Gặp lại nam tước khoác lác Munchausen

Chủ nhật, 12/04/2015 20:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 200 năm qua, những câu chuyện khoác lác, quái đản của nam tước Munchausen (nước Đức) đã thu hút độc giả khắp thế giới, riêng Việt Nam đã có 4-5 bản dịch, 5-6 lần xuất bản.

Tuy kiểu liên tưởng và tính chất khác nhau, nhưng những chuyện của Munchausen vẫn gợi tưởng chúng ta nghĩ về nhân vật Thủ Thiệm (1854 - 1920, Quảng Nam), Ba Giai - Tú Xuất (cuối thế kỷ 19, Hà Tây - Hà Nội), Bác Ba Phi (đầu thế kỷ 20, Nam bộ)…

Tác phẩm Những cuộc phiêu lưu kì thú của nam tước Munchausen (ảnh, NXB Kim Đồng, quý 1/2015) do Quân Khuê dịch không dựa vào các truyện dân gian Đức, mà là bản tiếng Anh của Rudolf Erich Raspe (1736 - 1794). Bản tiếng Anh này đặc biệt đến mức mà chính thi sĩ Đức là Gottfried August Burger (1747 - 1794) phải chuyển ngữ ngược lại tiếng Đức, từ đó người Đức thích đọc bản này còn hơn những câu chuyện trong dân gian được chép lại.

 Sở dĩ Raspe có thể làm được bản “tiếng Anh nguồn” cho dịch giả khắp thế giới dựa vào là vì ông sinh ra tại Hanover (Đức), học luật, am hiểu truyện dân gian Đức và có năng khiếu hành văn trào phúng.


Bìa cuốn sách

Nam tước Munchausen là một nhân vật có thật, một quý tộc người Đức. Ông tên đầy đủ là Hieronymus Carl Friedrich von Munchhausen (1720 - 1797), từng gia nhập quân đội Nga trong cuộc chiến chống Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có tài kể chuyện trào phúng và tiếu lâm. Từ các câu chuyện ban đầu của ông, những cây bút “giỏi thêu dệt” như Raspe, Burger… đã biến ông thành một biểu tượng của trào phúng, tiếu lâm dân gian. Điều này tại Việt Nam cũng khá rõ, họ đã biến những câu chuyện ban đầu của Thủ Thiệm, Ba Giai - Tú Xuất, Bác Ba Phi… trở nên “vô chủ”, thuần văn chương trào phúng và châm biếm hơn.

Nam tước Munchausen lên mặt trăng chỉ bằng cái rìu; cho cây anh đào mọc giữa trán con hươu;  sống trong bụng cá khổng lồ; cưỡi chim đi chơi… thì có khác chi “muỗi kêu như sáo thổi” của Bác Ba Phi. Rồi cuộc chạm trán giữa Munchausen với “siêu hiệp sĩ” Don Quixote (1605/1615) khác thời đại của Tây Ban Nha là sự châm biếm và chiêm nghiệm thú vị.

Tiếp nối những câu chuyện kì vĩ, siêu phàm trong Ngàn lẻ một đêm, Alice ở xứ sở đồng thoại, Gulliver du ký, Hành trình vào tâm địa cầu, Anh chàng Hobbit, Những cuộc phiêu lưu của Tomsoyer, Dế mèn phiêu lưu ký… thì nay độc giả nhí có thể cùng phiêu lưu với Những cuộc phiêu lưu kì thú của nam tước Munchausen. Trong các bản in tiếng Việt trước đây, tên nhân vật được phiên âm là Muynkhaoden, ai thích sách cũ thì có thể tìm đọc lại. Điểm thú vị là các bản dịch này khá khác nhau, vì được dựa vào các “nguyên tác” khác nhau.

Sau cùng, điểm thú vị của những câu chuyện như nam tước Munchausen là khả năng kích thích trí tưởng tượng tự do, và khả năng hòa điệu với nhiều cấp độ suy tư. Tuổi trẻ, người có suy tư đơn giản thì xem đây là truyện trào phùng, truyện quái đản nhằm tạo hài hước, những độc giả cao niên hơn thì sẽ tìm được lời đồng thoại cùng các thế giới song song để hiểu hơn nhân tình, thế thái và hữu hạn đời người.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›