Dù bận bịu với rất nhiều công việc chuyên môn và quản lý, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên vẫn sáng tác cả nghìn ca khúc các loại, trong số đó có bài được vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ 20, có ca khúc được vào sách giáo khoa âm nhạc.
Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên quan niệm: “Khi viết cho thiếu nhi, tôi cố gắng nắm bắt tâm lý, cảm xúc trẻ thơ để tác phẩm đến thật gần với các em. Chỉ có bắc nhịp đúng tâm tư, tình cảm, cảm xúc, để các em nhỏ thấy được mình trong đó, thì các em mới yêu thích. Ngoài ra, trong lời ca, tôi vẫn chú trọng hướng dẫn các em nhỏ hướng về điều tốt đẹp”.
Những tích hợp thú vị giữa văn và nhạc
Ca từ bài hát Bà và cháu của Nguyễn Văn Hiên trong sách Tiếng Việt 2, tập 1, bộ Cánh diều, được đưa vào tiết tập đọc: “Cháu ngồi nghe bà kể bao câu chuyên ngày xưa/ Có Thạch Sanh dũng cảm có cô Tấm chăm ngoan/ Bà là vườn cổ tích là bóng mát tuổi thơ/ Cháu nằm nghe bà kể ngỡ vào giấc mộng mơ/ Cháu nằm nghe bà kể đi vào giấc thần tiên”.
Thay bài tập đọc bằng một bài hát là cách tạo hứng thú cho việc học đọc của học sinh. Các em được nghe hát, được nhìn trang in ca từ rồi trả lời các câu hỏi “Tên bài hát là gì?”, “Tác giả bài hát là ai?”, “Bài hát là lời của ai nói về ai?”. Đây là một tích hợp vừa sức tiếp thu của học sinh, giúp học sinh tập vận dụng kĩ năng đọc vào việc nhận biết một loại văn bản - bản nhạc, mà các em có thể gặp trong đời sống hằng ngày.
Ca từ bài hát Em học nhạc trong sách Âm nhạc 2, bộ Chân trời sáng tạo, chỉ ngắn gọn 55 âm tiết: “Như con chim non em học nhạc/ Đồ rê mi, mi pha so / Đồ rê mi pha so / Như sơn ca em học nhạc/ Mi pha son, son la si/ Em hát như họa mi/ Nào bạn ơi chúng ta cùng học nhạc/ Đô rê mi pha son la si đố/ đô/ đố”.
Ca từ bài này cũng là một tích hợp thú vị giữa văn và nhạc. Tên 7 nốt nhạc được nhắc đi nhắc lại tạo thế gần như cân bằng với các từ thông thường khác trong bài (26/29). Chữ nhạc có khi bắt vần với chữ văn - “la si: họa mi” - như một hòa âm thể loại. Ở 2 nhịp cuối bài, sự phân biệt dấu thanh của 2 âm tiết “đô - đố” tạo sự ăn nhịp giữa quãng tám ký âm với quãng tám xướng âm, khi hát lên.
Tiêu biểu cho cách viết này là ca khúc Hổng dám đâu. Bài này của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên là 1 trong số 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20, kết quả từ một cuộc bình chọn do Trung ương Đoàn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc - Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức. “Trên cành cây chim hót mời em chơi giữa vườn Xuân/ Bao bạn thân lấp ló gọi em tung tăng sân nhà/ Đá bóng với đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm/ Ôi hấp dẫn tuyệt vời, nhưng mà em hổng dám đâu// Không dám đâu, em còn phải học bài/ Không dám đâu, em còn phải làm bài/ Sao khó ghê, mai mình phải ôn bài/ Không dám đâu, hổng dám đâu”.
Tích cực kiếm tìm đề tài mới
Hỏi về kết quả những năm tháng lao động nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho biết ông đã viết hơn 2.000 ca khúc, hơn 20 hợp xướng, hơn 10 tác phẩm thính phòng và giao hưởng. Ông cũng viết nhạc cho vở kịch nói Người yêu tôi là hoa hậu, viết nhạc cho phim truyền hình Cay đắng mùi đời...
Để có được một sự nghiệp âm nhạc như thế, nhạc sĩ luôn mở rộng miền đề tài của mình. Ông tìm cảm hứng và chất liệu nghệ thuật trong các sân trường. Học sinh tiểu học được học, được hát nhạc Nguyễn Văn Hiên như đã nói ở trên. Học sinh THCS được học, được hát Một thời để nhớ, sách Âm nhạc và Mỹ thuật 8, bộ hiện hành. “Về thăm trường xưa nhớ cơn mưa năm nào/ Nhìn sân trường xưa nhớ lúc bên nhau/ Những tháng năm bây giờ đã phôi phai không ngờ/ Những ước mơ tuổi hồng sao không nhớ/ Những tháng năm mong chờ đã trôi qua bao giờ/ Những tháng năm tuổi hồng bao ước mơ”.
Nguyễn Văn Hiên đồng hành cùng người mở đất mới, xây dựng cuộc sống mới để tìm tứ nhạc mới. Ông cùng nhà thơ Lệ Bình tìm tới nơi “đồi núi đọc thơ, suối khe hòa nhạc” để có “tầm cao mới” cho tác phẩm Khúc hát Di Linh. “Ơi cao nguyên nơi ta hò hẹn/ Núi kết đồi tạc dáng rồng bay/ Niềm mơ ước đong đầy mưa nắng/ Hương cà phê tỏa ngát tận chân mây/ Lâm Viên xưa nay đẹp hơn tranh/ Đồi núi đọc thơ suối khe hòa nhạc/ Hương hoa trái cất cao khúc hát/ vươn tầm cao mới, Di Linh ơi”...
Nguyễn Văn Hiên nghiêm trang trong ca khúc chính trị, sôi nổi trong các bài hát phong trào, tha thiết, đằm thắm trong các tình khúc, thế mới có các tuyển tập Một chút gì để nhớ, Tình khúc mùa Xuân... Ông cần cù đào sâu chữ nghĩa, tìm kiếm đề tài trong tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời. Ông có các ca khúc như Ngọc trong đá (từ truyện Nguyễn Đông Thức), Tình nhỏ làm sao quên (từ truyện Đoàn Thạch Biền), Bồ câu không đưa thư (từ truyện Nguyễn Nhật Ánh)…
“Bồ câu không đưa thư hay lòng ai không dám/ Bồ câu không đưa thư cho lòng ai bàng hoàng than thở/ Bồ câu ơi để lòng ai mơ ước/ Bồ câu ơi nhịp cầu nối hai người không ghét nhau// Bồ câu không đưa thư hay lòng ai không dám/ Để khi chia tay nhau ôm một mối tình lặng suốt đời” - trích từ ca khúc Bồ câu không đưa thư.
Từ rung cảm về nhạc võ Tây Sơn
Năm 1992, Nguyễn Văn Hiên tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM. Năm 2014, ông bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ âm nhạc với đề tài Nhạc võ Tây Sơn. Ông tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Định, nên việc nghiên cứu đề tài về nhạc võ Tây Sơn không ngoài mục đích góp phần vào việc bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này”.
Ngày xưa dàn nhạc võ Tây Sơn gồm mười sáu trống chiến, ngoài ra còn có tù và, kèn, chiêng, phèng la… là những nhạc cụ hỗ trợ. Trong đó, trống chiến là linh hồn của nhạc võ. Khi đánh trống, hai bàn tay cầm dùi trống của nghệ nhân phụ trách mười hai chiếc, bốn chiếc còn lại đánh bằng hai gót chân và hai khuỷu tay.
Nhạc võ Tây Sơn chính là những hiệu lệnh được biểu hiện bằng âm nhạc để điều binh khiển tướng trong các trận mạc với những giai điệu và tiết tấu mang tính báo hiệu: tập hợp quân, hành quân, công thành, hãm thành… và khải hoàn, thu quân.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Vì mến thương cuộc sống nên được cuộc sống mến thương
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'
Trên con đường âm nhạc của mình, theo yêu cầu cuộc sống, nhiều tác phẩm của Nguyễn Văn Hiên được sáng tác theo tinh thần xung trận của nhạc võ Tây Sơn. Năm 1978, khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, Nguyễn Văn Hiên đã cùng các bạn học tới trận chiến biên giới Tây Nam, đào hào, đắp lũy, cắm chông để giữ đất Việt Nam. Tại đây, ông đã viết ca khúc Chiều biên giới: “Chiều nay đứng nơi đây trên vùng biên giới này/ Em thấy cả trời quê hương mến thương/ Bàn tay em đã cắm từng mũi chông bên ngọn cỏ/ Bàn tay em đã đắp những tuyến đê chiến đấu/ Hờn căm biết bao nhiêu lũ quân thù xâm lấn/ Trên chiến hào này lời đất gọi sôi sục trong tim/ Cây súng bên mình giữ từng tất đất quê hương”.
Giai điệu và ca từ của bài hát đã có chất nhạc võ Tây Sơn mà Nguyễn Văn Hiên đã chỉ ra trong luận văn thạc sĩ của mình. “Phối hợp tài tình giữa những đặc tính dũng mãnh, uy lực của trường phái võ thuật dân tộc, với những thuộc tính mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật âm nhạc dân gian”.
Kể chuyện một trận chiến bằng điệu thức mang hơi hướng dân ca Nam bộ, bằng một giọng nữ mềm mại. Mềm mại khi để ngọn cỏ đứng bên cạnh mũi chông, mềm mại hình ảnh lúa vàng trĩu bông, hình ảnh bà mẹ ru con, mềm mại trong tiết điệu 3/4 nhịp nhàng. Nhưng tiết điệu ấy có nhiều đảo phách, như là dấu hiệu của biến động, là cửa mở, để khúc “hành quân xa” dũng mãnh vang lên như một điển cố âm nhạc. Chính bước hành quân ấy đưa bài hát tới nhịp kết, kết bằng một lời nguyền đầy uy lực: “Cây súng bên mình giữ từng tấc đất quê hương”.
Nguyễn Văn Hiên cho biết, từ rung cảm và hiểu biết về nhạc võ Tây Sơn ông đang viết một opera rock về anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, người từng: “Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”.
Nguyễn Văn Hiên từng có tên trong Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từng là Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, chuyên viên phòng Công tác chính trị của Đại học Kinh tế TP.HCM, Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM… Năm 2005, hợp xướng Bài ca thống nhất được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hiện sống tại TP.HCM. |
Trần Quốc Toàn
Tags