Trong phiên giao dịch 6/2, giá dầu thế giới tăng khi thị trường hướng sự chú ý vào nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc thay vì mối lo ngại về nguồn cung và sự giảm tốc tại các nền kinh tế lớn.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng Tư tăng 1,05 USD (1,3%) lên 80,99 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 72 xu Mỹ (1%) lên 74,11 USD/thùng.
Theo các nhà quan sát, giá dầu nhận được lực đẩy từ triển vọng phục hồi của Trung Quốc sau khi nước này nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol dự kiến Trung Quốc sẽ đóng góp một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Tuy nhiên, giá dầu cũng gặp một số yếu tố bất lợi. Báo cáo cho thấy số lượng việc làm tạo mới tại Mỹ tăng mạnh, đã cũng cố đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất nữa. Điều này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu WTI và Brent đã giảm 3% trong phiên cuối tuần trước sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm.
Bên cạnh đó, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần so với đồng euro. Đồng bạc xanh mạnh hơn thường làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng được định giá bằng USD như dầu.
Ngoài ra, thị trường dầu còn chịu ảnh hưởng khi hoạt động tại kho cảng dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ceyhan tạm dừng sau một trận động đất lớn và chính sách áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2.
Trong phiên giao dịch 6/2, giá vàng thế giới đi lên, khi các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn này giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế, sau khi đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu đẩy giá xuống mức thấp nhất trong một tháng.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.868,96 USD/ounce, sau khi có lúc giảm xuống còn 1.860 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 6/1. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.879,50 USD/ounce.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), nhận định các nhà giao dịch coi vàng như một tài sản trú ẩn an toàn và tiến hành mua vào kim loại này.
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế vẫn còn và có khả năng hỗ trợ nhu cầu vàng trong năm nay.
Chỉ số đô la tăng lên mức cao nhất trong gần một tháng, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn vững và làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Trong phiên cuối tuần trước, giá vàng đã giảm hơn 2% sau số liệu cho thấy tốc độ tạo việc làm của kinh tế Mỹ tăng mạnh trong tháng trước. Hiện thị trường đang hướng sự chú ý vào các bài phát biểu của một loạt quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell.
Tuần trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,5-4,75% sau một năm tăng lãi suất liên tiếp. Các nhà đầu tư dự kiến lãi suất sẽ đạt đỉnh 5,05% vào tháng Sáu.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 7/2, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,40-67,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Tags