(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như muốn tìm một địa điểm nào để có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất về không khí SEA Games tại Việt Nam thì đó chỉ có thể là Trung tâm HLTTQG Hà Nội - nơi vẫn được gọi một cách rất thân thuộc và ngắn gọn là “Nhổn”. Chỉ cần bước qua cánh cổng lớn phía ngoài trung tâm, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự hối hả và khí thế rất… SEA Games tại đại bản doanh của Thể thao Việt Nam (TTVN) trong những ngày này.
- Tuyển nữ Việt Nam đối mặt nguy cơ bị 'bỏ rơi' ở SEA Games 29
- Thể thao Việt Nam sẵn sàng cho SEA Games 29
SEA Games không chỉ của riêng VĐV, HLV
Khi SEA Games 29 cận kề, tất cả các phòng ban chức năng của Trung tâm HLTTQG Hà Nội cũng bước vào giai đoạn hoạt động hết công suất, bởi đây chính là giai đoạn chuẩn bị cần có chất lượng cao nhất, đảm bảo nhất để mỗi VĐV có được đầy đủ hành trang trước khi lên đường tới Malaysia.
“Kể từ ngày 1/6 khi chế độ ăn đặc biệt dành cho các VĐV dự SEA Games 29 được áp dụng (300.000đ/người/ngày), nhà bếp tại Trung tâm cũng phải thay đổi cách phục vụ và chuẩn bị đồ ăn đa dạng hơn. Ngoài việc ăn các món tự chọn, nhà bếp cũng phải cố gắng đáp ứng việc ăn theo nhu cầu, theo yêu cầu chuyên môn của mỗi đội tuyển trước thềm SEA Games 29.
Bên cạnh việc đáp ứng thực đơn đảm bảo 3 bữa ăn hàng ngày, còn là hoa quả tươi, sữa và các loại thực phẩm thuốc khác để VĐV, HLV có được thể lực tốt nhất”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội cho biết.
Không chỉ nhà bếp, các cán bộ phục vụ ở phòng hồi phục tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội cũng “mướt mồ hôi” trong những ngày này. Với yêu cầu tất cả các VĐV dự SEA Games đều phải được hồi phục sau tập luyện, nên khu vực phục hồi mở cửa thường xuyên, bất kể ngày đêm để đáp ứng nhu cầu massage, xông hơi, xoa bóp của các tuyên thủ.
Đội ngũ bác sỹ, cán bộ y tế làm việc tại Trung tâm cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi sát sao từng VĐV ở từng đội tuyển để nắm bắt kịp thời tình hình thể lực, chấn thương.
Tất cả phải được HLV và bác sỹ báo cáo hàng ngày để có phương án giải quyết. Nói đơn giản như việc dịch sốt xuất huyết đang hoành hành trong những ngày vừa qua cũng được Trung tâm đặc biệt lưu ý có biện pháp phòng chống rất hiệu quả.
“Sức khỏe của VĐV là đặc biệt quan trọng trước giờ họ lên đường nên không chỉ riêng VĐV, HLV, mà tập thể cán bộ, nhân viên các phòng ban chức năng của Trung tâm cũng ý thức được vấn đề này.
Chúng tôi đang dốc sức để giúp các tuyển thủ của đoàn TTVN tập luyện tại đây có được sự chuẩn bị tốt nhất trước giờ lên đường”, vẫn theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Giải tỏa áp lực tâm lý
Công tác chăm sóc sức khỏe và bám sát giáo án chuyên môn hàng ngày để nắm bắt trình độ chuyên môn của các VĐV là yêu cầu hàng đầu nhưng vẫn còn một bài toán hóc búa nữa mà những cán bộ của “Nhổn” cũng phải thường xuyên quan tâm, đấy là việc giải tỏa áp lực tâm lý và động viên tinh thần cho các tuyển thủ trước mỗi kỳ cuộc của đoàn TTVN.
Việc tập luyện vất vả và lo lắng về thành tích, chỉ tiêu diễn ra hàng ngày trong một thời gian rất dài nhiều khi trở thành áp lực với mỗi tuyển thủ, trong bối cảnh càng gần đến ngày thi đấu, việc quản lý VĐV lại diễn ra khá nghiêm ngặt. Vì thế, nếu không có “liều thuốc cho tinh thần” có thể sẽ khiến các tuyển thủ trở nên căng thẳng và không đạt hiệu quả cao nhất trong tập luyện và thi đấu.
“Để giúp các VĐV giải tỏa bớt áp lực, Trung tâm HLTTQG thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa và mời các chuyên gia giỏi đến nói chuyện để giúp các VĐV có được tâm lý tốt hơn.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, chăm sóc tinh thần và động viên thường xuyên cũng giúp giảm tải áp lực, trở nên phấn chấn và tự tin hơn. Điều này sẽ tác động rất lớn tới hiệu quả trong thi đấu và giúp các tuyển thủ giành được thành tích cao nhất trong các cuộc tranh tài”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Trong hơn nửa tháng qua kể từ ngày quy định “cấm trại” tại “Nhổn” được ban hành, việc đi ra ngoài vào thời gian rảnh của các tuyển thủ bị hạn chế tối đa và VĐV chỉ được phép ra ngoài trong thời gian quy định với những việc thực sự cần thiết có ý kiến từ BHL, nhưng tất cả đều thực hiện khá nghiêm túc và không cảm thấy quá bị gò bó.
“Đời sống tinh thần của các VĐV cũng thường xuyên được lãnh đạo Trung tâm quan tâm và chăm sóc thể hiện qua các hoạt động ngoại khóa. Bọn em cũng ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình với đoàn TTVN nên cố gắng hạn chế những hoạt động không cần thiết sau giờ tập luyện.
Lúc này chỉ tập trung hết mình với mong muốn giành được thành tích cao nhất tại SEA Games 29 để mang vinh quang về cho Tổ quốc”, một thành viên của ĐTQG TDDC chia sẻ.
“Nhổn” gánh ít nhất 60% chỉ tiêu huy chương của đoàn TTVN tại SEA Games
Xứng đáng với tên gọi đại bản doanh của TTVN, ở mỗi kỳ SEA Games gần đây, số lượng huy chương các loại mà các tuyển thủ ăn tập tại “Nhổn” giành được thường chiếm ít nhất 60% tổng số thành tích mà đoàn TTVN giành được.
Đa phần huy chương trong số này thuộc về các đội tuyển có thâm niên tại “Nhổn” như điền kinh, bắn súng, thể dục, cử tạ, nhóm các môn võ, vật. Tại SEA Games 29 trong bối cảnh nhiều nội dung, nhiều môn thế mạnh của TTVN bị cắt giảm, vai trò và trách nhiệm của các VĐV, HLV tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội càng trở nên nặng nề hơn. Theo dự báo, các tuyển thủ tại “Nhổn” cũng có thể giành được từ 30-33 HCV trên đất Malaysia những ngày tới đây.
Vũ Lê
Tags