(TT&VH) - Dù đồng ý về sự cần thiết phải hạn chế nhập cư, nhiều Đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội vẫn lo ngại trước khả năng dư luận hiểu chưa đúng các căn cứ của dự thảo Luật Thủ đô này.
Trong phiên thảo luận nhóm vào chiều qua 27/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã hơn một lần nhắc lại 2 thông tin cần được lưu ý: Nếu thông qua, quy định này chỉ áp dụng tại địa bàn các quận nội thành - trong khi cư dân vùng ngoại thành Hà Nội vẫn tuân thủ các điều khoản của Luật Cư trú như từ trước tới nay. Ngoài ra, số lao động tự do tại các quận nội thành vẫn có quyền tạm trú và mưu sinh, chứ không hề bị đẩy về các huyện ngoại thành như một số người lầm tưởng.
Trước đó, vào sáng 26/10, Ban soạn thảo Luật Thủ đô đã đưa ra Quốc hội 2 phương án lựa chọn cho quy định này. Theo phương án đầu, người lao động có biên chế hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ được đăng kí thường trú trong nội thành với 2 điều kiện: sở hữu nhà ở hoặc đã tạm trú tại một địa điểm cố định từ 3 năm trở lên. Phương án còn lại đưa thêm một yêu cầu bắt buộc: nếu là nhà thuê, diện tích mặt sàn phải đảm bảo 5m2/ người.
“Không phải chúng tôi là người Hà Nội nên nói đỡ cho Hà Nội. Nhưng sự thật, diện tích các quận nội thành đang ở tình trạng quá tải rất nghiêm trọng” - ĐB Bùi Thị An giải thích về việc ủng hộ hạn chế nhập cư. Theo lời bà, áp dụng quy định này cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo các điều kiện sống về môi trường, giáo dục, hạ tầng cơ sở... cho những người sắp nhập cư, cũng như những người đang sống trong nội thành.
Thực tế, bên cạnh luồng ý kiến tán thành, vấn đề hạn chế nhập cư cũng đã gặp một số quan điểm chưa đồng thuận từ Quốc hội và dư luận. Về cơ bản, các quan điểm này lo ngại tới khả năng gây phân biệt “công dân loại một - công dân loại hai” tại Hà Nội, cũng như chạm tới tính thống nhất của pháp luật, khi “vướng” phải nhiều bộ luật khác đang được áp dụng.
“Nhiều người hỏi rằng trên thế giới không quốc gia nào xây dựng một bộ luật riêng cho thủ đô, vậy tại sao Việt Nam cần phải có"? - ĐB Đinh Xuân Thảo nói về những ý kiến trái chiều - “Nhưng tôi lại được biết, nhiều nước vẫn quy định những điều khoản riêng có liên quan tới thủ đô trong hệ thống các bộ luật của mình. Chẳng hạn, để đảm bảo cho bộ mặt quốc gia, Luật giao thông của họ có những quy định đặc thù về giao thông tại thủ đô. Trong điều kiện VN, chúng ta đưa toàn bộ những quy định ấy vào trong một bộ luật Thủ đô là điều cần thiết”.
Theo nhận xét chung của nhiều ĐB, Ban soạn thảo dự luật Thủ đô nên thăm dò và chọn một trong hai phương án quy định hạn chế nhập cư để trình Quốc hội xem xét thông qua, thay vì đưa ra cả hai phương án như vừa qua. Hiện, phương án đầu (bỏ quy định nhà thuê phải có diện tích 5m2/người) được nhiều ĐB cho là hợp lý và dễ thực hiện hơn phương án còn lại.
Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã có khá nhiều thay đổi so với bản dự thảo Luật Thủ đô không được Quốc hội thông qua trong kì họp vào tháng 3/2011