(Thethaovanhoa.vn) - Sau 2 năm “ngấm đòn” vì Covid-19, đã đến lúc V- League cần một liều “vaccine” để thích ứng, tăng cường sức “đề kháng”.
Ngày 15/10/2021, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã tiến hành tổ chức Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021. Mùa giải 2021 phải đối mặt với những thách thức chưa từng có khi hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp buộc phải hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ trong vô vàn khó khăn như thế sẽ thử thách năng lực quản trị, điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), VPF cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời “sức sống” của mỗi CLB thế nào khi bước vào mùa giải mới.
Không thể phủ nhận vai trò của VPF trong tiến trình phát triển của hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp trong nước thời gian qua. Tuy nhiên, VPF đã thiếu đi sự quyết đoán của một tổ chức đại diện cho các CLB trước những bất trắc hiện thời. Sẽ thấy, VPF đã làm rất tốt công việc của mình để mùa giải 2020 về đích trọn vẹn cho dù phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nhưng cũng trong bối cảnh dịch bệnh, VPF đã “trở tay không kịp” để V-League 2021 phải hủy bỏ nửa chừng. Vẫn biết, bối cảnh dịch bệnh năm 2021 phức tạp hơn nhưng liệu rằng đã có chủ quan hay bị động nào đó trong các phương án từ cơ quan điều hành. Vậy nên, bài học từ mùa giải 2021 liệu đã đúc kết được giá trị nào để VPF cùng các CLB tham chiếu khi bàn thảo về kịch bản cho V-League 2022.
Nhớ lại sẽ thấy chỉ riêng việc hoãn hay hủy hoặc nếu tổ chức tiếp V-League 2021 thế nào đã mất khá nhiều thời gian. Những ý kiến bất đồng, những tranh luận dai dẳng nhưng để có được sự thống nhất thì chưa. Các CLB công kích VPF, trong khi VFF và VPF không có động thái nào hỗ trợ các thành viên của mình.
Một khi điều lệ của V-League còn chưa chặt chẽ, những phương án dự phòng chưa có trong tình cảnh bối rối như thế này, rất khó để có quyết định nào được coi là trọn vẹn, chỉn chu. Thậm chí, đã có gay gắt “đòi” tổ chức đại hội cổ đông, thay lãnh đạo VPF. Mọi thứ cứ rối như canh hẹ khi các bên chưa tìm tiếng nói chung, chưa tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
Khi giải đấu buộc phải hủy, VPF cũng sẽ bối rối trong câu chuyện đảm bảo quyền lợi với các nhà tài trợ. Do đó, cổ đông là các CLB cũng cần thấu hiểu điều này cho bài toán kinh tế của VPF.
Ở chiều ngược lại, mỗi đội bóng cũng sẽ phải lao đao về những gánh nặng tài chính, kế hoạch cả năm cùng nỗi lo chuyên môn. Dễ thấy, khúc mắc lớn nhất để các CLB đưa ra cho việc hoãn hay hủy V-League nằm ở vấn đề “tiền đâu” nếu mùa giải vắt sang năm sau.
Từ đó sẽ thấy hơn 20 năm lên chuyên nhưng V-League chưa đáp ứng được các yêu cầu chuyên nghiệp. Trong lao đao từ dịch bệnh, những hạn chế đó lộ ra mồn một. Các CLB sống phụ thuộc vào các doanh nghiệp, bóng đá chưa thể nuôi nổi bóng đá. Nhiều ông bầu bỏ cuộc chơi, vài CLB giải thể, số khác thay tên đổi họ. Chất lượng V-League không cao, khán giả thưa vắng dần. Thử hỏi, nếu không có hiệu ứng tích cực từ thành tích của ĐTQG, khán giả hẳn cũng bớt “mặn nồng’ với V-League.
Chính vì thế, không chỉ tổng kết hay họp bàn mà thôi. Ngay từ lúc này, VFF, VPF cũng như bản thân mỗi CLB phải lường trước hết những bất trắc, đưa ra được phương án chủ động, thích ứng nhất cho V-League 2022. Bản thân mỗi CLB cũng phải tự “soi” lại mình khi tham gia vào sân chơi chung.
Một nền bóng đá chuyên nghiệp trước hết phải được bắt đầu từ các CLB chuyên nghiệp. Nếu VFF, VPF làm nghiêm túc, không “du di”, siết chặt mọi tiêu chí theo quy định của AFC, thử hỏi có mấy CLB ở V- League đảm bảo yêu cầu tham gia giải đấu.
Vậy nên, bóng đá Việt Nam phải có những thay đổi, bắt đầu từ V-League, không thể khác. Thay đổi triệt để từ năng lực quản lý, điều hành của VPF cho đến tự thân những cải tổ ngày càng chuyên nghiệp của mỗi CLB. Hãy bắt đầu những thay đổi đó ngay từ mùa giải 2022 để V- League “sống” thích ứng trước dịch bệnh, không phải gặp nhiều trắc trở như mùa giải vừa qua.
Trần Tuấn
Tags