Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cho rằng đội tuyển Việt Nam phải nhìn thất bại tại AFF Cup 2021 làm bài học “xương máu” cho mình trong chiến dịch đòi lại ngôi vương ở AFF Cup 2022.
* Thể thao & Văn hóa: Đã có kết quả bốc thăm chia bảng AFF Cup 2022, hầu hết đều nhận định đó là bảng đấu “dễ thở” với đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, bài học từ thất bại tại AFF Cup 2021 vẫn còn nóng hổi, ông nhìn nhận điều này ra sao?
- Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh: Trước khi nói về AFF Cup 2022, tôi muốn chúng ta lật lại AFF Cup 2021 một chút, bởi như thế sẽ có có được cái nhìn toàn diện hơn về đội tuyển Việt Nam cho giải đấu sắp đến. AFF Cup cuối năm ngoái, ai cũng nghĩ và tin tưởng rằng đội tuyển Việt Namsẽ “bỏ túi” ngôi vô địch. Bởi lúc đó, thầy trò ông Park đến với giải đấu trên tư cách nhà ĐKVĐ, vừa giành HCV SEA Games30, ĐTQG duy nhất Đông Nam Á vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 châu Á. Rất hừng hực khí thế của một đội bóng “cửa trên” để nghĩ rằng mình hoàn toàn có khả năng bảo vệ được ngôi vương.
Nhưng rồi thực tế đã không thể suôn sẻ như vậy. Việc trở về từ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vừa như động lực nhưng cũng đã tạo ra áp lực không hề nhỏ. Bởi lúc đó, đội tuyển Việt Nam để thua liên tiếp 6 trận nên đã có những xáo động rõ ràng về tâm lý từ quân đến tướng. Lực lượng không hề yếu nhưng chính việc đánh mất bản năng chiến thắng cùng đôi chút chủ quan đã khiến đội tuyển Việt Nam trả giá đắt.
Đội tuyển Việt Nam lúc đó đã thắng Lào, Malaysia nhưng bị Indonesia cầm chân. Kết quả đó đã khiến chúng ta mất quyền tự quyết cho ngôi đầu bảng đấu. Do vậy, đội tuyển Việt Nam có phần bị “phá sản”những tính toán ban đầu. Chính vì thế, khi đến trận cuối mới loay hoay tính chuyện đá làm sao để nhất bảng B, tránh Thái Lan. Kết quả trận cuối chỉ thắng Campuchia 4 bàn đã không đủ tiêu chuẩn nhất bảng. Những câu chuyện ngoài “kịch bản” như thế ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của cầu thủ nên đội tuyển Việt Nam đã rất khó đá ở trận bán kết lượt đi với người Thái. Chúng ta đã siết lại đội ngũ, tinh thần ở trận lượt về nhưng trận hòa như thế chưa đủ và đã quá muộn.
Nhắc lại những chi tiết này không phải đổ lỗi hay tiếc nuối nhưng đội tuyển Việt Nam phải lấy đó làm bài học “xương máu” cảnh tỉnh mình khi đến AFF Cup cuối năm nay.
* AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam sẽ hội ngộ đối thủ quá nhiều duyên nợ Malaysia ở vòng bảng, theo ông tương quan lực lượng ở bảng B thế nào?
- Kết quả bốc thăm AFF Cup 2022 làm người ta gợi nhớ đến AFF Cup 2018. Khi đó, đội tuyển Việt Nam cũng nằm cùng bảng vớiMalaysia, Myanmar, Lào. Ở giải đấu năm đó, đội tuyển Việt Nam dẫn đầu bảng với 10 điểm, chúng ta thắng Philippines ở bán kết, vượt qua Malaysia ở chung kết để lần thứ 2 trong lịch sử vô địch giải đấu. Nói như thế không có nghĩa đội tuyển Việt Nam sẽ dễ dàng tái hiện thành tích năm 2018. Việc 4 lần liên tiếp (2016, 2018, 2020, và 2022) đều gặp đội tuyển Malaysia ở vòng bảng gợi nhớ về những kỷ niệm đáng nhớ, ký ức đẹp. Hy vọng, cái “duyên” mỗi khi gặp người Mã của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park sẽ bồi đắp khí thế, vận “son” cho đội tuyển Việt Nam
Về cơ bản, đội tuyển Việt Nam nằm ở bảng đấu không quá khó ở AFF Cup năm nay. Xét tổng thể lực lượng, phong độ, vị thế và lịch sử, đội tuyển Việt Nam nhỉnh hơn các đối thủ còn lại. Đây là cơ hội tốt để ông Park cùng học trò của mình hướng đến bán kết cũng như trận chung kết của giải đấu.Thực ra vào thời điểm này ở khu vực Đông Nam Á, việc gặp đối thủ nào cũng vậy. Việt Nam và Thái Lan ở nhóm trên, còn Indonesia, Malaysia cũng ngang bằng nhau. 2 bảng đấu đều có sự cân bằng nhất định.
Malaysia là đối thủ đáng gờm nhất, nhưng tôi nghĩ chúng ta không gặp áp lực lớn về tâm lý. Đội tuyển Việt Nam luôn chiếm thế thượng phong trước Malaysia trong các giải đấu gần đây. Ông Park chưa thua người Mã nhiều năm qua.
Trong khi đó, Singapore không phải là đối thủ quá đáng ngại dù họ vừa giành vé vào bán kết ở AFF Cup 2021. Myanmar vẫn dưới trình so với đội tuyển Việt Nam.Bóng đá Lào dù có những tiến bộ nhất định trong vài năm qua song phần lớn là ở cấp độ trẻ.
Nếu chơi đúng khả năng của mình, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có cửa giành ngôi nhất bảng B. Việc nhất bảng sẽ rất quan trọng khi tiến vào vòng bán kết. Trên thực tế, đội tuyển Việt Nam được đánh giá cao nhất bảng đấu. Tuy vậy, đội tuyển Việt Nam ngoài chuyện tự tin vào khả năng của mình thì không được phép chủ quan. “Biết người biết ta” không thừa để có thể đi đến cái đích cuối cùng.
* Thời gian vừa qua, ông Park cùng cộng sự tích cực theo dõi các cầu thủ tại V-League để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho AFF Cup 2022. Những hình dung của ông về sức mạnh của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu năm nay?
- Các tuyển thủ quốc gia vẫn đang chơi tốt tại V-League. Trong khi đó, nhiều cầu thủ trẻ cũng đã thể hiện được năng lực khi các đội bóng tin dùng. Tại V-League, một số cầu thủ trẻ nổi lên ở vị trí hàng tấn công nơi mà ông Park luôn than phiền vì thiếu chân sút giỏi. Chưa thể khẳng định những gương mặt này có thể đá chính được ở AFF Cup 2022 nhưng tôi nghĩ cần trao cơ hội để họ tự tin hơn, trưởng thành hơn. Điều quan trọng là làm mới lối chơi khi mà đội tuyển Việt Nam bị các đối thủ bắt bài.
Tuy nhiên, mọi thứ nằm ở tính toán của ông Park và BHL. Họ hiểu đội tuyển Việt Nam đang thiếu gì, cần gia cố ở đâu và làm mới chỗ nào. Làm mới từ nhân sự đến lối chơi hẳn rồi để tránh bắt bài, đối thủ bất ngờ. Nhưng làm mới không phải ồ ạt theo kiểu ‘đập đi xây lại” vì như thế sẽ mất đị tính ổn định, sự gắn kết và phá vỡ cấu trúc đang có của đội tuyển Việt Nam.
Tôi nghĩ ở đó, là chuyện ứng biến của ông Park cho từng đối thủ, từng thời điểm dựa trên sự cài cắm, đan xen của các lứa cầu thủ trên ĐTQG lúc này. Nghĩa là đa dạng trong mảng miếng cùng với sử dụng hợp lý nhân tố trẻ để mang lại sự tươi tắn, mới lạ. Việc triển khai tấn công, gây sức ép liên tục trước Malaysia, Indonesia, Thái Lan (bán kết lượt về AFF Cup 2020) có thể là một gợi ý, để chúng ta sẵn sàng tạo ra một hình ảnh mới, thoát khỏi cách chơi thực dụng như 4 năm mà chúng ta đã trải qua, với cả thành công lẫn thất bại.
Nên nhớ, điểm mạnh nhất trong tinh thần xây dựng lối chơi của ông Park vẫn cách đáphòng ngự phản công nữa. Còn lúc này, cần thêm bài vở để khắc chế, ứng biến trước các đối thủ. Ví dụ như khi gặp đội bóng nào đó “phá” lối chơi giống Indonesia hồi AFF Cup 2021 hay “đổ bê tông” của U23 Philippines ở SEA Games 31 sẽ hóa giải thế nào.
Tựu trung lại, với năng lực hiện nay, tính toán điểm rơi phong độ hợp lý cũng với việc “biết người biết ta”, đội tuyển Việt Nam sáng cửa vô địch AFF Cup 2022.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags