(Thethaovanhoa.vn) - EURO 2016 sẽ tạm nghỉ hai ngày sau khi kết thúc vòng đấu bảng. Và giới công đoàn Pháp định tận dụng thời điểm này để nối lại các cuộc tuần hành phản đối dự thảo cải cách Luật Lao động.
- Góc nhìn 365: Từ EURO đến 'Game of Thrones'
- Góc nhìn 365: Nhìn về một hướng
- Góc nhìn 365: Ronaldo cứ việc chơi dở đi, vẫn chưa đến giờ diễn!
Cầu thủ bóng đá thuộc các đội bóng lọt vào vòng 1/8 đương nhiên sẽ tập trung toàn tâm toàn ý cho những cuộc đối đầu sắp tới. Nhưng hẳn là họ cũng sẽ dõi theo những sự kiện trên một cách sát sao. Bởi theo luật của EU thì họ cũng là những người lao động, và kết quả của những sự kiện đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới sự nghiệp của họ.
Phán quyết Bosman làm thay đổi cả lịch sử bóng đá châu Âu năm 1995 đã xác lập cho các cầu thủ những quyền lợi cơ bản như những người lao động bình thường khác. Quyền lợi của các “công nhân-cầu thủ” ấy cũng được xác quyết qua điều khoản cầu thủ nào có quốc tịch ngoài EU muốn sang chơi bóng tại Anh phải nhận được giấy phép lao động.
Thế nên, một khi nước Anh rời khỏi EU, có thể các ngôi sao như Eden Hazard, Dimitri Payet sẽ không còn được coi là người lao động hợp pháp tại Premier League, và họ sẽ phải nhận giấy phép lao động để được hành nghề cho Chelsea và West Ham.
Rồi sẽ còn nhiều hệ lụy khác nữa, ảnh hưởng cả đến chuyên môn lẫn tài chính của chính các cầu thủ, CLB cũng như cả nền bóng đá Anh.
Tuy vậy, những hệ lụy ấy có bàn tới cả vài trang giấy cũng không hết, và cũng chưa lường trước được ảnh hưởng về lâu về dài. Điều quan trọng là vận mệnh của những người lao động Anh, Pháp có ra sao đều do chính họ quyết định, qua các cuộc trưng cầu, hay đấu tranh với giới chủ bằng hình thức tuần hành.
Trong một xã hội mà quyền lợi người lao động được tôn trọng đến thế, nếu có ai đó được hưởng đặc cách vì những lý do nhân văn thì chắc hẳn cũng sẽ không có những lời qua tiếng lại. Còn nếu Cristiano Ronaldo mà có được hưởng đặc lợi, thì chứng anh ta có năng lực hơn người, đơn giản thế thôi!
Hoàng Nhật
Tags