(Thethaovanhoa.vn) - Vâng, nếu cách đây một tháng mà có ai nói về tuyển Italy rằng “Một đội hình quá đẹp” thì chắc chắn, người đó sẽ bị nhìn như một kẻ “cuồng Italy” cỡ Trương Anh Ngọc hay Lý Chánh. Nhưng nếu lời nói ấy được đưa ra vào lúc này, sẽ chẳng có một ngờ vực nào dành cho chủ nhân của những ngôn từ ấy cả.
1. Tôi, một người ghét tuyển Italy (nhất là sau trận chung kết World Cup 2006), đã phải thốt lên như thế với Cinzia, một quý cô người Italy đang sinh sống ở Sài Gòn. Và trả lời tôi, Cinzia rành rọt từng tiếng “Una Bella Squadra” sau khi giải thích “cậu phải nói điều ấy bằng tiếng Italy”.
Hôm qua, sau chiến thắng của Italy trước TBN, tôi ngồi café với Lý Chánh, và nghe anh nhận xét về Italy bằng một ý rất… Italy. “Minh thấy không, Italy giống như một người từng là đại gia, là tinh hoa, sống thượng lưu nhưng rồi cuộc đời sa cơ lỡ vận và phá sản. Nhưng khi được đặt chân vào một khách sạn sang trọng, một nhà hàng năm sao cao cấp, người ấy vẫn có những hành xử rất đẳng cấp”, Lý Chánh, người mê mẩn những món ăn, mê mẩn những nhà hàng, đã nói với tôi như thế. Và tôi thấy thú vị với ý kiến ấy. Đúng, tuyển Italy bước vào EURO kỳ này với… không ngôi sao nào. Họ chẳng khác một đại gia tinh hoa sa cơ lỡ vận, bị nhìn như kẻ không xu dính túi ở kỳ EURO mà ai cũng nói về Đức, TBN, Pháp, Bỉ, Anh. Vậy mà Italy vẫn chứng tỏ bản lĩnh một đại gia, khi bước vào nhà hàng năm sao mang tên EURO 2016 một cách vô cùng đàng hoàng, đúng phong cách thần thái của một người từng làm chủ những nhà hàng như thế. Và trên bàn ăn của họ, lần lượt những món cao cấp đã bị họ “dùng qua” mà điển hình là Bỉ và TBN.
2. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những gì Italy đang làm hôm nay, chúng ta chắc sẽ ngỡ ngàng nhận ra rằng, thực chất họ chẳng sa cơ lỡ vận như chúng ta vốn nghĩ. Chỉ là chúng ta ít theo dõi Serie A hơn, chúng ta quan tâm tới Premier League và La Liga nhiều hơn, nên chúng ta bỏ quên mất các cầu thủ Italy, nhất là những cầu thủ trẻ. Điều đó giống y như việc vị đại gia ngày nào bỗng dưng một vài năm ít giao du, ít xuất hiện trong những buổi tiệc hào nhoáng, và công chúng cũng không nhớ ra rằng đã có một đại gia như thế tồn tại để rồi dẫn tới việc, có những người coi thường một người đã-từng-là-đại-gia.
Song, tất cả đều ngạc nhiên khi đại gia ấy xuất hiện trở lại, hào nhoáng và sang trọng như ngày nào, tạo ấn tượng với tất cả những cô gái vốn dĩ chỉ thấy trong mắt mình những công tử trẻ tuổi lịch lãm như tuyển Anh hay những chàng thiếu niên hưng phấn như tuyển Bỉ. Và chúng ta chợt nhận ra rằng, tuyển Italy hôm nay đúng nghĩa là một đội hình tuyệt đẹp, một “una bella squadra” đúng nghĩa mà chất lượng cầu thủ của họ có thể chẳng thua kém một đội tuyển lớn nào.
Hãy nhìn vào pha phản công ở hiệp 2, khi mà Pelle khéo léo gẩy gót chuyền cho Eder, chúng ta sẽ thấy các tuyển thủ Ý là những kỹ thuật gia đúng nghĩa. Họ vẫn chơi một thứ bóng đá mềm mại, uyển chuyển, mẫn cảm bất chấp việc Conte lựa chọn triết lý kiểm soát thế trận chứ không phải kiểm soát bóng. Họ phòng ngự bằng trận tuyến bày ra chứ không phải thứ phòng thủ tiêu cực của một kẻ cửa dưới. Họ vẫn là chính họ của mấy chục năm nay: chơi bóng bằng sự tinh tế, cả tinh tế trong ý tưởng lẫn trong hành động.
3. Nhà văn Italy Italo Calvino từng viết “Bước chân vào mỗi thành phố mới, người lữ khách sẽ luôn tìm thấy một phần quá khứ của mình mà anh ta tưởng rằng mình chưa bao giờ có”. Tuyển Italy hôm nay đẹp như một thành phố mới đối với mỗi chúng ta, và khi chúng ta bước vào thành phố ấy, chúng ta nhận ra ngay những phần quá khứ mà ta đã có với màu áo thiên thanh. Chúng ta thấy tất cả: Maldini ở đó; Baresi ở đó; Del Piero ở đó; Baggio ở đó… trong chính vóc dáng của những người như Giaccherini; Insigne; Pelle; Eder…
Và đó là lúc, chúng ta có thể thốt lên rằng “Una Bella Squadra”…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags