Đang lướt web, bạn bỗng giật mình khi nhận được một lời cảnh báo nguy cấp. Vì quá lo lắng, bạn làm theo yêu cầu của thông báo. Từ đó, bạn đã bị tống tiền.
Hù dọa mất tiền
Bạn đang lướt web để giải trí hoặc tìm thông tin cho công việc, bỗng nhiên một cửa sổ bật lên với dòng chữ "cấp báo", cho biết máy tính của bạn đã nhiễm virus. Hộp thoại trông có vẻ rất đáng tin cậy, nó có thiết kế tương tự như thông báo của một công cụ diệt virus hay một thương hiệu công nghệ nổi tiếng nào đó.
Tuy nhiên, máy tính của bạn không hề gặp vấn đề gì cả. Chỉ khi bạn ấn vào thông báo đó, máy tính mới chính thức gặp vấn đề. Đó là trò lừa đảo có tên phần mềm hù dọa (Scarware).
Scareware là một loại chiến thuật độc hại được sử dụng để thao túng nạn nhân tải xuống hoặc mua phần mềm có khả năng bị nhiễm phần mềm độc hại. Để khiến người dùng sợ hãi, phần mềm hù dọa đưa ra cho người dùng nhiều cảnh báo bảo mật với tính chất khẩn cấp, nghiêm trọng.
Sau khi người dùng hoang mang và tải xuống phần mềm giả mạo như yêu cầu, dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ gặp rủi ro, điều này có thể dẫn đến các vấn đề như đánh cắp danh tính, mất tiền trong tài khoản, khóa dữ liệu máy tính và đòi tiền chuộc.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết phần mềm hù dọa xuất hiện từ năm 1990 khi lập trình viên Patrick Evans thiết kế một chương trình có tên NightMare để xâm nhập máy tính. Đó là hình ảnh đáng sợ về một chiếc đầu lâu đẫm máu chiếm lấy màn hình của các nạn nhân đi kèm với tiếng thét vang dội đập vào tai.
NightMare đã tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại. Kể từ đó, tội phạm mạng đã sử dụng phần mềm hù dọa để chiếm đoạt hàng triệu USD từ những nạn nhân.
Với những người không am hiểu nhiều về công nghệ, trò lừa này tỏ ra rất hiệu quả. Người dùng ngay lập tức cảm thấy căng thẳng bởi đã nghe nhiều về rủi ro khi máy tính nhiễm virus. Các cửa sổ bật lên của phần mềm hù dọa thúc giục người dùng nhấp vào ngay lập tức.
Ví dụ: Thông báo sẽ nói "bấm vào đây" để loại bỏ virus. Vì không muốn thiết bị nhiễm phần mềm độc hại, bạn sẽ thực hiện những gì cửa sổ bật lên yêu cầu. Thật không may, chính việc nhấp vào liên kết sẽ tải virus xuống thiết bị.
Với lịch sử lâu đời, phần mềm hù dọa đã thành công trong việc lừa rất nhiều người, trên nhiều nền tảng, từ điện thoại, máy tính bảng đến máy tính.
FBI nói rằng một nhóm tội phạm mạng quốc tế sử dụng phần mềm hù dọa đã đánh cắp hơn 74 triệu USD từ các nạn nhân trước khi bị bắt vào năm 2011.
Vào năm 2010, trang web của tờ báo Minneapolis Star Tribune đăng tải quảng cáo Best Western, quảng cáo này chuyển hướng người dùng đến các trang web giả mạo đã lây nhiễm phần mềm độc hại vào thiết bị của họ.
Cuộc tấn công đã tung ra các thông báo cho người dùng biết thiết bị của họ đã bị nhiễm virus và cách duy nhất để loại bỏ là tải xuống phần mềm có giá 49,95 USD. Những kẻ tấn công đã kiếm được 250.000 từ người dùng trước khi bị bắt.
Phần mềm hù dọa đã thuyết phục nhiều người dùng tải xuống ransomware, một dạng phần mềm độc hại nguy hiểm có thể độc chiếm dữ liệu của người dùng để tống tiền. Một khi bị lây nhiễm, ransomware sẽ khóa toàn bộ dữ liệu trên máy tính, người dùng sẽ phải trả tiền để mở dữ liệu, bằng không tin tặc sẽ xóa toàn bộ.
Làm thế nào để ngăn chặn phần mềm hù dọa
Với những người am hiểu công nghệ, phần mềm hù dọa dường như không có mấy tác dụng. Nhưng với những ai chưa nắm rõ được nguy cơ này, họ có thể nhận biết phần mềm hù dọa nhờ những chi tiết sau.
Nếu bạn nhận được cảnh báo về một loại virus mới hoặc lời mời tải xuống phần mềm miễn phí, thì đó gần như chắc chắn là lừa đảo.
Trước tiên, hãy xem xét cửa sổ bật lên có khó đóng không. Những kẻ lừa đảo thường gây khó khăn cho bạn khi đóng hộp thoại, vì vậy ngay cả khi bạn nhấn X để đóng, hộp thoại cũng không biến mất ngay lập tức. Chúng dường như cố nài nỉ người dùng cần xem xét nghiêm túc vấn đề thay vì loại bỏ.
Ngoài ra, bạn không thể nhấp vào biểu tượng hay các thành phần khác của hộp thoại hay trang web. Đó là bởi vì những kẻ thiết kế phần mềm hù dọa chỉ giả mạo các biểu tượng từ các công ty có uy tín. Chúng ký sinh vào danh tiếng của các công ty đó để lừa bạn nghĩ rằng có sự hợp tác giữa các bên.
Vì vậy, nếu bạn không thể nhấp vào các biểu tượng, đường dẫn để tìm hiểu kỹ hơn, hãy coi đó là dấu hiệu cảnh báo. Tất nhiên, cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi phần mềm hù dọa là bảo vệ thiết bị bằng phần mềm chống virus mạnh mẽ.
Tags