Không phải vài nghìn, vài vạn, mà có lẽ số khóa trên thành của một bên cây cầu nổi tiếng Hohenzollern bắc qua sông Rhine có lẽ phải lên tới con số hàng trăm nghìn. Một buổi chiều nắng rực rỡ phủ một màu vàng rực lên Cologne trước trận Anh-Slovenia, tôi đi từ nhà thờ Dom huyền thoại của thành phố để đến bên cây cầu ấy, và chiêm ngưỡng những tuyên ngôn tình yêu của con người.
Từ nhà thờ Dom, biểu tượng của Cologne, đến cây cầu ấy rất gần, chỉ vài bước chân, và những con tàu chạy qua sông Rhine để đến với nhà ga trung tâm của Cologne vẫn tất bật rời hoặc đến ga, ngày ngày chở theo biết bao nhiêu con người, bao câu chuyện và số phận. Không biết những ngày EURO này, có đôi uyên ương của đội nào đó đã đi qua cây cầu trên những chuyến tàu ấy, sau đó khóa chiếc khóa tình yêu của mình vào thành cầu?
Thông điệp của tình yêu
Có đủ các loại khóa khác nhau, đủ loại kịch cỡ và màu sắc và được khóa lên bởi rất nhiều người mang quốc tịch khác nhau.
Có cái to, cái nhỏ, có những khóa còn rất mới, nhưng cũng có những chiếc đã hoen rỉ, đổi màu cùng tháng năm, hoà cùng với màu của chiếc cầu thành một vệt thời gian dần dần trôi qua tháng năm. Có khóa kiểu bình thường, có khóa dây, lại có cả những loại khóa số mà có lẽ những con số trên vòng xoay biểu thị ngày mà một đôi lứa nào đó đã yêu nhau và thề nguyện điều gì đó trên cầu. Lại có những chiếc khóa có buộc một dải ruy băng màu xanh, dấu hiệu cho thấy đã có một kết thúc có hậu với một đôi lứa yêu nhau nào đó: Họ đã có với nhau một con trai và họ đến đây để buộc ruy băng ấy vào chiếc khóa của mình. Lại có một chiếc khá to bày tỏ tình yêu, nhưng không phải là tình yêu trai gái, mà là tình yêu với người mẹ của mình. Và còn rất nhiều, hàng trăm nghìn câu chuyện đằng sau những chiếc khóa, mà chìa của nó đã được ném xuống sông Rhine, con sông lớn nhất nước Đức.
Kể từ năm 2004, sau khi tiểu thuyết "Tre metri sopra il cielo" (Ba mét trên thiên đường) của nhà văn người Ý Stefano Moccia được dựng thành một bộ phim tình yêu cho tuổi ô mai mơ, với diễn xuất để đời của Riccardo Scamarcio và Kate Saunders, mốt khóa tình yêu lan đi khắp nơi, bắt đầu từ cây cầu Milvio nổi tiếng ở Rome. Step và Baby, hai nhân vật chính do các diễn viên này đóng, đã thề nguyện yêu đương, rồi khóa chiếc khóa của mình trên cầu Milvio và sau đó ném chìa xuống sông. Làn sóng lan đến cả Cologne, với cây cầu Hohenzollern chạy thẳng vào tim nhà thờ Dom. Các cây cầu trở thành chứng nhân câm lặng cho những câu chuyện tình của biết bao lứa đôi.
Người ta ước tính có khoảng nửa triệu chiếc khóa trên thành cầu, khiến chiếc cầu có nhiệm vụ kết nối hai bờ sông Rhine cho tàu hoả và người đi bộ ấy nặng thêm khoảng 15 tấn nữa. Nhưng không giống như ở Paris và Rome, nơi người ta phải gỡ bớt khóa khỏi nhiều cây cầu bắc qua sông Seine và Tiber, ngành đường sắt Đức hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chịu tải của cầu và không thấy có bất cứ lí do gì phải gỡ khóa đi. Hohenzollern trở thành cây cầu tình nổi tiếng nhất thế giới với lí do nó gánh trên mình nhiều khóa nhất, đến mức mấy trăm mét thành cầu không còn một chỗ trống dù là nhỏ nhất. Các khóa cứ lớp nọ gắn vào lớp kia và khi không còn khóa thêm được vào đâu nữa, người ta bắt đầu trèo lên các thanh cột cao của cầu và khóa.
Kết luận: Không gì có thể ngăn cản được việc người ta làm tất cả những gì có thể để kỉ niệm một tình yêu. Và như thế, tình yêu đẹp và sẽ mãi được khắc nhớ kể cả khi nó không đi đến đâu cả. Chẳng có cơ chế hay quy định nào bắt ai đó đã chia tay nhau phải trở lại cây cầu và huỷ chiếc khóa đi. Đơn giản có thể là họ không tìm được nó, không tháo được nó ra vì làm gì còn chìa, hoặc muốn để nó lại đó mãi mãi, như là nhân chứng của một mối tình chết.
Những cây cầu bên sóng nước tình yêu
Những cây cầu trong điện ảnh luôn đẹp. Paris trở nên lãng mạn hơn nhiều thông qua những cảnh quay trong các bộ phim tình yêu. Ở đó, các đôi gặp gỡ nhau, yêu nhau, hôn nhau, hẹn ước với nhau, hoặc chia tay nhau, hoặc có một trong hai người trở lại cây cầu nào đó bắc qua sông Seine để nhớ đến một cuộc tình đã chết. Cái khóa của họ vẫn còn nguyên đấy, với ngày tháng khóa lên vẫn chưa phai, chỉ còn người xưa đã không còn ở bên nữa. Cũng rất lãng mạn là một vài sân sân vận động mùa EURO cũng nằm bên sông, như sân của Leipzig (bên sông Elster), Dusseldorf (bên sông Rhine) hay Stuttgart (bên sông Neckar). Những buổi đêm sau trận đấu, đi qua những cây cầu ấy và nhìn lại sân bóng rực rỡ màu sắc thấy thật đẹp. Nhưng đương nhiên sẽ đẹp hơn nếu đội bạn ủng hộ chiến thắng.
Số phận của cây Hohenzollern được các đôi yêu nhau gọi là "cầu tình" này cũng khá lận đận. Được xây dựng từ 1907 đến 1911 dưới thời của Hoàng đế Wilhem II, với tên gọi "Cầu của hoàng tộc Hohenzollern", dòng họ đã cai trị nước Phổ và sau đó là Đế chế Đức, nó đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với quân đội Đức quốc xã trong Thế chiến II (1939-1945). Tháng 3/1945, chính quân Đức đã cho nổ cây cầu để ngăn cản đà tiến của quân Đồng minh đang tấn công vào nước Đức. Cây cầu hiện tại được tái thiết với kiến trúc đúng như cũ và sau đó được mở thêm làn để tàu hoả chạy qua. Có khoảng 1.200 chuyến tàu chạy qua đây mỗi ngày. Đứng ngay cạnh đó từ thế kỷ 13, Dom, nhà thờ cao thứ 3 thế giới, đã sống sót một cách thần kỳ trong những đợt ném bom của quân Đồng minh trong Thế chiến II, trong khi toàn bộ khu cổ của Cologne đã bị san phẳng. Điều gì đã xảy ra khi đó? Phải chăng, đó là ý Chúa, là tình yêu của Chúa?
Chợt nhớ một bên sông Thames những thông điệp tình yêu khác, nhưng không phải qua những chiếc khóa, mà là những hình vẽ của bao trái tim, bao dòng chữ nguệch ngoạc trên tường bằng sơn, bằng bút dạ, và cả bằng bút chì. Đấy là những thông điệp nghẹn ngào thể hiện tình yêu với những người đã mãi ra đi trong mấy năm đại dịch ở Anh. Ở trên nhiều thành cầu ở London cũng như nhiều thành phố khác là những thông điệp khuyên những người trầm cảm hãy yêu cuộc sống hơn, hãy ở lại với cuộc đời, hãy tìm đến sự giúp đỡ thay vì nhảy xuống những con sông phía dưới.
Trên cây cầu Hohenzollern, không thấy những thông điệp vì sự sống ấy. Bởi lẽ người ta đến đây đã hạnh phúc lắm rồi, đi giữa sông nước mênh mang chỉ để yêu chứ không còn ý nghĩ nào khác. Yêu cây cầu Hohenzollern, yêu Cologne, yêu nhau, yêu cuộc đời và yêu chính mình.
Tags