Liên quan đến cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xác định liên kết vùng là tư duy chiến lược nên đã tích cực đẩy mạnh thực hiện thỏa thuận hợp tác với các địa phương liên kết, qua đó tạo ra đa dạng sản phẩm, dịch vụ liên tuyến mới, góp phần kích cầu du lịch, triển khai kế hoạch mở cửa lại hoàn toàn du lịch Việt Nam, cũng như phát huy thế mạnh trung tâm kết nối du lịch của cả nước.
Những nỗ lực không ngừng này của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên kết đã mang lại những hiệu quả tích cực về số khách và doanh thu du lịch - dịch vụ.
Hợp tác có trọng tâm
Hiện thực hóa những mục tiêu trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh đến 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Cụ thể, các địa phương tham gia chương trình sẽ phối hợp cùng Thành phố khai thác hiệu quả 3 tuyến du lịch liên kết trọng điểm, gồm: Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình. Đồng thời, chương trình này cũng giới thiệu và truyền thông điểm đến, sản phẩm du lịch mới; sản phẩm, dịch vụ du lịch địa phương; tour tuyến đặc trưng liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đến doanh nghiệp, du khách...
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long không dừng lại ở việc mở ra cơ hội hợp tác và phát triển cho những địa phương tham gia, mà còn là bệ đỡ cho điểm đến địa phương trên mọi miền đất nước. Qua nhiều giai đoạn triển khai đến nay, chương trình được đánh giá là giải pháp hình thành hệ sinh thái ngành du lịch nội địa, cho phép cộng đồng làm du lịch nếu khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thì có thể tạo "bước đệm" đến với thị trường du lịch phía Nam. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh với 366 điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch được hình thành từ tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa là kho tài nguyên du lịch phong phú để nhiều địa phương miền Trung, miền Bắc... hợp tác cùng phát triển sản phẩm, dịch vụ, tour tuyến liên vùng...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong 2 năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, du lịch Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của dịch COVID-19. Đặc biệt, có thời điểm tại Thanh Hóa, hầu hết hoạt động kinh doanh du lịch bị tê liệt; các khu, điểm du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, lượng khách giảm sâu. Do đó, cùng với du lịch cả nước lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững, bên cạnh sự chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình, Thanh Hóa mong muốn hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mở rộng thị trường khách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và tổ chức tốt những chương trình du lịch hấp dẫn, phù hợp với đặc thù về địa lý, tài nguyên và thị hiếu thị trường.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, tỉnh sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ngành du lịch, trong đó có doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ninh Thuận cũng sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến những khu, điểm du lịch. Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, với khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm, Ninh Thuận ít chịu ảnh hưởng của bão mà các nhà địa lý học ví như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á”.
Ninh Thuận có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nên trong thời gian tới, ngành du lịch Ninh Thuận đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, phát huy và giữ gìn vẻ đẹp của điểm đến du lịch tại địa phương. Hơn thế nữa, ngành du lịch của tỉnh đã và đang nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch... để Ninh Thuận là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện với nhiều trải nghiệm thú vị sau mỗi chuyến đi. Trong đó, ngành Du lịch sẽ có bước đột phá trong thu hút khách du lịch tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố lân cận và Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển nguồn nhân lực
Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 796 doanh nghiệp, giảm 1.341 doanh nghiệp so với năm 2020. Trong đó, Thành phố có 454 doanh nghiệp lữ hành, 342 cơ sở lưu trú và 6.410 hướng dẫn viên du lịch. Một số chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, địa phương bởi sự đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch nên khoảng 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Vì vậy, trong liên kết, hợp tác với các địa phương, nhất là các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ… Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong bốn nội dung trọng tâm. Theo lãnh đạo ngành du lịch một số địa phương, liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau dịch COVID-19 là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay đối với nhiều địa phương, chứ không riêng gì những thị trường du lịch lớn.
Thống kê trong hơn 2 năm vừa qua cũng cho thấy, dù dịch bệnh gây nhiều khó khăn trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nhưng hơn 90% sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình đào tạo chất lượng chuẩn quốc tế tại Việt Nam đã có việc làm từ trước khi nhận bằng tốt nghiệp. Nhiều sinh viên đảm nhận những vị trí cao như quản lý, điều hành… tại đa dạng cơ sở nhà hàng, khách sạn 4 - 5 sao, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức tốt nghiệp cho gần 100 cử nhân Quản lý khách sạn, nhà hàng quốc tế Vatel.
Theo Giáo sư Dominique Laffly, Tùy viên Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Vatel là chương trình liên kết đào tạo cấp bằng Cử nhân Quản lý Khách sạn – Nhà hàng Quốc tế giữa HSU và Trường Kinh doanh Quốc tế Quản lý du lịch và khách sạn Vatel thuộc Vatel Development (Cộng hòa Pháp).
Trường Đại học Hoa Sen triển khai đào tạo theo chương trình Vatel không chỉ là chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, mà còn đóng vai trò quan trọng đối với mối quan hệ hợp tác song phương giữa Pháp và Việt Nam. Với thời gian đào tạo 3 năm, sinh viên tốt nghiệp chương trình sẽ được cấp bằng Cử nhân Quản lý Khách sạn – Nhà hàng Quốc tế, đồng thời có cơ hội chuyển tiếp học Cao học tại một trong những trường Vatel trên thế giới. Điều này một lần nữa khẳng định chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực chuyên ngành đang là "cơn khát" trong ngành du lịch hiện nay.
- Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá - Bài 1: Bệ đỡ cho điểm đến địa phương
- Đưa đờn ca tài tử trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM
Trước yêu cầu cấp thiết của thị trường về nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành du lịch bắt buộc phải nhanh chóng tái cơ cấu lại chương trình đào tạo, chỉ tiêu đào tạo trên cơ sở nắm bắt và đáp ứng xu hướng mới của thị trường với những loại hình nghiệp vụ chuyên sâu, nhân lực quản lý... Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế là địa phương có hệ thống đào tạo về chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước.
Vì vậy trong liên kết, hợp tác địa phương, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố cần xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nội dung trọng tâm trong liên kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng.
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu sẽ chủ động phối hợp đa dạng hóa hình thức đào tạo vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn; vừa tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin... chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đạt trình độ quốc tế. Chiến lược đào tạo này, không chỉ giải quyết được những trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, mà còn cải thiện tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.
Mỹ Phương/TTXVN
Tags