(Thethaovanhoa.vn) - Bao giờ tản văn cũng thế, bàn những chuyện rất nhỏ, rất vụn nhưng rất “đời”. Vì cuộc đời chính là từ những mảnh vụn tưởng chừng tủn mủn, vặt vãnh đó ghép thành. Khi nhìn lại một đoạn đời nào đó của mình, người ta vẫn thường thấy bật lên những mẩu chuyện nhỏ, những vu vơ cỏn con, chẳng hiểu vì sao ký ức vẫn còn lưu lại.
Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa (NXB Trẻ) của Phan Thị Vàng Anh là góp nhặt những mảnh vụn đơn sơ đó. Đọc tập tản văn, ta bắt gặp những cảnh tượng mình đã bao lần gặp phải, những phụ nữ sặc sỡ váy chống nắng, những vỉa hè đầy rác, một bảo tàng ảm đạm, đìu hiu hay một chuyến tàu người qua nhốn nháo… nhưng hơn thế, là ta bắt gặp những ý nghĩ từng có lúc thoảng qua trong trí ta.
Đó là nỗi tiếc nhớ về phố phường “hồi ấy còn vắng”, sự bàng hoàng khi trẻ con “không thuộc bài đồng dao nào cũng chẳng thuộc trò chơi nào của trẻ con”, nỗi ngỡ ngàng trước “không khí lạnh lẽo và thực dụng” của cái gọi là “du lịch sinh thái - văn hóa”…
Những trăn trở ấy của Phan Thị Vàng Anh hẳn ai nấy cũng từng bắt gặp ở chính mình, bởi ai ai cũng có lúc bất bình với cái bẩn, cái hình thức trống rỗng trong những chuyến du lịch, từng dừng lại nghĩ ngợi giữa khi dọn nhà, nấu bánh chưng trước Tết hay chăm sóc vườn cây, từng lo lắng cho tương lai con trẻ, từng ân hận trước những cụ già ngày trước ẵm bồng mình. Thế nhưng thường khi, người ta trăn trở rồi lại thôi, tiếp tục chìm đắm vào hoạt động tất bật thường ngày rồi quên đi, vì nhớ ra những chuyện như thế có mấy khi dễ chịu.
Nhưng Phan Thị Vàng Anh thì khác, chị cố gắng tìm ra những giải pháp, chị biết chúng “nghe thì có vẻ không tưởng” đấy, nhưng “còn hơn chỉ trầm ngâm những kết luận không lối thoát”.
Chị hy vọng rằng “biết đâu” sẽ có một sự đổi khác và không dừng lại ở hy vọng, chị đặt ra thái độ sống cho chính mình. Những điều chị đặt ra rất đơn giản, chỉ là “cố trồng được một cái cây, không to thì bé”, chỉ là đọc sách “30 trang mỗi ngày”, “dành thời gian cho màn hình ít thôi, để mắt còn nhìn tận mắt những thứ xung quanh”…
Những điều chị tự dặn mình như vậy, ai mà chưa có lúc dặn mình, nhưng rồi có thay đổi được không? Phan Thị Vàng Anh cũng biết thế, chị biết “cái ý thức nghiêm khắc về thân, về hữu hạn chỉ đến một lúc rồi lại biến đâu mất. Chắc chắn sau khi làm xong một việc, như viết cái bài này chẳng hạn, bản thân tôi cũng lại nhảy ngay vào mạng đọc những thứ lăng nhăng, hoặc mở điện thoại ra, chơi liền tù tì mấy màn xếp gạch hay ném ngọc”.
Nhưng chính ở đó, ta bắt gặp được sự quyết liệt, không khoan nhượng của Vàng Anh. Cũng chính ở đây, ta thấy tản văn của chị không chỉ là “ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa” nữa, vì chị đâu dừng lại ở việc “cưỡi ngựa xem hoa”, lướt qua đời một cách thản nhiên, vô tâm.
Phan Thị Vàng Anh là một người tâm huyết và sống đầy trách nhiệm. Đọc tản văn của chị, những người “cưỡi ngựa” sẽ thức tỉnh và cái “biết đâu” của Vàng Anh, biết đâu lại thành hiện thực.
Uyên Phương
Thể thao & Văn hóa
Tags