(Thethaovanhoa.vn) - “Với tiềm năng thể thao thành tích cao, đặc biệt là với bộ môn bơi lội ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chúng tôi đảm bảo rằng còn có thể phát hiện và đào tạo ra thêm rất nhiều Ánh Viên nữa, nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức…”, Thượng tá Bùi Hữu Nghi chia sẻ như thế với Thể thao & Văn hóa, sau khi Trung tâm TDTT Quốc phòng IV (Quân khu 9) nói riêng và bơi lội Việt Nam nói chung lại vừa đón thêm tin vui của Anh Viên từ nước Mỹ xa xôi.
Cần nhắc lại rằng, tại giải Spring Senior Championship (Mỹ) vừa kết thúc cách đây ít ngày, Thượng úy Ánh Viên đã xuất sắc giành 4 HCV và 2 HCB, trong tổng cộng 6 nội dung, mà kình ngư 18 tuổi này đăng ký tham dự.
Tự hào Ánh Viên
* Có thể thấy, Ánh Viên là một hiện tượng lạ trong lịch sử thể thao đỉnh cao Việt Nam. Ít ai tin rằng, cô gái vàng của làng bơi lội nước nhà lại được “sinh ra” từ Trung tâm TDTT Quốc phòng IV, vốn khá khiêm tốn về cơ sở vật chất, lại có tuổi đời non trẻ, thưa ông?
- Năm 2007, tức là 4 năm sau khi hồ bơi QK9 – CLB bơi lội Trung tâm TDTT Quốc phòng IV bây giờ, được xây dựng, bộ môn bơi lội chính thức được thành lập và chúng tôi mới tuyển sinh khóa đầu tiên bằng việc cử các HLV đi dự các giải Hội khỏe phù đổng cấp quận, huyện để phát hiện nhân tài.
Ánh Viên thuộc lứa năng khiếu nghiệp dư thứ nhất. Người phát hiện và huấn luyện Ánh Viên ở giai đoạn đầu là HLV Nguyễn Hoàng Giang, cựu tuyển thủ QG, lúc ấy đang làm việc theo hợp đồng với Trung tâm quốc phòng IV.
Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Sau khi phát hiện ra Ánh Viên, thông qua thầy dạy Viên ở trường học, năm lần bảy lượt, chúng tôi cất công tìm đến tận nhà thuyết phục gia đình cho cháu về học ở Trung tâm IV.
Để đảm bảo Viên sẽ có môi trường phát triển tốt nhất, gia đình Viên được mời lên Trung tâm IV tham quan và cam kết rằng, chuyện ăn ở, sinh hoạt và tập luyện của Ánh Viên gần giống như nề nếp bộ đội. Việc học văn hóa của Viên cũng phải tiến hành song song.
* Cho đến lúc này, khi Ánh Viên đã chạm tới đỉnh cao của bơi lội khu vực và hoàn toàn có khả năng đạt đến đẳng cấp Olympic, ông có cho rằng nó là cơ duyên, là may mắn hay đơn thuần là những nỗ lực rất tỉ mỉ của cả Ánh Viên lẫn đội ngũ HLV và Ban Giám đốc Trung tâm IV?
- Trong quá trình đào tạo và huấn luyện Ánh Viên, đội ngũ chuyên môn của Trung tâm đã nhất trí rằng, một ngày nào đó cô gái này sẽ đạt đến đỉnh cao.
Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, chúng tôi cảm thấy may mắn khi tìm được viên ngọc thô Ánh Viên, một VĐV có năng khiếu bẩm sinh, được phát hiện sớm (năm 10 tuổi, tại xã Gia Xuân, huyện Phong Điền, Cần Thơ), có tố chất phát triển lên đỉnh cao. Tuy niên, cần thêm rất nhiều ý chí, quyến tâm mãnh liệt từ bản thân, Nguyễn Thị Ánh Viên mới có được vinh quang như ngày hôm nay.
Và “cảm ơn Ánh Viên”
* Ánh Viên đang là thần tượng mới của giới trẻ, là “gói kích cầu” không thể tốt hơn để Trung tâm IV tiếp tục phát triển và ươm mầm những tài năng. Nhưng dường như, chúng ta đang giậm chân tại chỗ?
- Cần chắc rằng QK9 trước đây có đủ cả bóng đá, bóng chuyền…, nhưng bằng với thời gian, chúng tôi hiện chỉ còn đầu tư cho 3 môn mũi nhọn là bóng chuyền (đội nam sẽ tham dự giải VĐQG PV Oil 2014), bi sắt và bơi lội.
Do đặc thù quân đội quản lý, việc phát triển bộ môn nào phải do Bộ Tổng tham mưu quy hoạch và quyết định. Chúng tôi cũng đã đề nghị cho phát triển thêm bộ môn võ thuật, judo, bởi ĐBSCL có tiềm năng, mà Văn Ngọc Tú (Sóc Trăng) là một ví dụ. Nhưng cho đến thời điểm này, 2 năm qua đi nhưng đề nghị trên cũng chưa được xem xét.
Từ Ánh Viên, Trung tâm IV và cả Tư lệnh quân khu muốn đề xuất với Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm VĐV, đào tạo nhiều VĐV trong thể thao thành tích cao, đặc biệt là môn bơi lội.
* Trước và sau khi Ánh Viên tỏa sáng, CLB bơi lội thuộc Trung tâm IV hẳn phải có sự khác biệt lớn về số lượng các VĐV năng khiếu, cũng như bầu không khí tập luyện của thầy và trò?
- Trung tâm hiện có nhiều VĐV tiềm năng, với trên 30 kình ngư nhí tuổi từ 10 đến 15, trong đó có khoảng 3 cháu khá nổi trội và 2 trong số đó đang được gửi qua tập luyện ở đội dự tuyển quốc gia tại Trung tâm Thao quốc gia 4 tại Cần Thơ. Ánh Viên cũng đang có một cậu em trai, Nguyễn Quang Thuấn, 6 tuổi, nhưng đã tập được 1 năm ở Trung tâm IV rồi.
Theo quan sát và đánh giá của các HLV, các kỹ thuật về bơi sải, bơi ếch, của Thuấn đang được hình thành rõ nét và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Qua chia sẻ của ông Nghi và theo quan sát của Thể thao & Văn hóa, bể bơi QK9 đã xuống cấp, nứt lún, lại không có hồ bơi khởi động. Đó là lý do khiến Trung tâm IV chưa từng có vinh dự tổ chức bất cứ giải khu vực hay quốc gia, quốc tế nào. “Cần có kinh phí nâng cấp và đặc biệt là làm mái che, bởi nó rất cần thiết cho việc tuyển sinh các VĐV nữ, lứa tuổi 8-12, bởi có nhiều trường hợp, các em do bơi ngoài nắng, da đen xạm rất xấu, phụ huynh bắt con về, vì sợ con em mình đen như cá nược, sau này khó lấy chồng”, ông Bùi Hữu Nghi cho biết thêm. *** Vào lúc 14h00 chiều nay (5/3), Báo Thể thao & Văn hóa sẽ tổ chức buổi lễ trao giải “Ấn tượng vàng SEA Games 27” cho VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Buổi lễ được tổ chức long trọng tại Hội trường Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 4, Quân khu 9 (91/17B đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), với sự góp mặt của gia đình Ánh Viên, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu QK9, Ban Giám đốc Trung tâm IV, các HLV và VĐV trẻ, cũng như đông đảo cơ quan báo đài trung ương và địa phương. |
Trần Hải (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags