bán ra. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 48,38 triệu đồng/lượng mua vào và 48,74 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh giữa lúc chứng khoán toàn cầu tụt dốc. Giới đầu tư lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ 2 khi mà Bắc Kinh tái phong tỏa còn số người nhiễm tại Mỹ tăng ở nhiều bang.
Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong phiên 15/6 do giới đầu tư lo ngại đại dịch Covid-19 đang quay trở lại với làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Trại các thị trường lớn nhất thế giới, bóng ma Covid-19 đang trở lại, ngày 15/6, Bắc Kinh ghi nhận 39 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm trong vài ngày qua lên con số 79. Tại Mỹ, nhiều bang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh. Tổng sô người nhiễm tại Mỹ đã lên trên ngưỡng 2 triệu. Những diễn biến xấu đi khiến các thị trường chứng khoán giảm mạnh trong nhiều phiên vưa qua và khiến nhiều người thua lỗ phải bán vàng bù đắp.
Tại châu Âu, chứng khoán giảm sau khi báo cáo xuất khẩu tháng 4 của khối eurozone giảm 24,5%, trong khi nhập khẩu giảm 13%.
Tuy nhiên, những biến động mạnh trên các thị trường tài chính cũng khiến nhu cầu đầu tư vào các loại tài sản an toàn, trong đó có vàng tăng mạnh.
Về dài hạn, vàng vẫn được dự báo sẽ tăng mạnh vì các nước bơm một lượng tiền khổng lồ, lên tới nhiều ngàn tỷ USD vào nền kinh tế, mà hậu quả của nó có thể là lạm phát sẽ tăng cao trong một vài năm tới. Lãi suất thấp cũng sẽ khiến vàng hấp dẫn.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 15/6 đảo chiều lên điểm
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 15/6 lên điểm, đảo ngược đà giảm mạnh trong phiên, khi nhà đầu tư đánh giá thông báo mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số Dow Jones tăng 157,62 điểm, hay 0,62%, lên 25.763,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,28 điểm, hay 0,83%, lên 3.066,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 137,21 điểm, hay 1,43%, lên 9.726,02 điểm.
Cả ba chỉ số đều giảm mạnh vào đầu phiên, với chỉ số Dow Jones giảm hơn 760 điểm.
Toàn bộ 11 lĩnh vực chủ chốt trong chỉ số S&P 500 đều chốt phiên tăng, với lĩnh vực tài chính tăng 1,38%, vượt qua các lĩnh vực còn lại.
Trước đó, Fed công bố các biện pháp bổ sung hỗ trợ thị trường trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ngày 15/6, Fed đã thông báo các điểm cập nhật Chương trình tín dụng doanh nghiệp thị trường thứ cấp, với việc mua rộng rãi và đa dạng trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ thanh khoản trên thị trường và nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp lớn.
Trong tuần trước, chỉ số Dow Jones giảm 5,6%, chỉ số S&P 500 giảm 4,8% và chỉ số Nasdaq giảm 2,3%, đánh dấu tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 20/3.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, VN - Index giảm 31,05 điểm (3,6%) xuống 832,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 708,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 22.734 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng, 45 mã đứng giá và 291 mã giảm giá.
HNX – Index giảm 3,09 điểm (2,64%) xuống 113,82 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 88,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 827,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 57 mã tăng giá, 49 mã đứng giá và 109 mã giảm giá.
Canada cùng 12 nền kinh tế nỗ lực cải cách WTO
Phóng viên TTXVN tại Ottawa đưa tin, ngày 15/6, Canada đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 5 của Nhóm Ottawa về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ xuất phát từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhóm Ottawa gồm Canada, Australia, Brazil, Chile, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Kenya, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc và Thụy Sĩ. Tại hội nghị trực tuyến này, các Bộ trưởng từ 13 nền kinh tế Nhóm Ottawa đã thảo thuận về việc WTO và hệ thống thương mại dựa trên luật định có thể làm gì để xoa dịu tác động của đại dịch COVID-19, đặt nền móng cho sự phục hồi bền vững và điều chỉnh các các quy tắc thương mại để ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Nhóm Ottawa đã nhất trí các bước đi cụ thể trong Tuyên bố chung của nhóm, tập trung hành động ứng phó với COVID-19. Tuyên bố chung xây dựng chương trình hành động chủ chốt để hỗ trợ sự phục hồi toàn diện, bền vững của kinh tế toàn cầu, vì lợi ích của người dân. Các vấn đề ưu tiên gồm tăng cường minh bạch xung quanh các biện pháp hạn chế xuất khẩu, đảm bảo mở cửa hoạt động thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và thúc đẩy đảm phán về thương mại kỹ thuật số. Nhóm Ottawa cũng cam kết triển khai một chương trị nghị sự rộng hơn về cải cách WTO, bao gồm cả những nỗ lực hướng tới một giải pháp lâu dài đối với cơ chế giải quyết tranh chấp và kết thúc đàm phán về trợ cấp ngư nghiệp.
Tại hội nghị, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, Canada luôn đóng vai trò dẫn dắt trong việc tạo điều kiện và phát triển các cơ hội thương mại trên toàn cầu. Người dân và các doanh nghiệp Canada lâu nay được hưởng lợi từ hệ thống thương mại đa phương, trên cơ sở luật định, dưới sự chèo lái của WTO. Hơn lúc nào hết, một hệ thống thương mại hiệu quả và đáng tin cậy đóng vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế toàn cầu và sức tăng trưởng kinh tế.
Bà Mary Ng, Bộ trưởng phụ trách Doanh nghiệp nhỏ, Xúc tiến xuất khẩu và Thương mại Quốc tế của Canada cho biết, các doanh nghiệp Canada cần sự ổn định trong dài hạn để có thể phát triển mạnh tại thị trường nội địa và quốc tế. Đó cũng là lý do tại sao Canada đang dẫn đầu những nỗ lực để hiện đại hóa hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật định dành do các doanh nghiệp trong thế kỷ 21, nhất là trong giai đoạn đặc biệt hiện nay. Bộ trưởng Mary Ng khẳng định bà sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp Canada trong bối cảnh nhiều nước đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế.
Cải cách WTO trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là một nhiệm vụ không đơn giản mà Canada cùng với 12 nền kinh tế khác đang nỗ lực theo đuổi. Trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, các nguyên tắc của chủ nghĩa toàn cầu đang bị tác động khi mỗi quốc gia dường như quan tâm trước hết đến lợi ích của riêng mình. Nhu cầu cải cách WTO được nhận định ngày càng trở nên cấp thiết để tổ chức này giữ vững vai trò dẫn dắt hệ thống thương mại toàn cầu.
Nhóm P.V
Tags