Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Hoạt động du lịch của Thành phố không chỉ tác động đến các ngành kinh tế, xã hội trên địa bàn mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương, khu vực, nhất là kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa - dịch vụ liên vùng trên cả nước.
Phóng viên TTXVN thực hiện 4 bài viết chủ đề "Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá", nhằm đánh giá tiềm năng phục hồi và phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung sau thời gian dài gián đoạn và hiệu quả của hoạt động kích cầu thị trường. Đồng thời, giới thiệu đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, lạ đến du khách được ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương sẽ triển khai trong thời gian tới.
Từ cuối năm 2021 đến nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp cùng sở, ngành, hiệp hội du lịch và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phục hồi và phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn thích ứng linh hoạt và an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế. Ngành Du lịch Thành phố đã tổ chức các đoàn công tác phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết để kết nối và tái cơ cấu thị trường du lịch nội địa.
Vai trò kết nối thị trường
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,48%. Khu vực dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng bình quân 6,79%; riêng ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 13% và đóng góp trung bình từ 10% - 12% GRDP của thành phố. Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Ngành Du lịch cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực diện và toàn diện. Số lượng khách và doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng giảm sâu. Ngành Du lịch có hơn 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa, nhiều người lao động phải rời ngành để tìm kiếm việc làm khác.
Bước sang năm 2022, dự báo vẫn là giai đoạn khó khăn của ngành Du lịch nhưng ghi nhận đến thời điểm hiện nay, với hiệu quả của những chính sách phòng, chống dịch COVID-19 cho phép kỳ vọng thị trường cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi sắc. Hiện nay, tình hình kinh tế, xã hội và đời sống người dân trên địa bàn Thành phố đã trở lại trạng thái bình thường nên nhu cầu du lịch cũng tăng lên đáng kể. Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong quý I/2022, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 15.810 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ. Liên tiếp qua các tháng của quý I/2022, doanh thu ở nhóm ngành này đều có mức tăng khá so với tháng trước. Mặc dù chưa khôi phục được so với cùng kỳ năm trước, nhưng người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thích nghi với dịch COVID-19 và hầu hết hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, lưu trú đang dần khôi phục trở lại. Song song đó, doanh thu du lịch, lữ hành đạt 1.503 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Ghi nhận thực tế, du lịch nội địa vẫn là thị trường chủ yếu, tuy nhiên với việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, ngành du lịch Thành phố dự kiến sẽ đạt được những kết quả rất khả quan trong những quý tiếp theo.
Với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch Thành phố đã phát huy vai trò là trung tâm kết nối thị trường, nhất là những khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ… Điển hình, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022 do Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố tổ chức trong tháng 5 vừa qua đã có sự tham gia của 48 tỉnh, thành phố trong cả nước. 160 gian hàng dịch vụ du lịch và ẩm thực tại ngày hội đã giới thiệu, quảng bá và tiếp thị hàng ngàn sản phẩm du lịch trên mọi miền đất nước cũng như nhiều điểm đến trên toàn cầu. Đặc biệt, Ngày hội thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không... góp phần đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa trong dịp hè 2022. Thông qua đó, phát huy vị thế Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những "siêu thị du lịch" cung ứng đa dạng điểm đến, tạo thị trường cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thành phố nói riêng trong giai đoạn tăng tốc mở cửa đón khách quốc tế. Theo báo cáo từ doanh nghiệp du lịch, doanh thu bán hàng Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022 đạt khoảng gần 60 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020; tổng số khách đến tham quan đạt hơn 150.000 lượt.
Tiềm năng xúc tiến du lịch
Cùng với vai trò kết nối thị trường, Thành phố Hồ Chí Minh còn được đánh giá là điểm đến tiềm năng xúc tiến du lịch của nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến Phú Yên - Hấp dẫn và Thân thiện, tỉnh này vừa tổ chức “Giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi” và “Chương trình giới thiệu cá ngừ đại dương Phú Yên” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phú Yên là địa phương có nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội cầu ngư; Nghệ thuật trình diễn Trống đôi, Cồng ba, Chinh năm... Trong đó, nghệ thuật Bài chòi Phú Yên vinh dự được nằm trong chuỗi di sản Bài chòi Trung Bộ - Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Phú Yên, chương trình “Giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi” và “Chương trình giới thiệu cá ngừ đại dương Phú Yên” tại Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ nhằm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, mà còn làm phong phú sản phẩm du lịch của Việt Nam.
Chương trình được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những hoạt động thúc đẩy hoạt động hiện thực hóa hợp tác liên kết giữa Phú Yên và Thành phố Hồ Chí Minh về truyền thông, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch địa phương. Qua đó, Phú Yên gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ - Việt Nam; tạo điều kiện cho những giá trị di sản được phổ biến và lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng trong và ngoài nước tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung. Song song đó, Phú Yên cũng hy vọng tạo sân chơi, giao lưu kết nối ẩm thực với các địa phương trên toàn quốc, đưa sản phẩm cá ngừ đại dương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Tương tự, mới đây Văn phòng tư vấn, xúc tiến và quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang cũng chính thức được khai trương tại Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là văn phòng xúc tiến du lịch đầu tiên của Hà Giang nằm ngoài tỉnh, nhằm đẩy mạnh quảng bá hình địa đầu cực Bắc đến với thị trường tiềm năng Thành phố Hồ Chí Minh.
- Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khởi động tour quốc tế
- Khai mạc Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 - năm 2020
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Văn phòng tư vấn, xúc tiến và quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang sẽ phối hợp tốt hơn với nhiều đơn vị đối tác từ thị trường nguồn, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung đến thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Khi có Văn phòng tư vấn, xúc tiến và quảng bá du lịch khâu tư vấn cho du khách sẽ có chiều sâu hơn, với thông tin chính thống hơn. Thông qua đó, du lịch Hà Giang từng bước tạo được sức lan tỏa rộng hơn đến du khách, không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà cả các tỉnh, thành phố lân cận cũng sẽ đến với Hà Giang trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu đón và phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách trong năm 2022, Hà Giang sẽ tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến tại những thị trường tiềm năng, thị trường nguồn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Đây là những trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên có sự giao thoa du khách và nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch. Trong khi đó, Hà Giang có thế mạnh về du lịch như chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; các lễ hội mùa vàng Hoàng Su Phì; hoa tam giác mạch, chợ tình Khâu Vai...
Mỹ Phương/TTXVN
Tags