(Thethaovanhoa.vn) - Có một thực tế đó là diễn đàn văn chương chính thống dành cho giới trẻ ở nước ta ngày càng thu hẹp, riêng với thơ điều đó lại càng hiếm. Ngoài Mực Tím hay tập san Áo Trắng thì hầu như thơ của các tác giả trẻ và dành cho giới trẻ đã vắng bóng trên các mặt báo. Nó cho thấy mức độ quan tâm của xã hội đối với thơ đã vơi đi rõ rệt.
- Dòng thơ được giới trẻ yêu thích: Đặc trưng của dòng thơ bán chạy
- Dòng thơ được giới trẻ yêu thích (Kỳ 1): Sự xuất hiện của những tác giả 'hot'
Nhưng đến những hiện tượng thơ được giới trẻ yêu thích trong sáu năm qua, cả những người yêu thơ và những người làm thơ đều tìm thấy ở đó một sự an ủi. An ủi vì, vẫn còn có người quan tâm tới thơ.
Thơ nằm trong Top 10 sách bán chạy…
Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng:“Thơ tôi là thơ thương mại. Tôi không viết cho các học giả hay nhà phê bình. Tôi viết cho độc giả của tôi - những người trẻ. Cho đến khi nếu không có thêm bạn đọc mới nhưng độc giả cũ của tôi còn muốn tôi ra thơ thì tôi sẽ tiếp tục in”.
Còn nhà thơ Du Phong thì chia sẻ:“Mình quan niệm viết thơ “thật như đời”, những câu từ dung dị, đời thường nhất mình đưa vào thơ. Và thơ mình thì thường hướng đến phụ nữ, phái yếu, thay họ nói lên tâm sự của mình”.
Hai chia sẻ trên đã phần nào hé mở cánh cửa tâm hồn của số đông người đọc trẻ hôm nay. Họ không cần sự đánh đố của các biện pháp nghệ thuật tu từ, họ cần những sẻ chia thật tự nhiên, những đồng cảm dung dị từ những người làm nghệ thuật.
Đó là lý do vì sao những Em gái mưa, Người lạ ơi… trở thành những bản hit nhiều triệu view trên kênh YouTube. Đến văn chương cũng vậy, bên cạnh lối viết văn xuôi đậm chất ngôn tình của Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao thì lối viết thơ của các tác giả được giới trẻ yêu thích cũng không nằm ngoài quy luật tâm lý này của người trẻ.
Ở hội sách TP.HCM lần thứ 10 năm 2018 vừa kết thúc, trong Top 10 cuốn sách bán chạy nhất thì cuốn Có một ai đó đã đổi thay (tản văn + thơ, in chung của hai tác giả Hamlet Trương và Du Phong) xếp thứ 5. Điều này cho thấy, giới trẻ tham gia hội sách chiếm tỷ lệ khá đông và họ quan tâm tới các tác giả trẻ rất nhiều.
Vậy nên, không thể nói rằng giới trẻ bây giờ thờ ơ ít quan tâm văn chương, sách vở. Trước hết nên hiểu họ cần gì, muốn gì ở thế giới làm nghệ thuật ngôn từ. Dĩ nhiên, chọn một hướng đi cá tính và kén độc giả là một việc rất nên được cổ súy trong thế giới nghệ thuật đa dạng nhưng nếu muốn kéo độc giả đến với văn chương một cách đông đảo thì việc làm của các tác giả của dòng thơ được giới trẻ yêu thích cũng là điều rất cần thiết.
Đối tượng của nhiều tham luận, công trình nghiên cứu…
Tuy nhà thơ Nguyễn Phong Việt khiêm tốn tự nhận thơ mình là “thơ thương mại” nhưng những sáng tác của anh cũng như các tác giả kể trênđã trở thành những hiện tượng nghiên cứu trong giới học thuật.
Nếu hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 (2011), tên tuổi những tác giả trên chưa được ai biết đến thì chỉ sau 5 năm, ở hội nghị lần thứ 9 (2016), những cái tên như Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Nồng Nàn Phố… xuất hiện rất nhiều trong các tham luận khai mạc và tọa đàm “Thơ trẻ: truyền thống và cách tân”. Chính những tác giả trên đã tạo cảm hứng để các nhà thơ cùng lứa như Hồ Huy Sơn, Lương Đình Khoa, Đặng Thiên Sơn… phải nhắc đến việc làm sao để thơ trẻ và nhà thơ trẻ sống được.
Chưa dừng lại ở đó, vừa qua trong kỳ thi Học sinh giỏi Văn lớp 12 năm học 2017 - 2018 của TP.HCM đã trích dẫn thơ Nguyễn Phong Việt vào đề thi. Đây có thể xem là một hướng đi mới mẻ của sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, bởi dần dần đã có cái nhìn cởi mở và tiệm cận đời sống văn học đương đại hơn, giúp học sinh bớt học những khuôn phép giáo khoa.
Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu từng có bài nghiên cứu Phục trang bản ngã trong văn học mạng - nhìn từ một số thể loại đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học. Đây là bài nghiên cứu chuyên sâu về các hiện tượng văn học mạng trong đó có các tác giả thơ được giới trẻ yêu thích.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho biết, có khá nhiều luận văn tốt nghiệp cử nhân ngành ngữ văn ở các trường đại học tại TP.HCM và Huế đề cậpvề thơ của anh. Bản thân tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cũng hướng dẫn khá nhiều các sinh viên của mình nghiên cứu về hiện tượng thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Như vậy, các tác giả của dòng sách thơ được giới trẻ yêu thích từ hiện tượng xã hội đã dần trở thành đối tượng nghiên cứu trong môi trường học thuật. Giá trị nghệ thuật của những tác phẩm ở dòng sách này đến mức độ nào, nó có sức sống đến đâu thì vẫn còn chờ thời gian trả lời nhưng ít nhất trong hiện tại, những hiện tượng thơ trên cũng đã thổi một luồng sinh khí trẻ trung cho bầu khí quyển thơ đang dần bị xao nhãng trong lòng người đọc hôm nay.
Văn Đồng
Tags