Dự báo 2025: Khi di sản nghệ thuật bước vào kỷ nguyên tự do

Thứ Năm, 02/01/2025 15:12 GMT+7

Google News

Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm bùng nổ nghệ thuật, khi những kiệt tác từ thế kỷ trước được trao cơ hội tái sinh, gắn kết quá khứ với hiện tại và thắp sáng con đường cho những thế hệ sáng tạo tiếp theo. 

Kể từ ngày 1/1/2025, nhiều kiệt tác văn học kinh điển hay nhân vật hoạt hình biểu tượng… sẽ chính thức gia nhập phạm vi công cộng tại Mỹ. Đây là cơ hội vàng để công chúng khám phá, tái hiện và sáng tạo từ những tác phẩm đã định hình văn hóa toàn cầu.

Theo luật bản quyền Mỹ, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và phim ảnh hết hạn bản quyền sau 95 năm. Từ năm nay, những tác phẩm phát hành năm 1929 sẽ không còn bị giới hạn bởi bản quyền, trong khi các bản thu âm từ trước năm 1924 cũng chính thức được tự do sử dụng. Một khi bước vào phạm vi công cộng, các tác phẩm này có thể được sao chép, chia sẻ, tái sản xuất hoặc chỉnh sửa bởi bất kỳ cá nhân nào mà không cần trả phí bản quyền.

Năm nay, những nhân vật kinh điển như phóng viên trẻ Tintin (lần đầu xuất hiện trên một tờ báo Bỉ năm 1929) và thủy thủ Popeye (nhân vật sáng tạo của họa sĩ Mỹ Elzie Crisler Segar) là những cái tên được công chúng chờ đợi nhất khi gia nhập phạm vi công cộng. Bà Jennifer Jenkins - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phạm vi công cộng tại Đại học Duke - cho biết 2025 sẽ là năm các phiên bản đầu tiên của Tintin, Popeye và thêm nhiều phiên bản phái sinh của nhân vật chuột Mickey phát triển từ năm 1929 chính thức hết hạn bản quyền. Sự kiện này tiếp nối chuỗi “dấu mốc tự do” quan trọng của các nhân vật biểu tượng như chuột Mickey phiên bản gốc, gấu Winnie-the-Pooh và thám tử Sherlock Holmes trong các năm trước đó.

DỰ BÁO 2025: Khi di sản nghệ thuật bước vào kỷ nguyên tự do - Ảnh 1.

"Những cuộc phiêu lưu của Tintin: Bí mật kỳ lân hạm" là tên Việt Nam chính thức của bộ phim do Steven Spielberg đạo diễn và Peter Jackson đồng sản xuất. Ảnh minh hoạ: Internet

Nhiều kiệt tác văn học cũng gia nhập danh sách này, bao gồm Âm thanh và cuồng nộ (The Sound and the Fury) của nhà văn William Faulkner, Giã từ vũ khí (A Farewell to Arms) của Ernest Hemingway, Một căn phòng cho riêng mình (A Room of One’s Own) của Virginia Woolf và bản dịch tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm Phía Tây không có gì lạ (All Quiet on the Western Front) của Erich Maria Remarque.

Trong lĩnh vực điện ảnh, những tác phẩm kinh điển như Blackmail của Alfred Hitchcock và The Black Watch - bộ phim âm thanh đầu tiên của đạo diễn từng đoạt giải Oscar John Ford - cũng trở thành những tác phẩm có thể tự do sử dụng.

Lĩnh vực âm nhạc cũng góp mặt với những tác phẩm bất hủ như Bolero của nhà soạn nhạc Pháp Maurice Ravel và An American in Paris của George Gershwin. Tuy nhiên, chỉ các bản thu âm từ trước năm 1924 mới không còn bị ràng buộc bản quyền.

Việc những tác phẩm trên bước vào phạm vi công cộng không chỉ mở ra cơ hội sáng tạo không giới hạn cho các nghệ sĩ, mà còn giúp công chúng tái khám phá những giá trị văn hóa vượt thời gian. Đây là nguồn cảm hứng bất tận để nghệ thuật được tái sinh trong những hình thức mới mẻ, sáng tạo hơn.

Thanh Phương/TTXVN

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›