(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Ba trăm cây số - đó chính là khoảng cách từ Đà Nẵng đến thành phố cà phê Kon Tum. Nhưng tại sao lại là ba trăm cây số? Thông thường, với độ dài một chuyến đi, bạn sẽ quan tâm đến thời gian hơn là khoảng cách. Còn tôi, tôi quan tâm đến khoảng cách bởi vì đó là một cuộc hành trình đi bằng xe máy!
- Câu chuyện du lịch: Maldives, viên ngọc giữa trùng dương
- Câu chuyện du lịch: Đến Thung Nham, khám phá 'miệt vườn Nam Bộ' trên đất Bắc
- Câu chuyện du lịch: Cửu Trại Câu, thiên đường nơi hạ giới
- Câu chuyện du lịch: Hấp lực của Mũi Né
Chúng tôi đi vào những ngày mưa tháng mười. Thời tiết hôm đó cũng thật đặc biệt, chạy một đoạn đường dài, trải qua cả bốn mùa xuân hạ thu đông chỉ trong một ngày. Buổi sáng khi chúng tôi đi là tiết trời mùa thu man mác và có chút mưa. Buổi trưa lên đèo là trời mùa hè oi bức, nắng gắt cháy rát cả da và đến cơn gió cũng mang theo cảm giác khô nóng.
Chiều về thời tiết có chút mát mẻ và dễ chịu hơn, nhưng chỉ được chút mùa xuân ấm áp là gió đông tràn về. Gió giật mạnh kèm mưa lớn, y như sắp có bão đến. Nhưng may mắn là buổi tối khi đến thành phố thì thời tiết trở nên mát lạnh và khô ráo, rất thích hợp để thưởng thức một ly cà phê.
Đường đi cửa khẩu Bờ Y
Trên quãng đường dài hàng trăm cây số ấy tôi ấn tượng nhất là đèo Lò xo. Nằm ở vùng giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, đúng như tên gọi, con đèo dài ngoằng với những khúc cua “tử thần” nối tiếp nhau như cái lò xo. Trước khi đi đã từng nghe bạn kể, đúc kết một câu: Đẹp nhưng nguy hiểm! Buổi trưa dừng chân ở lưng chừng đèo, một bên là thác nước mát rượi đang chảy, một bên là không gian núi rừng bao la vi vu gió thổi, khiến cho cái nắng ban trưa cũng bớt gay gắt hơn. Nhưng con đèo cũng nổi tiếng bởi sự hiểm trở, nếu đi không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn.
Và trong lần đầu tiên đi chơi xa như vậy, chúng tôi, những đứa trẻ hai mươi năm chưa từng sống xa nhà, lần đầu biết đến hai chữ “đồng hương”. Đó là lúc những chiếc xe ô tô 43 chạy vượt qua và người trong xe thò đầu ra ngoài hét lên như một lời xin chào. Đó là lúc bắt gặp chiếc xe máy 43 duy nhất trên đường và cùng nhau đồng hành một đoạn đường dài. “Đồng hương” là gì? Là những người nếu ở quê hương thì như những người xa lạ còn ở nơi xa lạ lại như những người thân nhau lâu ngày mới gặp!
Hai đứa thay phiên nhau lái xe liên tục khoảng bốn tiếng thì tới Ngọc Hồi. Tại đây có ba hướng. Đi thẳng tới vườn quốc gia Chưmomray và đập thủy điện Ya Ly, rẽ phải sang Lào và rẽ trái hướng về Kom Tum. Vì thời gian không có nhiều nên chúng tôi đành hẹn với vườn quốc gia và đập thủy điện vào một dịp khác, bẻ tay lái rẽ sang phải thẳng tiến về phía cửa khẩu Bở Y, thực hiện chuyến “xuất ngoại” đầu tiên trong đời!
Nhà thờ gỗ Kon Tum đẹp nổi tiếng
Chúng tôi bước sang đất bạn Lào đúng vào lúc một giờ trưa theo giờ Việt Nam, sau một hồi năn nỉ ỉ ôi và cầm lại CMND cùng giấy tờ xe tại hai cửa khẩu! Cái tội của việc không có hộ chiếu là dù tốn sáu chục ngàn (mua vé sang Lào) nhưng chỉ “xuất ngoại” được đúng mười phút. Ngồi nghỉ ngơi và uống một chai nước…Thái Lan, chúng tôi thất thẻo vác bụng rỗng về Việt Nam (mười phút thì kịp ăn cái nỗi gì!).
Dừng một lúc tại Tân Cảnh ngắm nhà rông, đến khoảng bốn giờ chiều, chúng tôi bắt đầu tiến vào thành phố Kon Tum. Mây đen kéo đầy trời và mưa nhanh chóng rút xuống, gió mạnh thổi rát mặt khiến tôi nhớ cảnh bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng. Khung cảnh u tối trước mắt như điềm báo cho những điều không may sắp xảy ra trong tương lai.
Đặt chân vào nội thành cũng là lúc trời bắt đầu ngừng mưa. Nhưng vì chúng tôi đến khá trễ nên đa phần các điểm tham quan đều đóng cửa. Thế là dắt nhau đi dạo quanh thành phố. Đọng lại trong ký ức tôi về Kon Tum là “dốc” và “đỏ”. “Dốc” là bởi đường xá ở đây không bằng phẳng mà có những đoạn dốc đứng lên - ngoạn ngục, ấn tượng không thua gì Đà Lạt.
Phóng vi vu bằng xe máy lại càng khoái hơn nữa. “Đỏ” là bởi ở đây có quá nhiều cột đèn giao thông và thật ngẫu nhiên khi tôi luôn thấy toàn màu đỏ. Thành phố thì nhỏ mà đèn giao thông thì nhiều, cứ đi khoảng năm trăm mét là lại có một cột đèn. Với mật độ đèn giao thông dày đặc như thế thì chúng tôi chỉ dám an phận chạy 20 km/h trong nội thành mà thôi.
Đến tối thì chúng tôi tái ngộ con bạn cũng đang ở chơi Kon Tum với gia đình. Nghe chúng tôi kể về chuyến đi, con bạn chỉ thán một từ “hên”! Không phải dắt bộ (chúng tôi luôn kịp thời đổ xăng dọc đường), không bị lạc đường (thực ra có lúc phải quay xe lại hỏi đường), không bị bắn tốc độ (là do lúc đó vừa ra khỏi trạm xăng nên chưa kịp tăng tốc), té xe trên đèo nhưng người không sao (còn cái xe thì tàn tạ), lủng lốp xe buổi tối nhưng vẫn có chổ vá (và bị “chém” tiền). Nó còn không quên phán thêm một câu: “Thể nào tụi bây đi về cũng có chuyện!” Lúc đó chúng tôi chỉ cười xòa vì cho rằng nó ganh tỵ nhưng ngay trưa hôm sau thì hai con đã ngồi nghiến răng ken két vì cái mồm ăn mắm ăn muối của nó!
Sáng hôm sau, chúng tôi dạy sớm và bắt đầu chuyến tham quan thành phố. Lúc này, tiết trời Kon Tum đang nắng ráo, trái ngược hẳn với một Đà Nẵng đang mưa tầm tả (thật là một quyết định đi chơi sáng suốt đó mà!).
Chúng tôi đi khá nhiều nơi như nhà rông KonKlor, cầu KonKlor, làng dân tộc, Tòa giám mục, nhà thờ gỗ và… Đại học Đà Nẵng phân hiệu Kon Tum. Kinh nghiệm thứ hai được đúc kết: Thực tế không như tưởng tượng. Tôi đã lên mạng và đọc khá nhiều bài viết về du lịch Kon Tum trước khi đi. Những lời miêu tả, những bức ảnh chụp - hoặc là nói quá lên sự thật, hoặc là nói về một sự thật của nhiều năm về trước!
Kon Tum đồi núi không quá cao
Ở Kon Tum có một con đường nhà thờ. Tôi gọi như vậy bởi vì trên một đoạn đường dài chưa tới hai cây số, chúng tôi bắt gặp ít nhất bốn cái nhà thờ và trong đó có Nhà thờ gỗ nổi tiếng ở Kon Tum. Gọi đơn giản như vậy vì nó làm hoàn toàn bằng gỗ. Tuy là công trình kiến trúc mang hơi thở phương tây nhưng nó lại được xây dựng theo phong cách Tây Nguyên, mang dáng dấp của một căn nhà rông to lớn. Trong tất cả những điểm tôi đã đi thì đây là nơi duy nhất tôi thấy khách du lịch khác ngoài chúng tôi.
Đối với tôi, du lịch không phải là đi “ngắm”, đi “chụp” mà là khám phá và cảm nhận. Nếu chỉ đơn thuần ngắm cảnh đẹp, ăn món ngon thì Kon Tum không phải là điểm đến thú vị. Bởi vì các điểm du lịch ở đây tuy nhiều nhưng chưa được đầu tư và khai thác đúng mức nên chưa thể tạo sức hút. Người dân chỉ cảm thấy tò mò, lạ lẫm thay vì niềm nở đón chào những người khách từ phương xa đến.
Nhưng đối với tôi, đó là chuyến đi đã cho tôi nhiều cảm nhận thú vị, cho tôi biết về sự khác biệt văn hóa và tận mắt thấy những cái đẹp không thể mang vào trong ảnh. Và những điều đó chỉ có thể đến từ một chuyến du lịch bằng xe máy, khi bạn có thể tự do bay nhảy và hoàn toàn không cần theo một lịch trình định sẵn.
Vì đường đi khá dài nên chúng tôi quyết định rời Kon Tum sớm và dự định sẽ về tới nhà chậm nhất là năm giờ chiều. Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính, chúng tôi tính không bằng ...bạn tôi dự đoán. Chúng tôi bị bắn tốc độ khi vừa tới Đắk Tô. Và nó như phát súng khởi đầu cho một cuộc đua khốc liệt đang chờ đợi phía trước.
Sau khi nộp phạt xong thì chúng tôi đã bị chậm mất hai tiếng và phải đối mặt với tình trạng hết tiền và xăng. Chậm chạp chạy tới Đắk Lây, chưa kịp mừng vì lấy được tiền và đổ đầy bình xăng, chúng tôi đối mặt với đợt khủng hoảng thứ hai khi bị lạc đường, xém chút nữa là phải qua Cam – pu – chia ngủ lại một đêm. Và chúng tôi lại bị chậm thêm gần một tiếng nữa, khi đến chân đèo đã là bốn giờ chiều.
Nước mưa như gột rửa lớp mặt nạ tươi sáng của đèo Lò xo, trả lại cho nó bộ mặt thật – hùng vĩ và âm u. Sương mù giăng khắp lối khiến khung cảnh khác hẳn với những gì tôi thấy lúc đi… Gai nhọn của bông hồng đã lộ ra.
Càng là những lúc chúng tôi nôn nóng muốn về nhà, lại có chuyện xảy ra khiến tốc độ của chúng tôi ngày càng chậm lại. Cuối cùng, trái với lo sợ của chúng tôi là hết xăng khi lên đèo, xe tôi bị lủng lốp! Đúng là không cái đen nào bằng cái đen nào. Trời mưa, xe hư và xung quanh hoang vắng, muốn khóc cũng không khóc nỗi.
Nhưng có lẽ là số chúng tôi cũng chưa quá thảm. Dắt bộ được một đoạn, sau khi bị ba chiếc xe từ chối, ba mạng người và xe cũng được cái xe buýt thứ 4 chứa chấp. Vậy là chúng tôi đã kết thúc cuộc hành trình bằng xe máy tại đó, lên xe buýt tiếp tục về nhà. Sau khi đã an toàn ngồi trên xe buýt, nhìn khung cảnh ngoài trời tối đen như mực, mưa càng lúc càng nặng hạt, hai đứa mới bắt đầu có cảm giác sợ…nếu cứ đi xe máy về chắc lại té xe trên đèo! Về tới được Đà Nẵng đã là hơn tám giờ tối, chưa bao giờ thấy yêu cảnh thành phố với những ánh đèn như lúc đó cả.
Nếu lượt đi như một cơn gió nhẹ nhàng dịu mát thì lượt về như bão tố cuồn cuộn. Sau những sự cố liên tục như thế, những con người hăm hở khi đi lúc đầu vẫn có thể toàn mạng về nhà với cái xe bị hư và năm chục ngàn trong túi. Có lẽ sẽ có người cho rằng chúng tôi liều mạng.
Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng nếu hỏi tôi có dám đi lần nữa không, tôi sẽ chẳng ngại ngần mà trả lời có. Con người ta, sống bằng kỷ niệm và trưởng thành nhờ kinh nghiệm. Những kỹ niệm tôi có, những bài học tôi đạt được, sẽ không có một tour du lịch nào mang đến được. Lần sau, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ càng hơn, đi nhiều hơn và có lẽ nên bắt đầu bằng việc học.. vá xe.
Bài: Tô Uyên, Ảnh: XZ
Tags