(Thethaovanhoa.vn) - Không như những năm trước, V-League 2018 khởi đi khá muộn (tháng Ba) và ngay từ vạch xuất phát, người ta đã thấy những tín hiệu lạc quan. 'Hoa gạo đỏ, tháng Ba/Và sóng sánh, nơi bến chờ bến đợi', bài hát 'Trầu không' - Ca khúc trong phim 'Thương nhớ ở ai' phát trên VTV3.
- V-League 2018 và chuyện 'miếng cơm, manh áo'
- Văn Quyết cảm ơn CĐV đặc biệt của V-League 2018
- Vòng 1 Nuti Café’ V-League 2018: 'Cháy vé', sáng sân và ít bàn thắng
Tiền đạo và tiền mặt
Cho đến bây giờ, những người làm bóng đá Việt Nam vẫn chưa quên câu nói nổi tiếng của nguyên Giám đốc sở TDTT Đồng Tháp – Sáu Thành: “Tiền đạo không bằng tiền mặt”. Thời ông Sáu Thành, Đồng Tháp là một thế lực thực sự của bóng đá Việt Nam: Vô địch quốc gia các năm 1989 (năm đầu tiên giải đấu tách hạng) và 1996. Chưa kể Cúp quốc gia và danh hiệu các giải cụm, vùng miền, về mặt thành tích, Đồng Tháp không hề kém cạnh HAGL và Long An, những đội bóng đã thay nhau thống trị V-League từ 2003 – 2006.
Trước trận chung kết giải năm 1996 giữa Đồng Tháp và Công an TP.HCM (cũ), người trong cuộc kể rằng, ông Sáu Thành một mặt úy lạo lòng quân, mặt khác ông đã “cầm” được cả tổ trọng tài và một số trụ cột của đội bóng bên kia chiến tuyến. Theo lời kể, nếu Đồng Tháp vô địch thì tổ trọng tài của Nguyễn Tuấn Hùng (đã qua đời cách đây mấy năm vì trọng bệnh) sẽ được chia nửa hiện kim của danh hiệu. Ông Hùng là trọng tài FIFA đầu tiên của Việt Nam, một người rất có uy tín vào thời điểm đó, đã “điều trận đấu” rất khéo.
Thời thế đã khác nhiều ở kỷ nguyên V-League, với bóng đá doanh nghiệp lên ngôi, tuy nhiên về bản chất, vẫn là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Các đội bóng có tiềm lực tài chính dồi dào thường chiếm ưu thế về mặt danh hiệu. Có thể kể đến các thương hiệu lớn như HAGL, Gạch Đồng Tâm Long An, B.Bình Dương, Hà Nội T&T (giờ là Hà Nội) hay SHB Đà Nẵng… Ở những năm đầu thế kỷ 21, Cảng Sài Gòn (cũ) và SLNA có chen chân vào, nhưng sự cực thịnh ấy không kéo dài, thậm chí nó còn là báo hiệu của suy tàn (Cảng).
Bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử phát triển. Các CLB lúc này được tổ chức bài bản hơn, quy củ hơn, mang hơi hướng của thị trường hơn, nhưng thật kỳ lạ, khán giả và CĐV lại giảm sút. Chúng ta đều biết rằng, CĐV và truyền thông được ví như bộ đôi tiền đạo trong sơ đồ phát triên kiểu mẫu của AFC. Song ngay cả truyền thông cũng được ý thức vai trò rất hạn chế trong cơ chế bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, khi túi tiền không đáy của các ông bầu mới là điều quan trọng nhất.
Kỳ vọng tháng Ba
Chỉ có 4 bàn thắng sau 5/7 trận đã đấu ở lượt trận thứ nhất, Nuti Café V-League 2018, tuy nhiên, chất lượng chuyên môn không tồi và hiệu ứng khán giả trên các khán đài là khá tuyệt vời. Điều này cho nhà tổ chức, cũng như các đội bóng nhiều kỳ vọng vào một mùa giải sáng sủa hơn, so với những năm gần đây. Nếu làm tốt, thì V-League là một sản phẩm có thể bán được với giá cao, cho cả các đối tác tài trợ - quảng cáo và cho nhà đài, chứ không hẩm hiu. Ở Việt Nam, còn sản phẩm bóng đá nào hoành tráng hơn V-League đâu?
Cuộc đối đầu giữa Hà Nội và Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy, được xem là trận cầu bạc tỷ của 2 trong số những đội bóng được đầu tư tốt nhất (bên cạnh FLC Thanh Hóa và CLB TP.HCM, tuy nhiên, 2 đội bóng này chưa xuất trận lượt đầu tiên). Đại diện Thủ đô với binh hùng, tướng mạnh, cùng một lối chơi có mảng miếng…, đã giành chiến thắng trong trận derby Bắc bộ. Bóng đá cần sự tích lũy, cho đến trước V-League 2017 kết thúc, Hà Nội liên tục ngự trị ở tốp 2 đội dẫn đầu và 3 trong số 7 mùa giải họ đăng quang.
Khác với đại diện Thủ đô, những cựu vương như SHB Đà Nẵng, HAGL, B.Bình Dương và cả ĐKVĐ Quảng Nam không có được sự khởi đầu mĩ mãn như thế. Tuy nhiên, họ vẫn còn ít nhất quỹ 2 trận đấu nữa trong tháng Ba, để giành những chiến thắng đầu tay. Lượt trận thứ hai vào trung tuần tháng 3 này, B.Bình Dương tiếp Nam Định, SHB Đà Nẵng tiếp Quảng Nam trong trận derby Quảng – Đà, SLNA gặp S.Khánh Hòa BVN và FLC Thanh Hóa nhận thách thức từ CLB TP.HCM là những diễn biến rất đáng chú ý, rất đáng để chờ đợi.
Với phần lớn các CLB được tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp, chênh lệch giàu/nghèo gần như không còn là rào cản lớn nữa. Các nhà tài trợ in đầy áo đấu, bảng quảng cáo phủ kín sân, cùng số lượng vé bán ra/trận đấu hoặc cả mùa…, là những nguồn thu chính đáng, để hy vọng vào một tương lai không xa, bóng đá có thể tự nuôi sống được cơ thể mình, thay vì vẫn mang tiếng “tằm ăn rỗi”. Tư duy để tồn tại, để phát triển, nếu không muốn quay lại thời kỳ đồ đá, thời của bóng đá bao cấp với đầy những tiêu cực, kiểu “tiền đạo không bằng tiền mặt”.
22.000. là số lượng khán giả đến sân Thiên Trường, theo dõi trận đấu giữa Nam Định và XSKT Cần Thơ, theo báo cáo của đơn vị tổ chức giải. Đây là kỷ lục của lượt trận đầu tiên V-League 2018 và hy vọng chưa phải kỷ lục của mùa giải năm nay. 17. Là số bàn thắng kỷ lục mà một chân sút nội có được trong lịch sử V-League và nó thuộc về tiền đạo Nguyễn Anh Đức của B.Bình Dương, thiết lập tại mùa giải 2017. Cầu thủ Việt Nam gần nhất đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” là Hồ Văn Lợi (mùa giải 2002) chỉ ghi được 8 bàn thắng. 100. Quân của FLC Thanh Hóa được định giá vào khoảng 100 tỷ đồng, hoàn toàn có thể căng ra làm 2 đội hình mạnh tương đương nhau, để chinh chiến tại mùa giải 2018. Nếu xứ Thanh một lần nữa không có duyên với chức vô địch V-League, kể cũng hơi phí. |
Tùy Phong
Tags