"Là xứ sở du lịch, là quê hương của hạnh phúc thì không thể chấp nhận tình trạng ăn xin đeo bám du khách được, cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng này trước thềm Festival Huế 2014" - ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
Ăn xin có tổ chức
Sau thời gian tạm lắng, tình trạng ăn xin hiện nay đang rộ lên, đặc biệt là tại các điểm du lịch tâm linh, nơi khách hành hương rộng lòng từ bi để cầu an, các đối tượng “cái bang” kéo đến bày đủ trò để xin tiền du khách. Trong đó, điểm báo động nhất là Trung tâm Thánh tích Quán Thế Âm (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), hàng trăm “cái bang” thường trực ở đây để hành nghề.
"Cái bang" tụ tập đông đảo, tạo ra khung cảnh nhếch nhác ở chốn linh thiêng
Đến thăm điểm du lịch tâm linh Thánh tích Quán Thế Âm, chị Hoàng Thị Yến, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh phải thốt lên: “Tại sao ở Huế ăn xin nhiều quá trời! Thấy một người ăn xin khóc lóc tôi vừa cho 50 nghìn thì lập tức ba người khác ùa đến, cho thêm ba người thì đã có hơn hai chục người vây lại. Làm sao tôi cho hết được và phải bỏ đi nhanh thôi. Thật buồn là đến chổ từ bi nhưng thấy lòng không thoải mái chút nào”.
Ông Nguyễn Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, cho biết qua nắm tình hình thì đối tượng ăn xin là trẻ em và người già trên địa bàn xã chỉ có 16 người, còn lại từ các địa phương lân cận và nhiều nhóm của các tỉnh khác như Quảng Trị, Quảng Nam kéo đến. Người ăn xin tụ tập đến đây chủ bằng xe ô tô 24 chỗ ngồi, hoặc có người được chở đến bằng xe máy từ sáng sớm rồi đến chiều tối lên đón về rất có tổ chức. Vào những ngày lễ trọng có đến 4, 5 xe ô tô biển số các tỉnh khác chở hơn 150 người đến đây ăn xin.
Để xảy ra tình trạng ăn xin tràn lan tại Trung tâm Thánh tích Quán Thế Âm trong dịp đầu năm Giáp Ngọ, ông Nguyễn Thái giãi bày, do lực lượng mỏng trong khi phải tập trung đảm bảo an toàn giao thông và phòng chống cháy rừng tại khu vực tượng đài nên không quán xuyến được người ăn xin. Mặt khác, xã cũng chỉ có thể xua đuổi và vận động chứ thu gom, di chuyển đối tượng ăn xin đi là rất khó.
Ông Lê Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cũng cho biết, do khách hành hương quá đông trong khi lực lượng tại chỗ của xã ít nên không thể kiểm soát được, nhiều đối tượng ăn xin lợi dụng tình hình này đổ về ăn xin càng nhiều. Hơn nữa, một số hộ gần Thánh tích Quán Thế Âm còn chứa chấp ăn xin nên tình hình càng phức tạp. Mặt khác, chỉ lực lượng của xã cũng không đủ để khống chế, di chuyển đối tượng, trong đó các vấn đề hồ sơ thủ tục, quản lý người... đòi hỏi đúng quy trình nên rất khó cho xã.
Sẽ không có ăn xin đeo bám du khách trong Festival Huế 2014
"Cái bang" đeo bám du khách
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, là xứ sở du lịch, là quê hương của hạnh phúc thì không thể chấp nhận tình trạng ăn xin, đeo bám du khách được. Vấn đề này tỉnh đã chỉ đạo xử lý từ lâu nhưng các ngành và địa phương thực hiện vẫn chưa quyết liệt, chưa thường xuyên nên tình trạng ăn xin, đeo bám du khách mới quay trở lại, cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng này trước thềm Festival Huế 2014.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị đến các thôn, xóm, hộ gia đình. Đối với tình trạng ăn xin hoành hành tại Trung tâm Thánh tích Quán Thế Âm, tỉnh đã giao thị xã Hương Thủy chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện cùng xã Thủy Bằng và có sự hỗ trợ của sở, ngành liên quan để chấn chỉnh ngay, phải làm mạnh, làm quyết liệt và triệt để.
Để làm sạch môi trường du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện rà soát một cách tổng thể tất cả các điểm du lịch có hiện tượng ăn xin, đeo bám du khách nhằm thực hiện thu gom, phân loại các đối tượng để trả về địa phương và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa. Nếu đối tượng trong tỉnh thì mời trực tiếp lãnh đạo địa phương đến nhận về và cam kết trách nhiệm của lãnh đạo không để xảy ra tình trạng này nữa. Đối với các đối tượng ngoài tỉnh, mời các tỉnh đến nhận, hoặc trả về tận địa phương. Mọi việc đến cuối tháng 3 phải hoàn thành và đến Festival Huế 2014 sẽ không còn bóng dáng ăn xin đeo bám du khách trên địa bàn tỉnh.
Trần Ngọc
Tags