(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết của một CĐV cực đoan Deportivo trong vụ ẩu đả bên ngoài SVĐ Vicente Calderon hôm Chủ nhật đã làm dấy lại tranh cãi bao năm nay giữa chính quyền và lãnh đạo làng bóng đá Tây Ban Nha.
Ai phải chịu trách nhiệm cho những cái chết thương tâm như vậy vẫn mãi là câu hỏi chưa có đáp án?
Đổ vấy trách nhiệm
Sáng ngày 30/11, CĐV Francisco Javier Romero Taboada (43 tuổi) của Deportivo được xe cấp cứu đưa tới bệnh viện Clinico San Carlos trong tình trạng nguy kịch. Ông là nạn nhân của vụ loạn đả giữa nhóm CĐV cực đoan (ultra) của Atletico Madrid và Deportivo trước trận đấu giữa hai đội tại vòng 13 Liga bên ngoài SVĐ Vicente Calderon. Dù đã dùng máy sốc điện nhưng các bác sĩ vẫn không thể cứu được tính mạng của ông.
Cảnh sát đặt giả thiết cho rằng Taboada đã bị đánh đến bất tỉnh rồi bị ném xuống sông Manzanares vốn đang trong tình trạng gần như đóng băng. Khi được đưa lên bờ, đầu của Taboada có nhiều vết thương, thân nhiệt hạ thấp và tim dường như đã ngừng đập.
Đó là cú sốc lớn đối với làng bóng đá Tây Ban Nha. Quá trình mổ xẻ nguyên nhân kéo theo một loạt những tuyên bố đổ vấy trách nhiệm. Chủ tịch Atletico và Deportivo khẳng định CLB không liên quan tới những vụ loạn đả trên, mà đó là cách giải quyết mâu thuẫn của những nhóm CĐV cực đoan.
Trong khi đó, báo chí kịch liệt chỉ trích sự chậm trễ của chính quyền, cụ thể là lực lượng cảnh sát, trong việc ngăn chặn những hiểm họa bên ngoài sân cỏ. Vụ ẩu đả xảy ra hơn 3 giờ đồng hồ trước khi trận đấu diễn ra đã không được Ủy ban Quốc gia Chống bạo lực thuộc Bộ Nội vụ liệt vào dạng “nguy hiểm cao”. Thế nên chỉ có khoảng 150 cảnh sát đến làm nhiệm vụ bên ngoài sân chỉ 2 giờ đồng hồ trước khi bóng lăn, thời điểm vụ ẩu đả đã xảy ra.
Còn Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) bị chỉ trích vì không có động thái ngừng trận đấu sau khi xảy ra sự vụ. Ảnh hưởng từ bạo lực bên ngoài sân cỏ có thể biến khán đài trở nên hỗn loạn. Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Tây Ban Nha nhận thấy hiểm họa có thể ập đến nhưng chẳng thể liên lạc với quan chức nào của RFEF- cơ quan cao nhất có quyền đề nghị trọng tài hoãn trận một khi có sự cố.
Loay hoay tìm giải pháp
Bóng đá châu Âu từ lâu đã phải đối đầu với vấn nạn Hooligan, đặc biệt là tại Anh. Chính phủ Anh từng phải tạo nên toa tàu mang tên "Football Special" để góp chung những Hooligan mỗi lần họ đi cổ vũ ở sân khách. Nhưng dần dần giải pháp này bị bãi bỏ vì có ý kiến cho rằng nó vi phạm nhân quyền.
Sau xung đột giữa Millwall và Newcastle tháng 4 năm nay, quan chức bóng đá lại họp bàn tìm giải pháp. Đầu tiên là phương án đẩy giờ thi đấu lên sớm hơn, thời điểm các quán bar chưa đông đúc và CĐV khách không có nhiều thời gian tán gẫu để gây sự. Nhưng nó thiếu tính khả thi vì liên quan đến gói bản quyền truyền hình và công tác tổ chức.
Phương án thứ 2 là san sẻ lượng an ninh trong sân ra bên ngoài cũng bị bãi bỏ vì lo ngại liên quan đến kinh nghiệm giải quyết ẩu đả của chính những người này. Giải pháp thứ 3 khả thi nhất là tăng số lượng cảnh sát bảo vệ bên ngoài sân lại vấp phải sự cản trở vì mâu thuẫn giữa chính quyền và ban tổ chức giải đấu về chi phí phát sinh một khi tăng cường lực lượng.
HLV Diego Simeone cho rằng vụ việc xảy ra ở Madrid là vấn đề của xã hội, không phải của riêng bóng đá. Ông hoàn toàn đúng. Nếu những năm 1960 người ta chứng kiến sự manh nha của hooligan trong bóng đá thì bây giờ nó đã “nảy mầm”, thành những nhóm có tổ chức, có truyền thống. Điểm qua có Boixos Nois- quy tụ những thành phần bất hảo ở Catalunya, Riazor Blues- nhóm CĐV cực đoan của Deportivo hình thành từ năm 1987, nhóm Frente Atletico- nhóm CĐV cực đoan của Atletico Madrid thành lập từ năm 1982 và nhiều nhóm khác như Ultra Sur (Real Madrid), Herri Norte (Athletic Bilbao) hay Ultra Boys (Sporting Gijon)...
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa