Đừng để V-League mãi 'hy sinh', không thể có kiểu 'mình thích thì dừng thôi'

Thứ Sáu, 24/02/2023 05:59 GMT+7

Google News

Trong "ngôi nhà" của bóng đá Việt Nam, giải VĐQG (V-League) có thể ví như người "anh Cả", nghĩa là lao động chính, kiếm tiền từ xã hội đem về cho nhà nhiều nhất, là trụ cột để cho đội tuyển quốc gia hay các lứa U phát triển. Vậy nhưng khi cần gì, thì người "anh Cả" đó lại cứ phải "nghỉ làm việc" tùy thích.

1. Việc dừng V-League để phục vụ cho hoạt động các đội tuyển là chuyện "nói dài, nói mãi". Tuy nhiên, có tranh cãi thì cũng chẳng thay đổi được gì, vì bản thân các CLB cũng không "dám" cưỡng lại vì ngại đụng chạm cũng như các phản ứng tiêu cực từ dư luận. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề là đặt V-League vào đúng vai trò của nó, để chứng minh rằng việc dừng V-League là có hại cho nền bóng đá nhiều hơn là có lợi.

Vấn đề nằm ở chỗ, để chứng minh điều đó, thì lại chẳng dễ dàng. Khi mà đa số các đội bóng vẫn đang "sống" bằng túi tiền của các ông bầu, doanh nghiệp thì cho dù việc dừng V-League khiến HLV, cầu thủ, người hâm mộ địa phương bức xúc, nhưng nếu các ông bầu – doanh nghiệp im lặng, thì cũng đành chịu. Đó là nguyên nhân cốt lõi.

Một khi không thể thống kê được các thiệt hại kinh tế, tinh thần đến từ việc dừng V-League thì không có lý do gì để phản đối việc dừng đó cả. Những yếu tố như phong độ, điểm rơi, nói cho cùng chỉ mang tính cảm tính, chuyên môn đặc thù và bao gồm cả lợi lẫn hại, nên không đủ sức thuyết phục.

Ngược lại, nếu việc dừng V-League gây ra các vụ kiện pháp lý, những tổn hại kinh tế, ảnh hưởng đến thương hiệu quảng cáo hoặc gây ra các khủng khoảng tài chính…, thì chắc chắn là dù có muốn thì chẳng có VFF hay VPF nào dám đơn phương dừng giải đấu lại được cả.

Đây chính là đặc thù của bóng đá Việt Nam. Cái gọi là "nền kinh tế V-League" rất mơ hồ, cho dù về khía cạnh tài chính thì có các con số cụ thể về chi phí hằng tháng, ngân sách tài trợ.  Nói cho dễ hiểu, tự thân V-League không làm ra tiền, doanh thu của một trận đấu không có giá cụ thể, chi phí tổ chức luôn cao hơn nguồn thu, các khoản thiếu hụt lại được "phù phép" thông qua khả năng rót tiền của doanh nghiệp hay ông bầu sở hữu. Tóm lại, chẳng biết mình kinh doanh ra sao thì không thể tính được thiệt hại mà mình phải gánh.

2. Nhưng cho dù nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có các tồn tại như vậy, thì cũng đừng bắt nó phải "hi sinh" mãi. Đây là câu chuyện "con gà và quả trứng".

Muốn V-League thực sự chuyên nghiệp, kiếm ra tiền thì phải bảo đảm được sự ổn định và khả năng vận hành liên tục của nó, qua đó mới đáp ứng các đòi hỏi về kinh doanh. Không thể thấy V-League chưa chuyên nghiệp nên cho rằng "có ai phàn nàn gì đâu, mình thích thì dừng thôi".

Nói dễ hiểu hơn, là nếu xem V-League như "anh Cả" thì phải cho nó thể hiện đúng vai trò. Dù có kiếm ra tiền hay chưa, thì "người anh Cả" này cũng phải làm việc, phải ra ngoài vận động tìm việc.

Câu chuyện thể thao: Đừng để V-League mãi "hy sinh" - Ảnh 1.

Mỗi lần V-League phải tạm hoãn dài ngày để phục vụ các ĐTQG luôn kéo theo rất nhiều hệ lụy cho các đội bóng dự giải. Ảnh: Hoàng Linh

Không tôn trọng vai trò của "anh Cả" thì làm sao đưa ra yêu cầu được. Không thể thấy "anh Cả" vô dụng mà cứ để yên như vậy. Đây là cách mà các nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần suy nghĩ thay vì cứ ép những thành viên khác trong nhà phải gánh vác trách nhiệm.

Rất tiếc, cho đến nay, chưa từng có một cuộc "đại phẫu" hoặc nhẹ nhàng hơn, là hội thảo nào chuyên sâu về vai trò của V-League theo đúng đặc thù Việt Nam. AFC "bắt" phải tách V-League ra độc lập, thì chúng ta tách. AFC muốn V-League thi đấu "vắt" sang 2 năm, thì chúng ta làm.

Nhưng về bản chất, các CLB hoặc quá trình vận hành, qui chế chuyên nghiệp thì vẫn chẳng khác gì 20 năm trước cả. Sự tồn tại của các CLB vẫn khá yếu ớt. Số lượng CLB không tăng, trong khi mức độ "ngốn tiền" của V-League thì tăng lên, từ chỗ 35-40 tỷ đồng/mùa nay đã gần 100 tỷ.

3. Tất nhiên cũng cần đặt câu hỏi: Liệu V-League có khả năng làm "anh Cả" được không?

Bản quyền truyền hình có giá trị lớn vừa qua là một dấu hiệu cho thấy V-League bắt đầu sinh lợi. Hợp đồng của HAGL với Carabao cũng cho thấy một con số rất lớn về tài trợ thuần túy. Hơn 10 năm trước, muốn gắn tên lên ngực áo một đội hàng trung V-League như Bình Định chẳng hạn, thương hiệu chỉ bỏ gần 4 tỷ đồng. Cùng thời gian đó, hợp đồng tài trợ V-League của Petro Gas chỉ vào khoảng 12 tỷ.

Sự phát triển của mạng xã hội cho phép các CLB khai thác thêm nguồn tài chính bên cạnh các hoạt động kinh doanh truyền thống. Nhiều hãng trang phục thể thao cũng đã nhảy vào tài trợ. Như vậy, đầu vào của doanh thu nhiều hơn, số tiền lớn hơn, thì trách nhiệm và các ràng buộc tài chính cũng sẽ phức tạp hơn.  Đó là chưa kể đến nguồn tiền khổng lồ mà hiện bóng đá Việt Nam chưa "chạm đến" được, từ xổ số thể thao.

Mặt khác, việc kinh doanh của các CLB không còn phụ thuộc nhiều vào thành tích của các đội tuyển quốc gia. Lấy ví dụ từ HAGL, họ thi đấu đâu có tốt, thành tích đì đẹt, nhưng vẫn có lượng CĐV riêng. Những Công Phượng, Xuân Trường, Hồng Duy có "thất sủng" trên đội tuyển thì về CLB vẫn có chỗ đứng riêng. Không thể lấy lý do thành tích đội tuyển sẽ tác động lên V-League được nữa, nên không cần bắt V-League phải "hi sinh" thêm. Ngược lại, phải tạo điều kiện, mở cơ chế, "bắt" V-League làm việc, động não để kiếm tiền mới đúng.

10 năm trước, khi Công ty VPF ra đời, việc đầu tiên của các ông bầu làm là giành lấy bản quyền của V-League. Cùng lúc đó, một ý tưởng về Super League cũng ra đời. Đó là thời khắc tưởng đã trao cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam một lối đi. Nhưng rồi mọi thứ vẫn như cũ, đó là điều đáng tiếc lắm. 

Dù là muộn, thì cũng phải đến lúc hệ thống thi đấu CLB cần có một đời sống riêng. Thực tế là vậy. Hãy nhìn đến bóng đá miền Tây, từ chỗ có đến 7 địa phương từng đá V-League thì nay chỉ còn mỗi Long An chơi tại giải hạng Nhất. Không hề có một sự tác động nào của phần đỉnh cao đến sự tụt dốc khủng khiếp này. 5 năm thăng hoa của đội tuyển Việt Nam cũng là giai đoạn xuống cấp của bóng đá khu vực này.

Trong chừng mực nào đó, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của bóng đá miền Tây đã chứng minh, bóng đá chuyên nghiệp đã và sẽ vận hành theo cơ chế thị trường. Có nội lực, có tài chính thì hãy làm bóng đá. Không có thì cố gắng mấy cũng chẳng ăn thua. Kết quả trước sau gì cũng vậy cả. Đó là câu chuyện thuần túy của đời sống, khắc nghiệt nhưng sòng phẳng.

 

Long Khang

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›