Trong sách Âm nhạc 10, bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022), bài Con đường đến trường của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương được các nhà biên soạn nhận xét: "Bài hát mang tính trữ tình, có giai điệu sâu lắng, tiết tấu thong thả. Lời hát nhẹ nhàng, thể hiện tình cảm bâng khuâng khi nhớ về tháng năm học trò…".
Bài hát có những câu như: "… Một lần đi qua con đường này/ bao kỷ niệm chợt sống trong tôi/ về lại trong sân ngôi trường này/ còn đâu đây nỗi nhớ vô bờ".
Từ cậu bé nghe lén nhạc…
Con đường đến với âm nhạc của Phạm Đăng Khương khá là đặc biệt: "Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, ở quê nghèo Quảng Ngãi, cả gia đình không ai theo nghề nhạc. Tôi mê âm nhạc từ nhỏ, lúc còn là học sinh tiểu học, thường lén nghe những bài hát trên radio của nhà hàng xóm, vì nhà nghèo không có nổi một cái radio".
Ông kể tiếp: "Đến lúc học trung học, tôi được học lớp đàn guitar của anh Hồ Kỳ, ông thầy đờn trong xóm, rồi từ đó tự mày mò viết nhạc khi học lớp 11. Sau 30/4/1975 thì hoạt động âm nhạc tự biên tự diễn rộng khắp, tạo cho tôi hứng khởi sáng tác, ngay lúc đó tôi đã có nhiều ca khúc được biểu diễn ở quê nhà".
Từ năm 1977, khi còn là sinh viên toán của Đại học Sư phạm TP.HCM, Phạm Đăng Khương đã theo học lớp sáng tác ca khúc ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Sau đó, vì quá đam mê âm nhạc, nên bỏ sư phạm toán thi vào nhạc viện, học 5 năm khoa lý luận và sáng tác âm nhạc.
"Từ đấy, tôi bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp"- ông kể tiếp -"Luận văn tốt nghiệp đại học của tôi là tổ khúc nhạc múa có tên Bài ca chàng Đam San, dành cho dàn nhạc nhẹ, dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Thế Bảo và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn".
Sau này, tổ khúc này được thu âm, ghi hình tại Đài Truyền hình TP.HCM vào tháng 5/1998, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Nguyễn Quang Vui, với 60 nghệ sĩ và nhạc công. Ngoài tác phẩm tốt nghiệp này, Phạm Đăng Khương đã viết hơn 400 ca khúc. "Tôi rất vui khi Con đường tới trường có mặt trong sách giáo khoa" - ông chia sẻ.
Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Đăng Khương gắn liến với sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Từng là Phó giám đốc đơn vị này, ông đã biên tập chương trình và trực tiếp thực hiện các đêm diễn tác giả tác phẩm dành cho Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Thương, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Ngô Huỳnh, Diệp Minh Tuyền, Phạm Minh Tuấn, Thế Bảo, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn... Hầu hết các đêm nhạc này đều không bán vé và được thu hình, ghi âm bởi đài truyền hình hoặc phát thanh của thành phố.
Phạm Đăng Khương nhớ lại: "Trong chuỗi chương trình có đêm nhạc của tôi. Cảm động nhất là đêm 8/1/1996, khi nhạc sĩ Xuân Hồng phát biểu khai mạc, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu làm MC, nhạc sĩ Hoàng Hiệp có lời khen ngợi ca khúc Con đường đến trường, mà chính ông là người chấm thi bài hát ấy. Vậy là từ sân khấu vào sách giáo khoa, Con đường đến trường của tôi đã có 36 năm thử thách. Còn trong cuộc sống và sáng tác, tôi vẫn luôn trên "con đường đến trường" để lắng nghe, học hỏi".
Món quà Xuân nhiều người chăm chút
Đó là tập bài hát thiếu nhi Mười hai con giáp (NXB Hội Nhà văn, 2022) mà Phạm Đăng Khương phổ 12 bài thơ của người bạn đời - thi sĩ Hồ Thu Hà. Mỗi con vật là một ca khúc, như Chuột bạch nhà em, Con trâu già, Cọp nhớ rừng xanh, Mèo con nho nhỏ, Rồng linh thiêng, Chó con xinh, Gà trống gáy, Nhạc ngựa reo vui, Chú dê đáng yêu, Heo con phơi nắng...Các con vật như đi từ hiện thực đến cổ tích và ngược lại.
Phạm Đăng Khương cho biết: "Trong mỗi bài hát đều có phần dịch nghĩa lời bài hát sang tiếng Anh để các em nhỏ ở nước ngoài có thể hiểu và tập hát với tiếng Việt. Tập bài hát sẽ được phát hành tại Việt Nam, Mỹ và các nước có đông đồng bào Việt kiều, cùng với trên 20 bài cảm nhận của các anh chị văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà thơ... tại Mỹ, châu Âu và Việt Nam".
Xin đọc cảm nhận của nhà thơ Hồ Thi Ca: "Điều đáng quý là Khương muốn "dạy" các em, cháu Mỹ gốc Việt hát được tiếng Việt qua những câu chuyện đậm đà màu sắc dân gian Việt Nam, thể hiện qua 12 con vật tượng trưng 12 con giáp. Ngay cả việc giúp các em, cháu Mỹ gốc Việt biết câu chuyện 12 con giáp theo phiên bản Việt Nam đã là ý tưởng tốt".
Cảm nhận của nữ ca sĩ Bonnuer Trinh: "…thực sự vui mừng khi anh Khương đã tin tưởng và mời thu âm lần đầu tiên 12 ca khúc thiếu nhi này. Lần này lại xuất bản tập nhạc và thực hiện phiên bản với giọng ca thiếu nhi, lại còn quay hình phần trình diễn ngộ nghĩnh của các em làm cho video vô cùng sinh động. Hy vọng không chỉ các em thiếu nhi trong nước rất thích, mà các em ở nước ngoài cũng vậy, vì góp phần cho các em học tiếng Việt dễ dàng hơn".
Nhà thơ Dương Văn Ý là người có con mắt liên tài, sớm nhìn thấy sức hấp dẫn của Mười hai con giáp, nên mạnh dạn tài trợ in ấn, đã xác quyết: "Không việc gì mà Phạm Đăng Khương không làm được".
Vì lẽ: "Để viết nên một bài thơ tâm hồn người viết hẳn phải thăng hoa cảm xúc như sự bay bổng của con rồng. Để phổ từ thơ thành nhạc cũng phải là một người đầy năng lượng, nhanh nhẹn, tháo vát như cọp, nhưrắn và lanh lẹ, thanh thoát như con khỉ, con ngựa, thoắt ẩn thoắt hiện như cậu tý nhà ta, chưa kể là sự chịu thương chịu khó như con trâu, con chó. Không những thế, phải có tâm hồn yêu thương, gần gũi như con heo, con gà, con mèo, con dê…".
Và Dương Văn Ý thật có lý khi coi Phạm Đăng Khương là "con giáp thứ 13", con giáp có nhạc hứng, có hòa điệu, có chắt lọc từ 12 con giáp kia.
Sang Mỹ để nhớ Việt Nam
Phạm Đăng Khương còn là một nhà báo với một kỷ lục đáng nể, chỉ trong 5 ngày tham gia trại sáng tác ảnh nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, tổ chức trên 4 vùng đất Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, ông đã hoàn thành 5 phóng sự truyền hình, phát tức thời. Ôngcòn phát hành tập sách ảnh nghệ thuật Lang thang miền thùy dương (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Lẽ ra, vào ngày 25/12 tới đây tại TP.HCM, Phạm Đăng Khương mở triển lãm tranh chân dung văn nghệ sĩ vẽ từ ảnh, nhưng vì một việc hiếu nghĩa, ông phải sang Mỹ đột xuất. Chính lý do này khiến người viết bài này tìm đọc lại tập du ký Chuyện trời ơi đất hỡi (NXB Hội Nhà văn, 2017) và nhận ra Phạm Đăng Khương có nhiều tháng ngày sống ở Mỹ.
Khi đi dọc ngang nước Mỹ bằng xe đò do người Việt cầm lái, trong ký sự Xe đò Hoàng, ông chia sẻ rằng càng đi lại càng nhớ Việt Nam.Càng tiếp xúc với hiện tại mới, với xứ lạ, lại càng nhớ quá khứ, nhớ chuyện đời xưa.
Ông kể: "Lúc đã học tới lớp 8 mà chỉ có mỗi cái quần sọoc để mặc đi học. Cứ mỗi bữa trưa, ăn cơm xong, thằng Hường, thằng Đóa ghé ngang nhà rủ đi học. Lội bộ tới đập Hố Đá thì cởi vội cái áo rồi một hai ba nhảy ùm xuống sông tắm… Mình bị tụt cái quần đâu mất, lại uống nước gần chết. Tìm được cái quần, vắt cho bớt nước rồi lội bộ tới trường. Bị thầy gọi lên dò bài, quay lưng xuống, cả lớp cười ồ vì bị tưởng… đái dầm".
Cũng trong tập Chuyện trời ơi đất hỡi, Phạm Đăng Khương cho biết mình từng làm nhạc cho các phim cổ tích, nên khi nào cần hiện thực, khi nào cần phép thuật thì đã khá quen. Tập nhạc Mười hai con giáp là một tiếp nối của tinh thần cổ tích này.
Trong bài hátVầng trăng cổ tích (phổ thơ Đỗ Trung Quân), Phạm Đăng Khương viết: "Một vầng trăng tỏ, treo trên đỉnh trời/ Bay về đâu thế đàn cò trắng ơi". Ông kể, có lúc đang ngồi hát ở Mỹ, chợt nhớ cánh cò trắng, ông lại thu xếp bay ngay về Việt Nam.
Phạm Đăng Khương sinh 1957 tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài việc sáng tác nhạc, ông còn tự thiết kế phòng thu âm, quay phim, dựng phim, chụp hình, đạo diễn những video ca nhạc và karaoke, tham gia làm phim du lịch ởnhiều nước trên thế giới. Là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hiện cư ngụ tại TP.HCM.
Tags