Nền kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ phải đối mặt nguy cơ gia tăng bất ổn về chính sách kinh tế trong giai đoạn vốn đã và đang có đà tăng trưởng vừa phải hiện nay.
Lý do chính để Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW – Đức) đưa đến nhận định này là các thông báo do chính quyền sắp nhậm chức của Mỹ đưa ra, mặc dù vẫn chưa rõ các biện pháp thực sự sẽ được thực hiện là gì. Dự báo của IfW dựa trên giả định rằng các mức thuế quan bổ sung sẽ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, nhưng mức thuế sẽ không tăng quá mạnh như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất trong chiến dịch tranh cử.
Đồng thuận chung trong những dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hay IfW là tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức vừa phải trong năm 2025. IfW kỳ vọng mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu là 3,1%, IMF dự báo khoảng 3,2%, trong khi WB đưa ra con số 3,3%, so với mức tương ứng 3,5% trước đại dịch COVID-19. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, dù lạc quan hơn, cũng chỉ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức “vừa phải” trong năm tới. Thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu khởi sắc trong năm nay, nhưng có khả năng sẽ chậm lại đáng kể do các biện pháp chính sách thương mại hạn chế dự kiến áp đặt năm tới.
Việc tỷ phú Donald Trump tái đắc cử với khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và chính sách "Nước Mỹ trước tiên" được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trên bản đồ kinh tế quốc tế năm 2025. Theo bà Pauline Wibaux, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Triển vọng và Thông tin kinh tế quốc tế của Pháp (CEPII), "Nước Mỹ trước tiên" đã trở thành một chiến lược kinh tế toàn diện và tạo ra xu hướng bảo hộ mới.
Điều này được thể hiện qua việc Mỹ duy trì thuế quan cao với hàng hóa Trung Quốc, ban hành đạo luật như Đạo luật CHIPS và Khoa học. Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia với chính sách tự chủ chiến lược dựa trên công cụ Thỏa thuận Xanh châu Âu và các biện pháp bảo hộ thị trường nội khối. Ấn Độ áp thuế quan đối với sản phẩm tấm pin Mặt trời nhập khẩu, kể từ năm 2018, nhằm ngăn chặn sự tràn lan của các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc.
Cùng với việc thương mại EU-Nga suy giảm nhanh chóng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ leo thang. Ông Trump được cho sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, điều này sẽ gây ra hậu quả đối với dòng chảy thương mại toàn cầu khi những chuỗi cung ứng, tìm nguồn cung và vận chuyển cuối cùng sẽ trở nên đắt đỏ hơn, gây tác động đến người tiêu dùng toàn cầu. Giới chuyên gia đánh giá nếu chính quyền của ông Donald Trump gia tăng thuế quan, gây ra một cuộc chiến thương mại, lạm phát có thể tăng trở lại, kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc hoặc cả hai điều này sẽ cùng xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức thấp lịch sử, có thể sẽ tăng lên. Nhiều nền kinh tế khác lo ngại khả năng đồng USD mạnh lên - nếu các chính sách của ông Trump khiến lạm phát gia tăng và làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ hút vốn đầu tư ra khỏi các nước này và làm cho khối nợ bằng USD của họ phình to.
Các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông có thể ảnh hưởng đến chi phí năng lượng, vốn là nhiên liệu cho nền kinh tế thế giới. Tình trạng bế tắc chính trị ở hai nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) là Đức và Pháp, và những hoài nghi về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc càng làm cho bức tranh trở nên ảm đạm hơn. Trong khi đó, thiệt hại do biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF đã báo hiệu "Hãy chuẩn bị cho thời kỳ bất ổn". Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde trong cuộc họp mới đây của ngân hàng này cũng lưu ý sẽ có rất nhiều bất ổn vào năm 2025. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Ifo ở Munich (München, Đức) cho rằng nhìn chung, nền kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ duy trì quỹ đạo tăng trưởng vừa phải trong năm 2025 và 2026. Thuế quan thương mại cao hơn khó có thể có hiệu lực ngay sau khi tổng thống Mỹ mới nhậm chức, mà thay vào đó sẽ diễn ra trong suốt năm tới, củng cố các hoạt động chuyển hướng thương mại hiện có, với kết quả là thương mại toàn cầu sẽ tăng trong nửa đầu năm 2025, nhưng sau đó sẽ chậm lại dần. Mặc dù IfW cho rằng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ giảm chậm lại, nhưng viện nghiên cứu này vẫn kỳ vọng hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ dần được thúc đẩy nhờ các điều kiện tài chính thuận lợi hơn. Theo các giả định này, nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong khi đà tăng trưởng kinh tế ở châu Âu vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, vẫn chưa thấy rõ sự phục hồi kinh tế bền vững ở Trung Quốc mặc dù các biện pháp kích thích đã được công bố.
Ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính, và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia - nhận định triển vọng kinh tế năm 2025 về cơ bản là tích cực, mặc dù hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc có thể chững lại, nhưng điều này sẽ được bù đắp bằng xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. HSBC đánh giá tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt 7% - mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và năm 2025, GDP Việt Nam tiếp tục duy trì mức cao nhất khu vực. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 lên 6,6%, từ 6,2% vào tháng 9/2024. Giới chuyên gia cho rằng chính sách kinh tế linh hoạt và thích ứng là một trong những bí quyết giúp Việt Nam tiếp tục là "điểm sáng" kinh tế. Đó cũng là "chìa khóa" để các nền kinh tế vượt qua những "cơn gió ngược" của năm 2025.
Tags